Đông trùng hạ thảo: Khởi đầu của cuộc chơi
Nuôi cấy đông trùng hạ thảo nhân tạo thành công, Việt Nam đã ghi tên mình vào vị trí thứ 5 trên thế giới, sau Mỹ, Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc. Thị trường đông trùng hạ thảo nhân tạo cũng nhanh chóng trở nên sôi động với sự tham gia của doanh nghiệp Nguyên Long, HIMA, Công nghệ Xanh Việt Nam, HQGANO... và nhiều cá nhân tự doanh quy mô nhỏ.
Đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ Tây Tạng, vượt trội về dưỡng chất và là dược liệu quý hiếm. Tại Trung Quốc, năm 2004 giá đông trùng hạ thảo tự nhiên loại khô ở mức gần 160 triệu đồng/kg và đến năm 2013, giá tăng lên khoảng 2,1 tỉ đồng/kg. Hiện tại, một kg đông trùng hạ thảo loại khô có nguồn gốc tự nhiên có giá xấp xỉ 2 tỉ đồng.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phần lớn được chuyển giao công nghệ từ các tổ chức như Viện Nghiên cứu và Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (Đại học Đà Lạt), Viện Bảo vệ thực vật, hoặc cá nhân như anh Ngô Kim Lai, chị Nguyễn Thị Hồng...
Sử dụng nguyên liệu cung cấp bởi Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao, Nguyên Long đưa ra thị trường sản phẩm viên nén thực phẩm chức năng. Trong khi đó, HIMA chọn hướng vừa sản xuất vừa thương mại. Công ty này đã đầu tư nhà nuôi trồng đông trùng hạ thảo rộng 2.000 m2, trị giá 15 tỉ đồng tại Lái Thiêu, Bình Dương, đạt tiêu chuẩn phòng sạch class 100. Dự án này dự kiến tạo ra khoảng 150 kg đông trùng hạ thảo khô sau 2 tháng và mang lại suất lợi nhuận khoảng 20%.
Sản phẩm trên thị trường chủ yếu dưới dạng viên nén, thô và nước uống. Để tăng tính cạnh tranh, HIMA đa dạng hóa sản phẩm và hướng đến người tiêu dùng thu nhập trung bình, thấp. Theo ông Đỗ Văn Huệ, Tổng Giám đốc HIMA, Công ty Ứng dụng Công nghệ Sinh học để tạo ra nguyên liệu đông trùng hạ thảo có hàm lượng kẽm cao dành cho nam giới và đưa ra thị trường sản phẩm cà phê đông trùng. Trong nước, Công ty tích cực mở rộng mạng lưới phân phối. Tại thị trường nước ngoài, công ty không chọn phát triển sản phẩm thô hoặc cung ứng nguyên liệu mà đẩy mạnh liên doanh phân phối.
Có khoảng 680 loài đông trùng hạ thảo nhưng hiện nay HIMA đang tập trung vào 2 dòng chính là Cordyceps Sinensis, Cordyceps Militaris và đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận đạt chuẩn. HIMA hiện bán lẻ với giá 150-180 triệu đồng mỗi kg loại khô. Trước thực tế sản phẩm trên thị trường có giá từ vài chục triệu đồng đến hơn một tỉ đồng, ông Huệ cho biết, giá tùy thuộc vào công nghệ nuôi cấy và hàm lượng dưỡng chất.
Tiềm năng thị trường còn rất lớn nhưng theo ông Huệ, công việc kinh doanh chưa thật thuận lợi trước việc hàng giả, hàng kém chất lượng bày bán đại trà và sự hiểu biết của người tiêu dùng chưa thật đầy đủ. HIMA sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho các nhà đầu tư khác nhưng ông Huệ lưu ý, mô hình này đòi hỏi đầu tư cao vào nghiên cứu, cơ sở vật chất và gắn liền với điều kiện tự nhiên.
Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu nhưng mỗi công trình được thực hiện tại địa điểm và theo cách thức khác nhau. Do đó, nhà đầu tư cần được tư vấn kỹ về cách thiết kế trại nuôi cấy, kỹ thuật...
Đức Tài