vietnamplus.vn

 
Hoài Sa Thứ Hai | 21/08/2017 12:30

Đăng cai SEA Games: Rẻ hay đắt?

Chuyện các quốc gia lâm vào cảnh nợ nần vì tổ chức sự kiện thể thao lớn không còn là chuyện hiếm.

Kể từ khi kinh tế thế giới trải qua cuộc khủng hoảng, chỉ trừ một số ít quốc gia giàu có, còn lại hầu hết đều coi việc đăng cai các sự kiện thể thao lớn như một gánh nặng. Mới đây nhất, Philippines đã từ bỏ quyền đăng cai SEA Games 2019. Vậy cơ hội nào cho Việt Nam khi theo kế hoạch luân phiên, chúng ta sẽ là chủ nhà của SEA Games 2021?

Chuyện các quốc gia lâm vào cảnh nợ nần vì tổ chức sự kiện thể thao lớn không còn là chuyện hiếm. Chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, sân bãi luôn là vấn đề lớn trong khi không phải công trình nào cũng phục vụ được cho mục tiêu phát triển bền vững. Chính vì thế, Hiệp hội Thể thao Đông Nam Á đã tỏ ra thông cảm khi Philippines từ chối đăng cai SEA Games 30 vào năm 2019. Chủ tịch Ủy ban Thể thao Philippines William Ramirez cho hay, ngân sách dành cho SEA Games 2019 sẽ được nước này dành cho việc tái thiết thành phố Marawi, vốn bị chiến tranh tàn phá suốt mấy tháng qua.

Ngay cả Singapore, quốc gia có tiềm lực lớn nhất Đông Nam Á, cũng đã lắc đầu khi được đề nghị thế chỗ Philippines. Điều đó cho thấy việc đăng cai ngày hội thể thao Đông Nam Á chẳng hấp dẫn gì.

Không nói đâu xa, cách đây 3 năm, Việt Nam đã chủ động xin rút, không đăng cai Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) 2019 dự kiến được tổ chức ở Hà Nội. Lần gần nhất Việt Nam đăng cai một sự kiện thể thao lớn diễn ra cách đây đã gần 15 năm, với kỳ SEA Games 2003 vẫn còn đọng lại nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Công trình chính phục vụ kỳ SEA Games năm đó là sân vận động Mỹ Đình nay đã xuống cấp thấy rõ.

Dang cai SEA Games: Re hay dat?
 

Tuy nhiên, các công trình phụ trợ phục vụ SEA Games 2003 cũng đã đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô trong những năm qua. Khu Mỹ Đình đã mang diện mạo mới, giờ đã trở thành trung tâm chính trị xã hội lớn chứ không còn là những cánh đồng, ao chuôm như hơn 10 năm trước. Đấy là lý do để các chuyên gia kết luận rằng việc đăng cai đại hội thể thao đóng vai trò động lực phát triển, chưa kể đến chức năng “nâng cao vị thế” của quốc gia. Chính vì vậy, việc đăng cai SEA Games 2021 cũng là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng có tiếng nói trong khối ASEAN.

TP.HCM đang có nhiều động thái mạnh mẽ để giành quyền đăng cai ngày hội thể thao này. Bởi dù được tiếng là địa phương đóng góp nhiều nhất cho ngân sách cả nước, nhưng TP.HCM chưa từng đăng cai sự kiện lớn, cơ sở vật chất cho thể thao vô cùng sơ sài. Do đó, việc đăng cai SEA Games có thể là cơ hội tốt để thành phố lớn nhất cả nước trang bị những sân vận động, nhà thi đấu đa năng hiện đại, tương xứng với vị thế “hòn ngọc Viễn Đông”.

Trong đề án đăng cai SEA Games 2021 mà Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM vừa trình Thường trực Thành ủy có dự tính tổng chi phí tổ chức là 7.802 tỉ đồng, trong đó riêng chi phí xây, sửa các cơ sở hạ tầng là 6.897 tỉ đồng. Kinh phí chủ yếu sẽ đến từ nguồn xã hội hóa để xây mới 2 công trình lớn là sân vận động 50.000 chỗ tại Khu Liên hợp Thể dục Thể thao Quốc gia Rạch Chiếc và Trung tâm Thể dục Thể thao Phan Đình Phùng. “Tận dụng tối đa nguồn xã hội hóa” cũng là điều mà TP.HCM nhấn mạnh, bởi câu chuyện tìm vốn cho dự án Metro bị chậm tiến độ vẫn đang đốt nóng những trang báo thời gian qua. Trong thời buổi mạng xã hội lên ngôi như bây giờ, chi một đồng từ ngân sách cũng sẽ được cộng đồng mạng dùng kính hiển vi để soi xét. Lãnh đạo “hòn ngọc Viễn Đông” hẳn hiểu rõ điều đó hơn ai hết...

Hoài Sa