Ảnh: Billy Edwards / Getty.
Giải cứu Koala
Thu mình trên thân cây đã ngã, một bên tai và nửa lưng bị cháy xém, gấu túi Koala mẹ vẫn ôm chặt đứa con bé nhỏ trong lòng. Đây là bức ảnh tiêu biểu về thảm cảnh cháy rừng tại Úc vừa diễn ra. Không hiểu điều kỳ diệu gì đã giúp 2 mẹ con Koala chờ được người cứu hộ tới, trong khi gần 10.000 đồng loại của nó đã chết trong biển lửa cháy rừng tại Úc chỉ chưa đầy 4 tháng qua.
Theo Quỹ Bảo trợ Koala của Úc (AKF), tính tới tháng 10.2019, trên 80% môi trường sống tự nhiên của gấu Koala đã biến mất. Koala gặp nhiều khó khăn để tồn tại vì chúng thường khoanh vùng phạm vi sống qua cây cối quen thuộc.
Úc đang trải qua những ngày nóng cháy. Kỷ lục ngày nóng nhất được thiết lập vào trung tuần tháng 12.2019 với nhiệt độ trung bình lên tới 41,9oC, góp phần gây cháy rừng hàng loạt. Tính đến thời điểm này, đợt cháy không chỉ làm thiệt hại hơn 8 triệu ha rừng, ảnh hưởng tới hàng ngàn người dân, mà còn giết chết hơn 1,25 tỉ động vật, trực tiếp lẫn gián tiếp, theo ước tính mới của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở Úc.
Theo thông tin từ bà Sussan Ley, Bộ trưởng Môi trường Úc, khoảng 30% gấu Koala sống tại khu bờ biển phía Bắc của bang New South Wales đã bị chết trong đợt cháy rừng này. Koala là loài bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tính chất di chuyển chậm chạp và sự phòng thủ duy nhất của chúng là trèo lên những cây bạch đàn cao.
Diện tích rừng cây ở Úc vẫn tiếp tục thu hẹp chóng mặt. Không chỉ do ô nhiễm, cháy rừng còn do đa phần diện tích này thuộc về tư nhân và người dân đang mở rộng đất để canh tác, tái định cư và xây đô thị. Báo cáo Kế hoạch bảo tồn Koala của WWF cảnh báo, nhiều khả năng gấu Koala không xuất hiện ở miền Tây New South Wales và Queensland trong 30 năm nữa, bởi vì môi trường ở đó không còn phù hợp.
Hiện tại, trên 150 tình nguyện viên, bác sĩ thú y đã được chính phủ Úc điều động để chăm sóc cho gấu Koala ở bang New South Wales. Số tiền quyên góp trên nền tảng GoFundMe để cứu những chú gấu túi bị thương sau các vụ cháy, đã lên tới hơn 680.000USD. Chỉ sau chưa đầy 3 tháng phát động, với sự tham gia của hơn 20.000 người đến từ nhiều quốc gia, dự án này đã dẫn đầu về sức ảnh hưởng trong hơn 700 dự án bảo vệ môi trường và động vật tại Úc suốt 3 năm qua.
Các bệnh viện thú y ở Úc đang ra sức chăm sóc, điều trị bỏng cho gấu túi. “Thật đáng buồn là nhiều Koala không thoát khỏi các đám cháy. Nhưng vấn đề quan trọng hơn đó là chúng mất đi môi trường sống. Hiện vẫn còn những con Koala đang sống nhưng thức ăn còn lại rất ít”, bác sĩ thú y Michael Pyne, bệnh viện gấu túi Koala ở Port Macquarie, xót xa. Ngoài cứu chữa, con người cần phải tìm ra nhiều phương pháp mang tính lâu dài hơn để giúp loài vật này.
Theo Tiến sĩ Ben Moore từ Đại học Tây Sydney, đầu tiên là đa dạng chuỗi thức ăn. Sau khi kiểm tra những con Koala ăn được nhiều loại lá, ông may mắn tìm được bộ vi khuẩn dồi dào và cấy vào ruột những con khác. Tuy nhiên, hầu hết vẫn tỏ ra ngoan cố, không chịu ăn và uống thuốc.
Tiếp theo là bảo vệ, khôi phục và mở rộng môi trường sống của Koala. Đây là một bài toán không hề dễ dàng khi theo NASA, khả năng các vụ cháy sẽ tiếp tục lan rộng trong năm 2020, do nhiệt độ cao nhất của nước Úc thường rơi vào tháng 1 và tháng 2. Để ngăn chặn diện tích rừng tiếp tục suy giảm, ngày 5.1 vừa qua, Thủ tướng Úc Scott Morrison, đã thông báo sẽ chi thêm ngân sách 2 tỉ AUD để cứu rừng trong 2 năm tới.
Bộ trưởng Môi trường New South Wales, ông Gabrielle Upton, cho biết chính quyền đã cam kết chi 45 triệu USD cho chiến lược bảo tồn gấu túi. Bắt đầu từ việc tiến hành quy hoạch hơn 24.000ha dành riêng cho khu bảo tồn thực vật Koala. AKF cũng tăng cường khuyến nghị để người dân địa phương có thể hòa nhập môi trường sống với loài gấu túi này như cứu hộ chúng tại nhà, trồng cây thực phẩm cho Koala, xây dựng các trạm cấp nước...
Trong 2 tuần qua, các bạn trẻ Việt Nam cũng đã có những hành động cụ thể như tham gia vào các chương trình tình nguyện may áo cho Koala, chia sẻ hình ảnh yêu thương, nguyện cầu bình an cho Koala và nước Úc...
“Bản thân chúng ta đang sống trong một thế giới mật thiết với nhau. Tất cả những gì bạn làm sẽ ảnh hưởng đến những điều xung quanh mình. Ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu mới là hành động mà chúng ta dễ thực hiện nhất để cứu rừng nước Úc”, ông Vũ Viết Kiên, CEO Dự án Môi trường không ống hút nhựa Việt Nam, nhận định.