Cơ hội cho du lịch golf nhìn từ bài học Kong
Sự kiện bộ phim bom tấn của Hollywood, “Kong: Skull Island” gây bão tại các phòng vé khiến ngành du lịch Việt Nam sốt sắng với các kế hoạch quảng bá, trong đó có việc tấn phong cho đạo diễn Jordan Vogt-Robert làm Đại sứ Du lịch mới. Tuy nhiên, những người thực tế đã nhanh chóng cảnh báo rằng thực ra người Thái đã đi trước chúng ta từ lâu rồi với kế hoạch biến Thái Lan thành phim trường thế giới để rồi kết quả là những bãi biển như Phuket, Pattaya lúc nào cũng đông nghẹt du khách quốc tế.
Không chỉ phim ảnh, nhìn sang lịch vực du lịch golf, một lần nữa phải thừa nhận Thái Lan vẫn tiến xa hơn Việt Nam với một khoảng cách rất lớn. Du lịch chính là một trong những mũi nhọn của kinh tế Thái Lan, đóng góp khoảng 9% GDP mỗi năm. Mà trong lịch vực du lịch Thái thì golf chính là 1 trong 4 cột trụ để nước này lôi kéo du khách nước ngoài. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch Thái, doanh thu của du lịch golf nước này vào khoảng 3,68 tỉ USD (số liệu năm 2013), tức chiếm khoảng 7-8% doanh thu của toàn ngành. Năm 2015, Thái đón 31 triệu du khách, trong đó có 700.000 người đến để chơi golf, biến nước này trở thành điểm đến golf số 1 thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với Tây Ban Nha.
Dĩ nhiên, con số ấn tượng kia phải dựa trên nền tảng vững chãi. Riêng về golf, người Thái có thể tự hào rằng họ đang đứng ở top đầu châu Á, cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn như Nhật hay Hàn Quốc. Nổi bật với sự kiện nữ golf thủ Ariya Jutanugarn đăng quang giải British Open, 1 trong 4 giải lớn nhất thế giới, hồi năm ngoái. Hiện Thái Lan có tới 280 sân golf trên cả nước, với số lượng golf thủ lên tới 500.000 người, một con số ấn tượng ở một đất nước có GDP bình quân đầu người xấp xỉ 17.000 USD mỗi năm. Và điều quan trọng là ở Thái, người ta không thốt lên những câu đại loại như “sao nước còn nghèo mà xây nhiều sân golf đến vậy?”.
Bởi câu trả lời đơn giản là golf đóng vai trò tích cực trong việc lôi kéo du khách đến với Thái Lan. Du khách nước ngoài đến Thái không chỉ tắm biển, ăn hải sản mà còn để chơi golf. Hay nói cách khác, golf là một sản phẩm du lịch, một cách để người Thái giữ chân du khách, buộc họ phải rút ví thay vì chỉ biết ngắm cảnh.
Trong khi đó, để tìm những con số tương ứng tại Việt Nam là điều khó khăn, không chỉ vì chúng ta chưa quan tâm đúng mực tới sản phẩm du lịch đặc thù này, mà còn bởi những định kiến xã hội về một môn thể thao trước nay vẫn bị gắn mác “chỉ dành cho giới tư sản”.Dĩ nhiên, quan niệm này cũng đã và đang thay đổi khi giới chức trách cũng như các doanh nghiệp đầu tư vào ngành du lịch cũng đang trở nên thức thời hơn. Số sân golf trên cả nước hiện đã đạt tới con số 40, tuy còn khiêm tốn nhưng trong đó có không ít sân golf đạt đẳng cấp quốc tế do các công ty của những huyền thoại như Jack Nicklaus hay Ernie Els thiết kế.
Dù vậy, theo giới chuyên môn, những nỗ lực ấy vẫn còn nhỏ lẻ, bởi cũng giống như chuyện của ngành du lịch phim ảnh với cú hích mang tên “Kong: Skull Island”, thì chuyện quảng bá không phải là chuyện “của công” mà nó cần những việc làm cụ thể và đồng bộ. Chẳng hạn, một chuyện nhỏ mà giới chơi golf vẫn kể, ở giải đấu mới đây tại Quy Nhơn, đến giờ đi ăn hay đi thăm thú thì việc gọi taxi là khó vô cùng vì tình trạng “cháy tài xế”. Hay điểm đến du lịch mới nổi này cũng chỉ có 1 chuyến bay mỗi ngày từ các đô thị lớn như TP.HCM hay Hà Nội. Như thế thì nguy cơ “vỡ trận” rất dễ xảy ra. Mà trong ngành du lịch Việt, thì đi đâu người ta cũng thường nghe đến từ “vỡ trận”.
Hoài Sa