Ảnh: vntrip.vn
Fansipan có cần sân bay?
Fansipan là ngọn núi cao nhất Việt Nam, được mệnh danh là Nóc nhà Đông Dương nằm trong địa phận Vườn Quốc gia Hoàng Liên, cách trung tâm thị xã Sa Pa khoảng 9km về phía Tây Nam, là trọng điểm chính phát triển du lịch của tỉnh Lào Cai. Sau khi hệ thống cao tốc Hà Nội - Lào Cai và dự án cáp treo Fansipan đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, lượng khách đến Sa Pa tăng đột biến. Nếu như năm 2013, tổng lượng khách đến Sa Pa mới đạt 720.000 lượt người, doanh thu du lịch khoảng 576 tỉ đồng, thì đến hết năm 2018, Sa Pa đã đón 2,5 triệu lượt khách, thu tương ứng 3.900 tỉ đồng.
Trước đây, để di chuyển lên tới cột mốc 3.143m ấy, du khách phải đi bộ 2 ngày băng qua gần 54 quả đồi hiểm trở của dãy núi Hoàng Liên Sơn, thì bây giờ chỉ mất 20 phút. “Khi chưa có cáp treo, người dân có thể làm nghề khuân vác để kiếm sống. Nhưng từ khi cáp đi vào hoạt động, chúng tôi mất việc và hầu hết trở thành công nhân xây dựng tự do”, Ma A Tro, một người dẫn khách leo Fansipan 2 ngày, chia sẻ.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai, nguồn thu du lịch ở Sa Pa chủ yếu từ ăn uống, lưu trú. Doanh thu từ du lịch thực tế đã rơi vào các công ty du lịch, đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, quán ăn, địa điểm vui chơi mà chủ đầu tư là dân từ vùng khác lên lập nghiệp.
Thống kê 7 tháng đầu năm 2019, tổng lượng khách đến Lào Cai đạt gần 3,33 triệu lượt, riêng Sa Pa đã đón hơn 2,15 triệu lượt khách. Tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng không theo kịp với sự gia tăng của du khách khiến Sa Pa quá tải về mọi mặt như giao thông tắc nghẽn, lượng rác thải từ hoạt động du lịch tăng nhanh. Chỉ tính riêng lượng rác thải sinh hoạt tại trung tâm thị trấn Sa Pa hiện đã là 27 tấn/ngày, tăng gấp 5 lần so với năm 2014 là 5,3 tấn/ngày. Đường đi thì sửa chữa nâng cấp khắp nơi, thường xuyên mất điện, mất nước, gây bức xúc cho du khách và khó khăn cho người dân địa phương.
Cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái rừng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng. Riêng đất dành cho khu cáp treo Fansipan đã chiếm 77.540m2 thuộc diện tích của Vườn Quốc gia Hoàng Liên. Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Sa Pa, diện tích rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia chỉ còn khoảng 30%. Trong khi đó, tốc độ suy thoái rừng quá nhanh, phần lớn do sự can thiệp sâu và không có kế hoạch của con người. Điều này khiến ngành du lịch sinh thái của Vườn Quốc gia mới được hình thành có nguy cơ chết non, đẩy cuộc sống của hơn 10.000 cư dân địa phương, vốn chỉ sống nhờ vào khai thác rừng và du lịch, đến chỗ kiệt quệ và để sinh nhai, họ sẽ tiếp tục triệt phá thiên nhiên.
Áp lực quy hoạch cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, cân bằng xã hội để ngành du lịch tỉnh Lào Cai giữ chân du khách chưa được giải quyết thì liên tiếp các dự án mở sân bay, đường sắt để đón thêm khách vẫn được phê duyệt và đốc thúc triển khai. Tháng 7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không Sa Pa (Lào Cai) giai đoạn đến năm 2030, với vốn đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, công suất phục vụ 3 triệu lượt khách mỗi năm, với 9 chỗ đỗ máy bay cần tổng nhu cầu sử dụng đất dự kiến trên 371ha.
“Hiện nay, giao thông đến Sa Pa đã khá thuận lợi với hệ thống đường cao tốc, tàu hỏa. Việc xây dựng cảng hàng không với chi phí hàng ngàn tỉ đồng, liệu có thể khai thác hiệu quả?”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An Nguyên, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, quan ngại.
Tiếp theo đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khổ tiêu chuẩn có tổng chiều dài 392km, vốn đầu tư là 100.000 tỉ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua 8 tỉnh, thành phố gồm Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, lại tiếp tục được đưa vào quy hoạch với diện tích đất sử dụng trên 1.650ha.
“Trên thực tế, giao lưu về vận tải hàng hóa giữa bản thân tỉnh Lào Cai và các tỉnh xuyên suốt trên tuyến đường sắt này cũng không có nhiều đến mức phải cần một tuyến đường sắt tốn kém như vậy. Chưa nói về chi phí, rõ ràng việc hưởng lợi từ dự án này thì Việt Nam thấp hơn nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề.
Trong khi đó, ở góc độ là người gắn bó nhiều năm với mảnh đất này, chị Giang Thị Lang, hướng dẫn viên du lịch người Mông Đen, chia sẻ quan điểm: “Nếu xây dựng nhiều hơn, chúng tôi sẽ dần mất Sa Pa, trong khi chúng tôi lại không có thêm núi”.
James Fahn, Giám đốc Mạng lưới báo chí Trái đất và là một chuyên gia viết về môi trường, đã thốt lên: “Với xu thế này, nếu con người và nhiệt độ tiếp tục tăng, chẳng bao lâu nữa, những loài cây ở Hoàng Liên Sơn sẽ hết đất để sinh tồn”.
Không ai có thể phủ nhận sự bùng nổ khách du lịch mang lại cơ hội để phát triển các điều kiện thiết yếu về điện đường trường trạm với người dân tộc thiểu số. Nhưng khi nhìn vào những áp lực đang có thì xây thêm đường để đón khách tới chinh phục “Nóc nhà Đông Dương” chưa thuyết phục được dư luận nếu lý giải rằng các dự án này nhằm mục tiêu phát triển kinh tế.