Đến cả giới chơi golf cũng tẩy chay Trump
Đã có cả một cơn mưa chỉ trích nhắm vào tay golf người Bắc Ireland Rory McIlroy khi anh này đồng ý ra sân với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19.2 vừa qua tại Trump International Golf Club, bang Florida (Mỹ). Vụ việc này một lần nữa cho thấy chính trị luôn được gắn liền với thể thao, dù mọi người có chối bỏ điều đó như thế nào đi chăng nữa.
McIlroy sau đó đã thanh minh rằng việc anh chơi golf cùng ông Trump không nằm trong hợp đồng quảng cáo hay mang một ý nghĩa chính trị nào hết. “Chúng tôi nói chuyện về golf chứ không hề đả động gì tới chính trị”, tay golf số 3 thế giới ra sức thanh minh trên Twitter, khi có hàng loạt người hâm mộ nhảy vào trang cá nhân của McIlroy để rủa xả. Thậm chí họ còn gọi anh là kẻ “phát xít”. Cũng nên nhắc lại, trong lúc McIlroy chơi golf cùng ông Trump, thì tại lễ trao giải Oscar, các nhân vật khả kính nhất trong nền điện ảnh Mỹ cũng như thế giới đã ra sức bài bác vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, người gây tranh cãi lớn với đạo luật cấm công dân 7 nước Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
Hàng loạt quyết định của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ đều được coi là nhắm vào ông Trump. Chẳng hạn, trao giải Phim nước ngoài hay nhất cho một bộ phim Iran, với vị đạo diễn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ, trao giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho một người Hồi giáo (điều chưa từng xảy ra trong lịch sử) hay hàng loạt thông điệp khác được đưa ra trên sân khấu.
Thế nên, việc McIlroy chơi golf cùng ông Trump bị coi là hành động đi ngược với số đông, nhất là khi trước đó hàng loạt vận động viên thể thao cũng khước từ vị Tổng thống mới của nước Mỹ. Lý do là cái bắt tay với ông Trump cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ những chính sách gây tranh cãi của ông chủ mới tại Nhà Trắng. Mà thể thao luôn được coi là biểu tượng hàn gắn những mâu thuẫn sắc tộc, màu da, tôn giáo.
Trong khi đó, bản thân McIlroy luôn cố gắng giữ khoảng cách với những đối đầu về mặt chính trị. Còn nhớ hồi năm ngoái, anh này chính là một trong những tay golf nổi tiếng nhất từ chối tham dự Olympic ở Rio với lý do dịch bệnh Zika bùng phát tại Brazil. Nhưng theo nhiều người, lý do chính McIlroy không dự Olympic vì không muốn thi đấu dưới lá cờ của Vương quốc Anh, để tỏ lòng trung thành với sắc tộc Ireland của mình.
Lần này, McIlroy cũng thanh minh thêm rằng trước đây anh đã từng chơi golf với ông Obama, với các cựu Tổng thống Bill Clinton hay George Bush, nên chuyện ra sân cùng ông Trump là hết sức bình thường. “Ai đó nói về tôn giáo, chính trị hay gì đi chăng nữa, nhưng hãy làm ơn đặt nó ra bên ngoài. Tôi đã từng chơi golf cùng các đời Tổng thống Mỹ trước đó và muốn có trải nghiệm chơi cùng Tổng thống đương nhiệm. Vậy thôi”, McIlroy phân trần.
Trong một cuộc trưng cầu tại giải Genesis Open, có đến 90% các tay golf tham dự giải nói rằng họ sẽ chơi golf cùng ông Trump nếu được mời. Tất nhiên, cuộc thăm dò này thực hiện theo hình thức kín đáo, không công bố danh tính người tham dự. Bởi định kiến về ông Trump trong giới thể thao cũng như nghệ thuật là khá nặng nề. Mà không chỉ giới văn nghệ-thể thao, truyền thông chính thống Mỹ cũng luôn tỏ thái độ không công bằng với tân Tổng thống. New York Times hay USA Today đều đăng những bài bình luận chỉ trích McIlroy về chuyện chơi golf với ông Trump. Có lẽ cũng chính là lý do khiến ông Trump cấm cửa các cơ quan báo chí này tham dự cuộc họp báo mới đây ở Nhà Trắng.
Trong bối cảnh đó, có vẻ như McIlroy là “nạn nhân” nhiều hơn là tội đồ. Tay golf 27 tuổi này chỉ vừa mới trở lại thi đấu sau một thời gian dài nghỉ dưỡng thương ở sườn và đang tập trung tập luyện chuẩn bị cho giải The Masters sắp tới. Vì thế, chắc chắn, những lời chỉ trích hôm nay có thể sẽ chi phối khá nhiều tới tâm lý thi đấu của McIlroy trong ngày chính thức quay trở lại sân đấu.
Hoài Sa