Du lịch bền vững: Làm sao để thực sự bền vững?
Một khách du lịch bay hạng phổ thông từ Anh đến Kenya rồi bay trở lại tạo ra khoảng... 1 tấn khí thải carbon, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO). Cho dù anh ta tái sử dụng khăn lau hoặc sử dụng loại nhà vệ sinh không dùng nước bao nhiêu lần đi nữa khi ở trên máy bay thì anh ta cũng chẳng bao giờ có thể hy vọng bù đắp vào phần khí carbon mà máy bay đã thải ra. Đó là lý do mà việc làm thế nào để đạt được hiệu quả từ du lịch bền vững vẫn đang là đề tài gây tranh cãi.
Du lịch bền vững được hiểu là việc đi du lịch đến một nơi nào đó và nỗ lực tạo ra tác động tích cực lên môi trường, xã hội và kinh tế. Ở khía cạnh môi trường, mục đích này khó có thể đạt được. Bởi lẽ, những phương tiện đi lại, đặc biệt là máy bay, đều là những tác nhân khiến cho trái đất nóng lên. Nhưng nếu không đi lại thì không thể có ngành du lịch. Muốn đảm bảo đầy đủ mục đích sinh thái này, theo ông Harald Zeiss, Giám đốc Viện Du lịch Bền vững tại Đại học Harz ở Đức, kỳ nghỉ bền vững thực sự sẽ là đi cắm trại sau vườn nhà.
Ở khía cạnh xã hội, nếu các nền văn hóa gặp nhau và gia tăng được sự hiểu biết lẫn nhau thì lợi ích dài hạn sẽ rất lớn. Ở khía cạnh kinh tế, những du khách có ý thức về du lịch bền vững sẽ có thể giúp giảm nghèo ở nơi họ đến và khuyến khích người dân địa phương bảo vệ môi trường vì lợi ích kinh tế. Để đạt được 3 mục đích này là rất khó và phương cách thực hiện vẫn còn là chủ đề bàn cãi.
Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên hiệp Quốc (UNWTO), có đến 1,1 tỉ chuyến du lịch quốc tế được thực hiện trong năm 2014, tăng 4,4% so với năm trước đó. Khi các điểm du lịch nổi tiếng trở nên quá đông đúc, ngày càng nhiều du khách tìm đến những nơi hoang sơ, ít người biết đến hơn. Nhưng những vùng đất hoang sơ sẽ không còn hoang sơ nữa một khi có khách du lịch tìm đến. Nghịch lý của du lịch bền vững là “nó có thể là kẻ phá hoại thiên nhiên nhưng cũng có thể là một nhân tố giúp bảo vệ thiên nhiên”, Andrew Holden, Giáo sư về môi trường và du lịch thuộc Đại học Bedfordshire ở Anh, nhận xét.
Duy trì các khu resort quy mô nhỏ (hoặc chỉ duy trì tạm thời) có thể giúp giải được bài toán nghịch lý này theo hướng ủng hộ việc bảo tồn thiên nhiên. Câu chuyện Maurice Phillips và Geri Mitchell mở Khu du lịch sinh thái Sandele ở Gambia vào năm 2008 là một ví dụ.
Phillips cho biết những người dân địa phương thường xuyên bị gạ bán đất cho các nhà phát triển bất động sản với giá rẻ hơn so với giá trị thực của khu đất đó và những ngôi làng có thể biến mất một khi các khách sạn mọc lên. Vì không muốn điều này xảy ra, Phillips đã thuê đất từ dân làng để mở khu Sandele và thuê người dân làm trong khu resort này. Khi hợp đồng thuê đất hết hạn trong 20 năm, khu đất sẽ được trả về cho người dân địa phương; lúc ấy họ cũng đã có đủ năng lực để tự quản lý khu resort.
Mitchell và Phillips cũng mở các khóa học dành cho người dân địa phương, như hướng dẫn họ cách làm ra loại “bếp hỏa tiễn”, nhờ đó hạn chế được nạn phá rừng. Bếp hỏa tiễn là một phát minh của Tiến sĩ Larry Winiarski, được thiết kế rất đơn giản, khai thác được hiệu quả các tính chất của nhiệt và sự đốt cháy để tạo ra một nguồn nhiệt tiết kiệm củi đốt hơn rất nhiều.
Những khu du lịch sinh thái quy mô lớn có thể làm “du lịch bền vững” theo những cách khác. Thực tế cho thấy tập trung lượng lớn du khách tại một điểm đến có thể tạo ảnh hưởng tích cực đối với địa phương. Chẳng hạn, nếu một khu du lịch mua sản phẩm địa phương, theo ông Zeiss, hay đầu tư vào việc tạo ra năng lượng tái tạo mà có thể được sử dụng bởi những người sống gần đó thì khu vực xung quanh có thể hưởng lợi.
Nhưng các khách sạn, khu du lịch phải tìm cách giảm thiểu những tác động tiêu cực. Mặc dù du khách có thể góp phần bảo vệ môi trường bằng cách tái sử dụng khăn lau như trường hợp ở trên, nhưng việc tiêu tốn nguồn nước là một trong những “hành vi tội lỗi” nhất của du lịch đại trà. Theo phân tích của Thomas Cook, một hãng du lịch lớn, tính trung bình, mỗi du khách trên khắp thế giới xài hết 350 lít nước mỗi ngày bằng cách tắm vòi sen, sử dụng hồ bơi và các hình thức làm tiêu tốn nguồn nước khác. Con số này tăng lên tới mức 6.000 lít nước nếu tính cả trường hợp sử dụng gián tiếp như sản xuất lương thực. Tại Hy Lạp, chẳng hạn, mỗi du khách trực tiếp sử dụng nhiều hơn 3/5 lượng nước so với một người dân địa phương.
Trong khi đó, việc sử dụng nước tiết kiệm có thể gia tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp. TUI, một hãng lữ hành lớn khác, cho biết Công ty đã tiết kiệm được 2,2 triệu euro (2,5 triệu USD) vào năm 2014 nhờ cắt giảm lượng nước và điện sử dụng tại 43 trong số các khách sạn của nó.
Nhưng thường chính các vị khách là những người không ưa các sáng kiến tiết kiệm năng lượng. Để khách thuê phòng không để đèn và máy lạnh ở chế độ bật khi họ ra ngoài, nhiều khách sạn sử dụng loại chìa khóa bằng thẻ để kiểm soát việc tắt mở hệ thống điện trong phòng. Tuy nhiên, một số cho biết nhiều khách thuê phòng đối phó bằng cách cắm danh thiếp vào khe cắm chìa khóa trước khi ra ngoài. Họ làm vậy vì không muốn phải chờ sạc các thiết bị cầm tay hoặc không muốn mất vài phút chờ cho phòng mát lên khi họ về phòng.
Mặc dù còn nhiều vấn đề nhưng theo ông Dirk Glaesser của UNWTO, lợi ích của việc du lịch bền vững còn cao hơn cả những cái hại mà nó mang lại. Ông Zeiss thì đề cập đến một câu chuyện khác. Đó là việc có nhiều chuyến bay rất không cần thiết mà nguyên nhân không nằm ở chỗ du khách mà ở các doanh nhân; những doanh nhân này bay đi nước ngoài, rồi bay về trong ngày chỉ để dự một cuộc họp mà hoàn toàn có thể thay bằng cách sử dụng dịch vụ gọi thấy hình. Đó là một sự lãng phí tiền của và gây ảnh hưởng đến môi trường.
Văn Quốc
Nguồn The Economist