Hình ảnh rừng bị phá. Ảnh: Thanhnien.vn.
Đừng biến rừng phòng hộ thành hàng hóa
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến nay cả nước có 14,45 triệu ha rừng, gồm rừng đặc dụng là 2,15 triệu ha, rừng phòng hộ 4,64 triệu ha, còn lại là rừng sản xuất. Trong đó, rừng phòng hộ được đầu tư ít nhất và bị thu hẹp nhanh nhất với tốc độ suy giảm trung bình 23%/năm do nạn phá rừng, chuyển đổi thành rừng sản xuất, thủy lợi, khu chế xuất...
Trong khi đó, rừng trên thế giới chỉ có 2 loại: (1) rừng sản xuất thì nhà nước không đầu tư, (2) rừng bảo vệ thì tư nhân không được xâm phạm khai thác. Ở Việt Nam lại có rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất mà quy hoạch các loại rừng lại chồng chéo, đan xen nhau. Để đảm bảo tự chủ về tài chính, ban quản lý rừng phòng hộ phải đầu tư trồng rừng rồi khai thác nguồn lợi từ rừng, vì thế khó đáp ứng được mục tiêu bảo tồn lâu dài. Vấn đề gây tranh cãi này được nêu ra trong Hội thảo Chính sách đầu tư và quản lý bền vững cho hệ thống rừng phòng hộ Việt Nam ngày 13.10.2020.
Hiện nguồn tài chính của các ban quản lý rừng phòng hộ chủ yếu đến từ ngân sách nhà nước và dịch vụ môi trường rừng nhưng ngân sách nhà nước thì hạn chế, còn dịch vụ môi trường rừng lại là nguồn thu không ổn định. Cụ thể, trong 231 ban quản lý rừng phòng hộ hiện chỉ có 154 đơn vị được chi trả dịch vụ môi trường rừng với 1,75 triệu ha, chiếm khoảng 62% về diện tích rừng phòng hộ, theo Tổng cục Lâm nghiệp.
Mỗi tháng Ban quản lý rừng phòng hộ chỉ được hỗ trợ từ 3,5-6,5 triệu đồng. Số liệu gần nhất của PanNature cho thấy, chỉ có 15/32 ban quản lý rừng phòng hộ được cấp kinh phí phòng cháy chữa cháy rừng từ 14-500 triệu đồng/năm và chỉ có 2 ban quản lý được cấp 1 tỉ đồng/năm. Bình quân mỗi nhân viên bảo vệ rừng chuyên trách phải đảm nhiệm từ 1.000 ha rừng trở lên. Người làm công tác bảo vệ rừng phải trực 24/24 giờ, kể cả thứ Bảy, Chủ Nhật và ngày lễ, Tết.
Thêm vào đó, luôn tồn tại sự bất hợp lý giữa yêu cầu đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các hoạt động bảo vệ rừng phòng hộ với khả năng cấp vốn của ngân hàng trung ương và địa phương. Đơn cử như Chương trình đầu tư Phát triển lâm nghiệp bền vững 2016 -2020 theo Quyết định 886/QĐ-TTg có tổng vốn đầu tư là 59.600 tỉ đồng, nhưng suốt 3 năm (2016-2018) chỉ mới phân bổ được 2.112 tỉ đồng và hiện trên 90% lượng vốn chưa được giải ngân, trong khi còn chưa đầy 2 tháng nữa là Quyết định hết hiệu lực.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, chia sẻ: “Điểm nghẽn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các ban quản lý và công tác bảo tồn là vấn đề thiếu đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước đối với dịch vụ sự nghiệp công và đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác”.
“Nếu tiếp tục đẩy mạnh việc tự chủ về kinh tế ở các ban quản lý rừng phòng hộ thì rừng phòng hộ có được xem là hàng hóa hay không. Cần phải phân định rừng nào là tài sản công, rừng nào là tài sản tư để huy động nhiều nguồn lực vào phát triển rừng mà vẫn đảm bảo mục tiêu bền vững”, Tiến sĩ Trần Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Lâm nghiệp Đắk Lắk, nhận xét.
Theo số liệu dùng làm nền tảng cho Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 của Tổng cục Lâm nghiệp, Việt Nam đang đứng thứ 5 xuất khẩu gỗ và nông sản trên thế giới với mục tiêu doanh thu tăng 2 tỉ USD mỗi năm.
Sáp nhập 2 hệ thống rừng đặc dụng và rừng phòng hộ thành một hệ thống rừng bảo vệ do Nhà nước quản lý, tách biệt hoàn toàn với rừng sản xuất, loại cho phép tư nhân đầu tư đang là một giải pháp nền tảng để mở cửa đón dòng tiền đầu tư bền vững cho công tác bảo vệ rừng ở Việt Nam, theo Ban quản lý rừng phòng hộ Ia Ly, tỉnh Gia Lai. Bên cạnh đó, cần hạn chế tối đa việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phòng hộ là rừng tự nhiên sang rừng sản xuất.
“Đến nay, 85% các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã xây dựng phương án tự chủ, được cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt và phân loại mức độ tự chủ. Nếu không có hệ thống các định mức kinh tế kỹ thuật sẽ không có cơ sở xác định được chi phí, giá dịch vụ, không có cơ sở khoa học làm căn cứ giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị”, ông Nguyễn Quốc Trị chia sẻ thêm.
Rừng phòng hộ bền vững phải hài hòa kinh tế, môi trường, xã hội, không chỉ đảm bảo hôm nay mà còn cho ngày mai. Để không bị mất kiểm soát khi nền kinh tế tăng trưởng nóng thì việc rà soát, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, cắm mốc giới lâm phận để nắm diện tích chính xác của các loại rừng công tư và tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 để khoanh vùng rừng được bảo vệ là vô cùng cấp thiết.