Đua xe Công thức 1: không chỉ là giải trí
Mùa giải Đua xe Công thức 1 (Formula One - F1) vừa kết thúc kịch tính chưa từng thấy khi đến tận vòng đua cuối cùng ở Abu Dhabi người ta mới tìm được nhà vô địch. Đáng nói hơn khi đó là cuộc cạnh tranh giữa 2 người đồng đội Nico Rosberg (quán quân) và Lewis Hamilton (á quân). Song, những bất đồng nội bộ đó không thể làm lu mờ ưu thế áp đảo của đội đua Mercedes.
Ngay trước khi Rosberg lên ngôi không lâu, Mercedes đã công bố lợi nhuận năm ngoái tăng tới 35,5%, lên 316 triệu USD, mức cao nhất kể từ khi hãng xe hơi Đức mua lại đội đua F1 từ tay nhà tài phiệt Ross Brawn năm 2009 với giá 120 triệu USD. Lợi nhuận tăng cao nhờ vào khoản tiền thưởng cho chức vô địch kép của Mercedes năm 2014, điều được lặp lại trong cả năm ngoái lẫn năm nay. Nghĩa là Mercedes đã giành được cú hat-trick vô địch cá nhân lẫn đồng đội, một thành tích vô tiền khoáng hậu.
Thành công trên đường đua cũng kéo theo thành công trên thương trường. Đội đua này còn giành được nhiều hợp đồng tài trợ tầm cỡ với hãng thời trang Hugo Boss, nhà sản xuất máy in Epson và hãng công nghệ Qualcomm. Người được vinh danh trong chiến công của Mercedes, ngoài các tay đua cự phách Rosberg và Hamilton, còn phải kể tới ông bầu của đội Toto Wolff. Ông bầu này nắm 30% cổ phần đội đua, 10% thuộc về cựu vô địch Niki Lauda, phần còn lại thuộc hãng Mercedes. Nhưng tựu trung, đây là chiến thắng của Mercedes trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường xe hơi quốc tế. Ai cũng biết, F1 không chỉ đơn thuần là môn thể thao được ưa chuộng, mà còn là cuộc chiến giữa các hãng xe.
Để so sánh, hãng xe hơi bán chạy nhất hành tinh là Toyota đã đầu tư tới 2,1 tỉ USD vào F1 nhưng chưa bao giờ giành được chức vô địch nên đã phải chấm dứt 8 năm phiêu lưu (thực tế là đốt tiền) bằng việc rút khỏi đường đua năm 2009. Tương tự, Honda cũng mới chỉ 1 lần giành ngôi nhất chặng (chứ chưa nói đến nhất cả mùa) nhưng cũng đã chi tới 1,4 tỉ USD trước khi rút lui vào năm 2008. Sau đó, họ trở lại bằng việc cung cấp động cơ cho đội đua McLaren, nhưng cũng không giành được thành công nào đáng kể.
Hai tay đua của đội Mercedes, Nico Rosberg và Lewis Hamilton (phải). Ảnh: Getty Images |
Trên cái nền ấy, chiến thắng của Mercedes càng trở nên ấn tượng với cú “hat-trick kép” như đã nói. Hai năm trước, họ đều giành chức vô địch đội đua, còn Lewis Hamilton vô địch cá nhân, Nico Rosberg xếp hạng nhì. Năm nay, trật tự ấy có chút thay đổi khi Rosberg và Hamilton đảo vị trí cho nhau. Đấy là chưa kể hàng loạt kỷ lục khác ở từng chặng đua. Sự thống trị ấy giúp đội Mercedes tăng lợi nhuận lên tới 64% kể từ năm 2010, năm đầu tiên mà hãng xe hơi Đức nắm toàn quyền quản lý đội. Đó là màn quảng cáo tốt nhất cho chất lượng của xe Mercedes.
Với lý do đó, việc các tay đua của Mercedes nhận được mức lương khủng, biến họ thành những nhà thể thao giàu nhất thế giới cũng là điều hợp lý. Hiện lương hằng năm của Hamilton tại Mercedes là 31 triệu USD, còn của Rosberg 15,5 triệu USD. Đấy là chưa kể tiền thưởng mà họ nhận được nhờ thành tích ở mỗi mùa giải, khoảng 10 triệu USD/người/mùa. Hamilton hiện là nhà thể thao giàu nhất Vương quốc Anh với tổng tài sản 150 triệu USD.
Ông bầu Wolff giải thích: “Nhiều người nói chuyện chuyển giao công nghệ từ xe đua sang xe thương mại chỉ là quảng cáo. Nhưng nó hoàn toàn có thật. Hiện dòng xe S-Class đang sử dụng động cơ turbo 6 xi-lanh và nó được hoàn thiện nhờ vào những nghiên cứu áp dụng cho xe đua Công thức 1”. Theo các chuyên gia, hiện chỉ có một đội đua F1 khác cũng hưởng lợi giống như Mercedes là hãng Ferrari, khi công nghệ được dùng trong xe đua F1 cũng được dùng cho các siêu xe của hãng bán trên thị trường. Ferrari cũng chính là một trong những đối thủ tiềm năng đối với Mercedes vì từng thống trị làng đua xe F1 nhiều năm liền khi huyền thoại Michael Schumacher còn thi đấu. Trong những cuộc đua tốc độ như thế này, chỉ chậm một tích tắc cũng phải trả giá chứ đừng nói đến dừng lại.
Hoài Sa