Đường đua F1: Cỗ máy kiếm tiền
Người Mỹ cũng không còn ngoảnh mặt với Đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) khi US Grand Prix diễn ra vào cuối tuần qua (21-23.10) tại Austin (bang Texas), dù họ đã có những giải đua xe truyền thống rất ăn khách khác là NASCAR và Indy Car. Lý do nằm ở mức lợi nhuận mà đường đua F1 mang lại cho nhà tổ chức, dẫn đến việc ngày càng có nhiều nước nộp đơn xin đăng cai Đua xe Công thức 1.
Cho đến nay, Singapore vẫn được đưa ra làm ví dụ điển hình của việc dùng giải Đua xe F1 để thúc đẩy du lịch suốt từ năm 2008 tới nay (thường tổ chức vào tháng 9 hằng năm). Nhưng quốc đảo này quá chật hẹp, lấy đâu ra đất để xây dựng đường đua?
Câu trả lời thực ra rất đơn giản: Người Singapore lấy luôn đường phố ở khu Marina Bay làm nơi để các ngôi sao như Lewis Hamilton, Sebastian Vettel hay Fernando Alonso trổ tài. Bởi trước đó, Monaco cũng đã làm như vậy. Và chính đường đua trong phố diễn ra vào buổi tối lại càng khiến cho Singapore Grand Prix trở nên hấp dẫn hơn, như một đặc thù, trải nghiệm riêng mà không đâu có được!
Dĩ nhiên, để có tiền tổ chức, việc đầu tiên phải làm là tìm kiếm nhà tài trợ, với chi phí khoảng 150 triệu USD cho mỗi hợp đồng có thời hạn 5 năm. Nhà mạng Singtel là người đi tiên phong, trước khi nhường lại vị trí nhà tài trợ chính cho hãng hàng không Singapore Airlines từ năm 2014, khi người Sing coi giải đấu như một mũi nhọn để thúc đẩy du lịch, vốn chiếm 4% cơ cấu kinh tế của quốc đảo sư tử.
Chiến lược đó là hoàn toàn thực tế, bởi theo các nhà tổ chức, có tới 40% khán giả của Singapore Grand Prix là người nước ngoài. Tính từ năm 2008, khi đường đua đêm bắt đầu được tổ chức thường niên tại Marina Bay, ước tính mỗi năm có 250.000 người đến Singapore để xem Đua xe F1, đóng góp cho quốc đảo khoảng hơn 100 triệu USD mỗi năm, so với kinh phí tổ chức là 30 triệu USD.
Như thế, bên cạnh những chức năng đã được định danh như trung tâm hội nghị quốc tế, trung tâm tài chính, nghệ thuật, du học, chữa bệnh..., Singapore còn được coi là trung tâm thể thao. Bởi ngoài Singapore Grand Prix, nơi đây còn là địa điểm tổ chức giải quần vợt nữ WTA Finals dành cho 8 tay vợt nữ xuất sắc nhất vào dịp cuối năm.
Đường đua Singapore Grand Prix. Ảnh: Ảnh: singaporegp.sg |
Để tăng thêm sức hút cho giải đấu, người Sing còn tổ chức nhiều sự kiện ăn theo 3 đêm F1, đáng chú ý nhất là một đại nhạc hội với sự hiện diện của các ngôi sao ca nhạc quốc tế lừng danh. Như trong năm nay, nữ danh ca người Úc Kylie Minogue cùng nhóm nhạc huyền thoại Queen và ca sĩ Adam Lambert sẽ là những thỏi nam châm chính lôi kéo khán giả. Nghĩa là người đến Singapore vào dịp cuối tuần diễn ra giải F1 sẽ không chỉ là fan hâm mộ của Hamilton hay Vettel mà còn của những ngôi sao ca nhạc kể trên. Những ai hâm mộ cả F1 lẫn ca nhạc càng tốt, các nhà tổ chức của quốc đảo sư tử càng tha hồ hốt bạc.
Theo tờ The Strait Times, mỗi dịp tổ chức giải, các khách sạn quanh khu Marina Bay đều kín phòng và những chuỗi trung tâm thương mại tại Orchard Road lúc nào cũng đông khách. Đa phần khách đến Singapore toàn là dân có tiền. Theo một báo cáo của nhóm tư vấn Boston Consulting Group hồi năm 2012, khoảng 10% số người có thu nhập cao thường xem F1 qua truyền hình nói rằng họ sẵn lòng đến Singapore để xem trực tiếp giải đấu nếu có dịp.
Một nguồn thu lớn khác đến từ bản quyền truyền hình, khi ước tính có 90 triệu người theo dõi giải đua qua TV, đi kèm theo đó là các spot quảng cáo kín chương trình.
Dĩ nhiên, không chỉ có người Singapore nghĩ tới cách kiếm tiền kiểu này. Chỉ cách đó 300 km là đường đua Sepang, nơi cũng tổ chức Malaysia Grand Prix từ năm 1999. Để cạnh tranh với nước láng giềng, người Malaysia cũng tìm đủ chiêu trò thu hút khán giả, thậm chí là lôi kéo fan từ các quốc gia lân cận. Kết quả là năm nào cũng có vài đoàn nhà báo lũ lượt từ Việt Nam, hết sang Singapore lại đến Malaysia, trong khi giấc mơ về một đường đua F1 ở Việt Nam đã manh nha từ những năm 2000, song chưa biết đến bao giờ trở thành hiện thực.
Ngoài Malaysia, Singapore, tại châu Á còn có đường đua Thượng Hải (Trung Quốc), Abu Dhabi (UAE), Bahrain, Hàn Quốc, Nhật và Ấn Độ. Hồng Kông cũng mới đăng cai giải đua E1 (Formula E, cấp độ thấp hơn).
Tính trên toàn thế giới, có tới hơn 40 đường đua F1, mà mùa giải thì chỉ có tổng cộng 21 Grand Prix. Do đó, để đường đua nước mình lọt vào hệ thống giải đấu hằng năm của Ban Tổ chức F1 (FIA, đứng đầu là ông trùm Bernie Ecclestone) cũng không phải là điều dễ dàng. Luôn diễn ra những cuộc cạnh tranh, vận động ngấm ngầm hoặc công khai, đôi khi đến cả nguyên thủ quốc gia cũng đứng ra vận động cho nước mình.
Chẳng hạn, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng đích thân ngồi sau vô lăng chiếc F1, với vận tốc trung bình lên tới 300 km/h để vận động cho Grand Prix tổ chức tại thủ đô du lịch của nước Nga là Sochi.
Đấy là chưa kể việc tổ chức F1 còn giúp nâng cao hình ảnh đất nước. Việc những ngôi sao triệu phú tề tựu bên dàn người đẹp dự giải là một sự đảm bảo về an ninh trong bối cảnh khủng bố hoành hành khắp nơi như hiện nay. Mà thời buổi này, an toàn cũng đồng nghĩa với kiếm ra tiền.
Hoài Sa