Cơ hội mới từ sâm Ngọc Linh
"Theo tính toán kiểu nhà nông, bỏ 3 tỉ đồng cho một ha trồng sâm, sau 5 năm thu được 30 tỉ đồng”, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My (Quảng Nam), nhấn mạnh về giá trị kinh tế của sâm Ngọc Linh. Sản vật này đang trở thành đề tài bàn tán mới trong giới đầu tư, khi Chính phủ vừa đồng ý với đề án “Bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh đến năm 2030” của tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, với tổng kinh phí đầu tư hơn 9.000 tỉ đồng, Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển 15.000 ha vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh tại 7/10 xã của huyện Nam Trà My, có sản lượng ước tính 500-1.000 tấn/năm. Dự kiến, kinh phí xã hội hóa của đề án này sẽ là 7.000 tỉ đồng.
Chia sẻ với NCÐT, ông Bửu cho biết tuy sâm Ngọc Linh được các nhà khoa học trong và ngoài nước xếp vào tốp 4 cây sâm quý trên thế giới, nhưng sản vật này vẫn chưa được khai thác đúng giá trị vốn có. Theo nghiên cứu của Viện Dược liệu (Bộ Y tế), trong thành phần của thân và rễ sâm Ngọc Linh có đến 52 saponin, thành phần quyết định tác dụng dược lý của nhân sâm. Trong khi đó, sâm Hàn Quốc, Mỹ và Nhật chỉ có 26 saponin. Ngoài ra, sâm Ngọc Linh còn có 17 axit amin, 20 chất khoáng vi lượng và 0,1% hàm lượng tinh dầu. Cây, thân, lá, củ Ngọc Linh đều có giá trị cao cho sức khỏe con người.
Dù vậy, trên thị trường nhân sâm trị giá khoảng 2 tỉ USD trên toàn cầu, Hàn Quốc đã nắm 1,14 tỉ USD. Còn sâm của Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ cũng chiếm đến 99% tổng sản lượng thế giới.
“Tôi từng thăm núi San Yang ở Hàn Quốc. Một ký sâm núi trồng trong rừng của họ có giá tới 250 triệu đồng. Ðường xá giao thông mở rộng đi vào tận ngay vườn trên núi”, ông Bửu nói.
Ðáng nói, tuy sở hữu cùng điều kiện địa lý như sâm núi Ngọc Linh, nhưng sâm núi San Yang đã thật sự “bay cao bay xa”. Gần đây, Hàn Quốc cho biết hoạt động xuất khẩu sâm đã mang về cho nước này gần 169 triệu USD trong năm 2014. Còn sâm Ngọc Linh được phát hiện từ năm 1980, nhưng hiện vẫn chưa thể vươn ra thế giới.
Theo ông Bửu, đề án phát triển sâm Ngọc Linh vừa được Chính phủ đồng ý sẽ không chỉ giúp phát triển vùng nguyên liệu cho sản vật này, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư thu lợi bền vững. Nhà đầu tư có thể tham gia vào khâu nhân giống, xây dựng nhà máy chế biến, xuất khẩu... “Còn nếu không, doanh nghiệp có thể chỉ thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm với mức giá 200.000 đồng/ha trong 25 năm vẫn sinh lời. Với giá sâm tươi từ 20-50 triệu đồng nhưng cung không đủ cầu, đây thực sự là cơ hội vàng”, ông giải thích.
Trước mắt, huyện Nam Trà My vẫn chưa có nhà máy chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh đạt chuẩn, như chiết xuất tinh dầu, sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nước giải khát, kẹo từ sâm... Vì thế, địa phương này đang mở rộng cửa kêu gọi các nhà nghiên cứu, khoa học và doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Trao đổi về việc phát triển đề án theo hướng bền vững kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, đại diện Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My cho biết địa phương cũng tạo nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong mảng dịch vụ. Ví dụ, đường giao thông lên núi có thể được nghiên cứu khai thác du lịch, bởi núi Ngọc Linh với thảm thực vật rừng nguyên sinh cùng khí hậu mát mẻ hoàn toàn có thể trở thành là nơi nghỉ dưỡng hấp dẫn. Mặt khác, Nam Trà My nằm gần tam giác du lịch miền Trung (Hội An - Đà Nẵng - Huế), chia sẻ cung đường du lịch với tỉnh Kon Tum nên có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển du lịch liên tuyến.
Theo kế hoạch, huyện Nam Trà My đang đề xuất với tỉnh Quảng Nam tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh vào tháng 8.2016, nhằm quảng bá thương hiệu và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, để tránh tình trạng bị mất thương hiệu như trường hợp cà phê Buôn Ma Thuột hay nước mắm Phú Quốc, tỉnh Quảng Nam đã đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sâm Ngọc Linh.
Nếu đề án sâm Ngọc Linh thành công, Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh ở thị trường sâm. Dự kiến từ năm 2030, tỉnh Quảng Nam sẽ có nguồn thu từ 10.000-50.000 tỉ đồng/năm từ sản vật này, chưa tính đến doanh thu các ngành dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, muốn sâm Ngọc Linh giành được thị phần từ tay “bá chủ” sâm Hàn Quốc, các doanh nghiệp cùng tham gia đề án sẽ phải giải quyết được khâu chế biến sau thu hoạch, chứ không chỉ là đầu tư vùng nguyên liệu.
Hiện tại, các sản phẩm từ sâm của Việt Nam vẫn hạn chế về sản phẩm và số lượng, mới tập trung dạng sâm tươi và sơ chế. Ngay tại “thủ phủ sâm Ngọc Linh”, Công ty Sâm Ngọc Linh Quảng Nam chỉ sản xuất được một vài sản phẩm như sâm ngâm rượu hay nước bổ dưỡng chiết xuất từ sâm. Còn dữ liệu của Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cho thấy đã có gần 500 sản phẩm sâm được các doanh nghiệp đăng ký tại Việt Nam, chủ yếu xuất xứ từ Hàn Quốc.
Sâm Hàn Quốc cũng đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Tìm trên internet sẽ cho ra rất nhiều thông tin dẫn đến những website bán vô số sản phẩm từ loại sâm này. Khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu, mẫu mã lại sang trọng, bắt mắt với nhiều mức giá. Và mặc dù mới đến Việt Nam gần đây, nhưng Lễ hội sâm Geum San của Hàn Quốc đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người Việt. Năm 2013, sự kiện này thu hút đến 30.500 người tham gia. Theo ban tổ chức, có 85% trong số đó đến mua sâm lẻ và 75% tìm cơ hội kinh doanh.
Nghĩa Trần