Thùy Dương Thứ Tư | 24/01/2018 02:00

Đặc khu kinh tế cũng cần có thể thao

Grand Slam đầu tiên trong năm, Australian Open 2018, còn chưa kết thúc, nhưng Hiệp hội quần vợt nữ thế giới đã lo xa cho WTA Finals.

Theo đó, từ năm nay, giải đấu kết thúc mùa giải sẽ chuyển từ Singapore đến Thâm Quyến. Vậy đặc khu kinh tế phát triển bậc nhất Trung Quốc này có gì hấp dẫn để WTA quyết định gắn bó trong 10 năm tới?

Theo thông báo mới nhất của WTA, tập đoàn bất động sản Gemdale Corp đã giành quyền đăng cai giải đấu quy tụ 8 tay vợt nữ xuất sắc nhất trong năm, với cam kết sẽ xây một tổ hợp thể thao 12.000 chỗ ngồi, kèm theo giải thưởng lên tới 14 triệu USD, tức gấp đôi giải thưởng những giải trước. Chủ tịch WTA Tour Steve Simon tuyên bố: “Đây là bản hợp đồng lớn nhất trong lịch sử 45 năm của WTA”. Kể từ năm 2014 cho đến trước năm 2018, WTA Finals được tổ chức vào tháng 10 hằng năm tại Singapore. Những thành phố từng đăng quang giải đấu ra đời năm 1972 gồm có New York, Los Angeles, Munich, Madrid, Doha và Istanbul. Thâm Quyến cũng đăng cai một giải đấu thuộc hệ thống WTA vào đầu năm, trong chuỗi khởi động cho Australian Open. Ba tuần trước, Simona Halep đăng quang giải này, có sự tham dự của cả Maria Sharapova.

Nhưng việc tổ chức một giải đấu tầm cỡ Grand Slam lại là chuyện khác và cho thấy vị thế của Thâm Quyến, một trong những đô thị phát triển nhanh nhất thế giới với 68 triệu dân, khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Sau khi nghe tin WTA Finals được chuyển tới đặc khu kinh tế ở tỉnh Quảng Đông, Sharapova nói rằng cô hoan nghênh việc giải đấu tổ chức ở Thâm Quyến. “Đây là nơi nhiều nhà đầu tư đổ tiền cho quần vợt nữ... Họ xây cả một sân vận động mới, góp phần nâng cao đẳng cấp cho các vận động viên”, Sharapova phát biểu. Đẳng cấp mà cô nhắc tới đương nhiên còn bao gồm cả khoản tiền thưởng kếch xù của giải đấu.  

Dac khu kinh te cung can co the thao
 

Đứng sau thương vụ này là một doanh nghiệp bất động sản, nhưng cũng đừng bỏ qua sức hấp dẫn của ngành công nghiệp thể thao. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, tăng trưởng ngành công nghiệp thể thao nước này năm 2016 là 11,1%, có giá trị 1.900 tỉ nhân dân tệ (295 tỉ USD).

Từ năm 2015-2016, quy mô ngành công nghiệp này đã tăng 27,5%, tạo việc làm cho 4,4 triệu người. Phần lớn sức tăng trưởng có được là nhờ đầu tư trực tiếp từ Nhà nước (hay có liên quan), trong đó Chính phủ Trung Quốc có kế hoạch đầu tư gần 813 tỉ USD cho ngành này đến năm 2025. Theo Nielsen Sports, chủ yếu tiền sẽ đổ vào các trung tâm lớn gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Những năm qua, Trung Quốc đã chứng kiến sức tăng trưởng chóng mặt của giải bóng đá và bóng rổ nhà nghề. Tennis cũng tạo được cú hích lớn sau khi tay vợt nữ Li Na đăng quang ở 2 Grand Slam là Roland Garros 2011 và Australian Open 2014. Và giờ quần vợt Trung Quốc sẽ thực sự cất cánh nhờ WTA Finals.