Hoài Sa Thứ Bảy | 25/03/2017 08:30

Golf Nhật mở cửa đón phái đẹp: Liệu có quá trễ?

Số lượng người chơi golf tại Nhật đã giảm tới 40% so với thời hoàng kim những năm 1990.

Bước vào  sân golf nào ở Việt Nam, người ta cũng đều thấy các bóng hồng (không tính các caddy), bởi nữ golf thủ vốn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Vậy mà tại Nhật, nơi được coi là “thánh địa” của làng golf châu Á, đến bây giờ, các sân golf tư nhân mới cho phép phụ nữ được làm thành viên chính thức do sức ép từ Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).

Câu lạc bộ Kasumigaseki ở tỉnh Saitama là sân golf đi đầu trong việc dỡ bỏ lệnh cấm đối với phụ nữ sau 3 cuộc họp “căng thẳng” của Ban Điều hành với các hội viên và đây được coi là quyết định lịch sử của môn thể thao này ở Nhật. Ngay lập tức, Chủ tịch Ban Tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã hoan nghênh quyết định được cho là “giữ đúng tinh thần Thế vận hội”. Bỏ lệnh cấm trên thực tế cũng chỉ được đưa ra sau khi IOC gây sức ép dọa rút môn golf khỏi Olympic Tokyo 2020. Người Nhật cũng chỉ làm điều này sau động thái tương tự của sân golf lừng danh Muirfield ở Scotland, chấm dứt luật lệ tồn tại suốt 273 năm! Trước đó, Thị trưởng Tokyo, Yuriko Koike cũng từng phàn nàn rằng lệnh cấm này khiến bà cảm thấy “cực kỳ bất công”, bởi thế giới đã sang thế kỷ XXI rồi mà phụ nữ vẫn bị phân biệt đối xử trên sân golf.

Cũng cần phải ngược dòng một chút để lý giải sự “điên rồ” này, bởi tại Nhật, golf được coi là biểu tượng của địa vị xã hội. Sau Thế chiến thứ II, từ đống đổ nát, người Nhật đã bắt tay xây dựng lại đất nước và đã có những bước tiến kỳ diệu, khiến cả thế giới phải ngả mũ. Một khi đã có cuộc sống đủ đầy, người Nhật cần phải thể hiện đẳng cấp. Ngoài việc bỏ tiền sưu tập tác phẩm nghệ thuật, thì golf cũng là nơi để người Nhật thể hiện đẳng cấp. Theo The Economist, trong những năm 1990, khi kinh tế Nhật ở vào thời hoàng kim, tổng số người chơi golf ở nước này lên tới hơn 13,7 triệu người, tức chiếm hơn 10% dân số!

Golf Nhat mo cua don phai dep: Lieu co qua tre?
 

Số lượng người chơi golf tăng cao đương nhiên cũng kéo theo số lượng sân golf phát triển, với hơn 2.400 sân golf và 3.000 sân tập. Như thế tất yếu dẫn đến hình thành ngành công nghiệp golf phát triển ở xứ sở Mặt trời mọc, cả ngành sản xuất cũng như dịch vụ ăn theo, với những thương hiệu lừng danh như Endo, Mizuno, Fujikura, Mamita Op...

Chất lượng cũng như đẳng cấp của nhãn hàng trên đã được bảo chứng qua việc nó trở thành món quà mà Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tặng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chuyến thăm của ông Abe tới Mỹ cuối năm ngoái. Khi ấy, người phát ngôn của hãng Honma tiết lộ cây gậy driver thuộc dòng Honma Beres mà Bộ Ngoại giao Nhật đặt mua để làm món quà tặng ông Trump có giá trị là nửa triệu yen, tương đương khoảng 4.500 USD.

Tuy nhiên, chính vì được coi như thước đo sức khỏe của nền kinh tế mà giờ nền công nghiệp golf của Nhật cũng suy thoái. Kinh tế Nhật mất ngôi thứ 2 vào tay Trung Quốc. Biểu hiện rõ nhất là việc dù vẫn được coi là một thương hiệu Nhật, trụ sở vẫn ở Nhật, nhưng một phần lớn cổ phần của hãng Honma đã lọt vào tay người Trung Quốc. Hiện số lượng người chơi golf tại Nhật đã giảm tới 40% so với thời hoàng kim những năm 1990. Nhiều sân golf trên cả nước đã đóng cửa, chuyển đổi công năng.

Nhưng có thể Olympic Tokyo 2020 sẽ trở thành một cú hích vực dậy ngành golf ở Nhật, nhất là khi kinh tế nước này cũng có dấu hiệu khởi sắc nhờ Abenomics (chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe). Đương nhiên, việc dỡ bỏ điều luật hạn chế phụ nữ cũng là một động lực khác. Bởi thế giới này đâu thể thiếu phụ nữ, cả trên sân golf cũng vậy.

Hoài Sa