Ảnh: TL.
Cứu gấu mùa dịch
Gần đây Ủy ban Y tế Trung Quốc (NHC) đã ban hành chỉ thị cho phép 6 loại thuốc y học cổ truyền, trong đó có Tan Re Qing (Đàm Nhiệt Thanh), một loại thuốc tiêm có chứa mật gấu, sừng dê và 3 loại thảo dược khác, để điều trị cho các trường hợp nhiễm COVID-19 nặng. Điều này càng gia tăng nỗi lo từ phía các tổ chức bảo tồn sau những nỗ lực chống buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã trong suốt thời gian qua.
“Trung Quốc đã đưa ra thông điệp mâu thuẫn nhau khi hạn chế ăn động vật hoang dã nhưng lại đồng thời quảng bá những loại thuốc có chứa các bộ phận của động vật hoang dã. Việc tiếp tục sử dụng động vật hoang dã trong y học là vô trách nhiệm”, Aron White, nhà vận động động vật hoang dã thuộc Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), cho biết.
Y học cổ truyền Trung Quốc thường dùng Đàm Nhiệt Thanh để trị viêm phế quản và các loại nhiễm trùng đường hô hấp. Nhưng theo bác sĩ Clifford Steer, Giáo sư tại Đại học Minnesota ở Minneapolis, hiện không có bằng chứng nào cho thấy mật gấu là phương thuốc hữu hiệu trị COVID-19.
“Chúng ta không nên dựa vào các sản phẩm như mật gấu làm giải pháp chống lại loại virus chết người có nguồn gốc từ chính động vật hoang dã. Khuyến khích sử dụng mật gấu có nguy cơ làm tăng nhu cầu, không chỉ đe dọa gấu nuôi mà cả những con trong tự nhiên, vốn là loài đang bị đe dọa tuyệt chủng ở châu Á và trên thế giới”, ông Brian Daly, phát ngôn viên của Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á, nhận xét.
Theo Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á, hiện có khoảng 20.000 con gấu sống trong điều kiện nuôi nhốt khắp Trung Quốc, chúng phải chịu nỗi đau đớn mỗi lần bị rút mật, để phục vụ nhu cầu của các nhà cung cấp thuốc y học cổ truyền. Cơ quan Điều tra Môi trường chỉ ra rằng, mật gấu bất hợp pháp có nguồn gốc không chỉ từ gấu hoang ở Trung Quốc mà còn được nhập từ gấu nuôi, gấu hoang ở Lào, Việt Nam và Triều Tiên. Chỉ thị này đối với loài gấu như một bản án tuyệt chủng, khi nhu cầu sử dụng tăng cao.
Ở Việt Nam, trong thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á và Trung ương Hội Đông y Việt Nam năm 2015, có một điều khoản quan trọng là cam kết chấm dứt sử dụng mật gấu trong Đông y vào năm 2020. Sau hơn 5 năm quyết tâm loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng mật gấu trong Đông y, ý thức của các thầy thuốc cũng tích cực rõ rệt.
Nếu như năm 2012, khảo sát thực hiện bởi Trung ương Hội Đông Y và Tổ chức Bảo vệ Động vật châu Á với 70.000 thầy thuốc Đông y trên khắp cả nước đã cho thấy, 17% thầy thuốc thừa nhận có dùng mật gấu. Hiện nay, ở mặt công khai, hầu hết các thầy thuốc đã chuyển sang sử dụng thực vật có dược tính tương tự để thay thế mật gấu.
Các hiệu thuốc y học cổ truyền có bán mật gấu đã giảm trên 84%. Nhiều lương y, bác sỹ Đông y trên toàn quốc cam kết không sử dụng, kê đơn có sử dụng mật gấu và các sản phẩm từ gấu nhằm góp phần bảo tồn loài động vật quý hiếm này, đồng thời duy trì phát triển bền vững cây thuốc Nam của đất nước.
Số cá thể gấu nuôi đã giảm từ 1.250 cá thể vào năm 2015 xuống còn 432 tính đến tháng 12.2019. Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), cho biết: “Khi cộng đồng ngày càng quay lưng với việc sử dụng mật gấu thì ngày càng có nhiều chủ gấu hối hận và tự nguyện cho gấu một tương lai tốt đẹp hơn tại các trung tâm cứu hộ”. Chỉ trong năm 2019, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ghi nhận 34 cá thể gấu đã được chuyển giao cho các trung tâm cứu hộ; 23 trong số này là tự nguyện chuyển giao.
Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ mật gấu vẫn còn rất cao trong dân. Việt Nam đã ban hành luật cấm thu hoạch và buôn bán mật gấu từ năm 2006 nhưng vẫn rất cần sự vào cuộc của an ninh mạng để rà soát các kênh phân phối mật gấu và buôn bán động vật hoang dã trái phép. Bằng chứng là với sự hỗ trợ của Facebook, trong 3 tháng đầu năm, gần 50 trường hợp quảng cáo bán động vật hoang dã trên mạng xã hội đã bị xóa bỏ, vô hiệu hóa 7 tài khoản Facebook.
Nhưng trước chỉ thị trên của Trung Quốc, Việt Nam cần phải tăng cường kiểm soát cũng như có những biện pháp tuyên truyền và xử lý mạnh tay hơn, nhằm ngăn chặn nhu cầu sử dụng mật gấu trong mùa dịch.