Đăng cai Euro 2016, chủ nhà sẽ có lãi?
Mùa hè 6 năm về trước, giới chức và người dân Pháp mở tiệc lớn ăn mừng trên khắp mọi nẻo đường. Đó là thời điểm Liên đoàn Bóng đá Châu Âu (UEFA) tuyên bố xứ sở những chú gà trống Gaulois được quyền đăng cai Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016). Mặc dù nổi danh khắp thế giới với kinh nghiệm tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế nhưng nước Pháp lúc này vẫn bộn bề nỗi lo để chuẩn bị cho Euro: lo đe dọa an ninh, lo đình công và lo sự khắc nghiệt của thời tiết. Chính những nỗi lo ngày đe dọa khoản lợi nhuận gần 2 tỉ USD mang về cho nước Pháp từ Euro 2016. Thực tế, có nhiều dấu hiệu lệch với nhận định lạc quan của chuyên gia cao cấp ông Colin Miège, tác giả của Báo cáo về tác động kinh tế của Euro 2016, rằng: “Lợi ích của những sự kiện thế thao lớn thường vượt lên trên những đánh giá thuần kinh tế”.
Đầu tiên, phải kể đến hệ lụy trực tiếp từ 2 cuộc khủng bố liên tiếp nhắm vào nước Pháp: tấn công tòa soạn báo Charlie Hebdo và tấn công khiến 130 người thiệt mạng tại Paris. Hai sự kiện này kéo kinh tế Pháp trở lại đà suy giảm và dấy lên lo ngại bị hủy quyền đăng cai sự kiện Euro 2016. Báo cáo phân tích của Bộ Tài chính Pháp cho biết, tổng thiệt hại của 2 cuộc tấn công khủng bố lên nền kinh tế Pháp ước khoảng trên 2,1 tỉ USD (0,1% GDP), bao trùm lên các ngành du lịch, hàng không và tiêu dùng. Kéo theo đó, ngân sách quốc gia dùng cho các dự án thắt chặt an ninh và quốc phòng năm 2016 cao kỷ lục là 600 triệu euro, có thể khiến mức thâm hụt ngân sách chạm mốc 2,4% GDP. Bộ Nội vụ nước này cũng bội chi phí thêm để ban bố tình trạng an ninh khẩn cấp trong vòng 3 tháng, đồng thời các nhà lập pháp sửa đổi hàng loạt văn bản, để ngăn chặn tình trạng khủng bố.
Nguy cơ an ninh kéo dài tới trước thềm Euro 2016. Năm nay, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố Euro 2016 phải đối mặt nguy cơ khủng bố rất cao. Mối hiểm họa đến từ các khu vực dành cho cổ động viên tại Paris đã kiến chi phí an ninh dành riêng cho khu vực này đã tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 24 triệu euro. Hơn 100.000 nhân viên an ninh hỗn hợp được cắt cử bảo vệ trên khu vực rộng lớn trải dài từ khu Champs de Mars dưới chân tháp Eiffel, nơi có thể tiếp đón 92.000 cổ động viên, đến khu vực lớn trên bãi biển Prado ở Marseille (80.000 cổ động viên) và bãi biển Quinconces ở Bordeaux (62.000 cổ động viên).
Doanh thu thị trường các sự kiện thể thao 2013 |
Trưởng ban Tổ chức Euro 2016 Jaques Lambert ước tính, ngoài 2,5 triệu người có vé vào sân, số du khách tới nước Pháp nhân kỳ Euro có thể lên tới 10 triệu người. Tổng chi phí UEFA triển khai 3 vành đai kiểm soát an ninh, thiết lập quanh hệ thống các sân vận động Pháp như Stade de France hay Parc des Princes, đạt ngưỡng cao lịch sử với 34 triệu euro. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm đếm ngược kể từ lễ khai mạc Euro tràn ngập màu sắc và dư vị sôi động, ngân sách ước tính liên quan đến an ninh mà nước Pháp phải chi trả đã xấp xỉ 2,3 tỉ USD.
Rõ ràng, lợi ích kinh tế mà Euro 2016 đem lại cho quốc gia đăng cai là một ẩn số, đang nghiêng về gam màu ảm đạm. Với 24 đội bóng tranh đấu 51 trận để chọn ra nhà vô địch Euro mới có thể thu hút khoảng 1,5 triệu người hâm mộ đến từ ngoại quốc. Tuy vậy, cũng có những con số lạc quan. Euro 2016 cung cấp mới khoảng 26.000 việc làm, từ đó gián tiếp kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2016 thêm 1,6 tỉ USD. Ngoài ra, dự báo lượng khách nước ngoài tới các sân vận động sẽ chi tiêu 600 triệu euro, còn khu vực cổ động viên sẽ góp thêm doanh thu ước tính gần 200 triệu euro nữa. Một điểm cộng hưởng đem lại cho nền kinh tế của quốc gia chủ nhà chính là cảm hứng tự hào và tinh thần lễ hội trong suốt nhiều tháng trước và sau khi diễn ra những trận cầu. Giới phân tích châu Âu đánh giá sự kiện này giúp hâm nóng sức tiêu dùng của cả khu vực Eurozone vốn đã rất ảm đạm trong thời gian qua.
Nhưng lễ hội bóng đá sôi động nhất châu Âu này đang bị bủa vây bởi làn sóng đình công dâng cao, nhằm phản đối những cải cách lao động gây tranh cãi tại quốc gia này. Thậm chí, đình công kéo dài trong hơn 1 tuần qua đã khiến các cơ sở xử lý rác thải ở Paris phải đóng cửa và gây nên tình trạng ô nhiễm nửa diện tích của thủ đô Paris. Dịch vụ đường sắt cũng bị gián đoạn khi công nhân phong tỏa ga Gare du Nord ở thủ đô, trong khi hệ thống đường sắt quốc gia Pháp SNCF chỉ vận hành chưa đến một nửa công suất. Thiệt hại ước tính ban đầu do nạn đình công lên tới 340 triệu USD.
Vận rủi tiếp theo của kinh đô ánh sáng chính là mưa lớn. Báo giới Pháp đăng tải cuộc thăm dò dư luận cho thấy người dân bản địa đã thừa nhận họ đã mệt mỏi với tình trạng lụt lội nghiêm trọng khiến cho bầu không khí xã hội trong mùa Euro 2016 trở nên căng thẳng thay vì phải “tràn ngập phấn khích”. Những trận mưa lớn nhất trong lịch sử hơn 100 năm qua đã gây lụt trên một vùng rộng lớn phía Đông và Trung Pháp, kéo theo sụt vỡ trên diện rộng của hệ thống đê kè quanh sông Sein. Ước tính tổng thiệt hại liên quan đến chi phí bảo hiểm phát sinh, đình trệ của hoạt động kinh doanh, tác động trực tiếp lên ngành du lịch quốc gia đã vượt qua mức 1 tỉ USD...
Dù nỗi lo còn nhiều nhưng hy vọng không khí cuồng nhiệt của những trận bóng sẽ giúp kinh đô ánh sáng bừng sáng hơn.
An Cầm