Khánh Hòa Thứ Sáu | 03/05/2019 08:00

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn”

Một phong trào rộng khắp đã tạo nên sự thay đổi thực sự về diện mạo môi trường thành phố Huế.

Cứ vào dịp cuối tuần, toàn bộ 152 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lại đồng loạt ra quân thực hiện chương trình Ngày Chủ Nhật Xanh trong nỗ lực xây dựng một “Huế xanh - sạch - sáng”. Sau 5 tuần triển khai, phong trào Ngày Chủ Nhật Xanh đã thu hút hàng ngàn lượt người dân tham gia làm sạch vệ sinh môi trường, xử lý rác thải. Mỗi dịp cuối tuần, hình ảnh những nhóm dân cư tập trung làm sạch môi trường ở một điểm nóng rác thải nào đó đã dần trở nên quen thuộc, tạo sức lan tỏa lớn trong cộng đồng.

NCĐT đã có cuộc trao đổi với ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, về chương trình này.

Ông có thể cho biết ý tưởng thực hiện Ngày Chủ Nhật Xanh xuất phát từ đâu?

Chu tich UBND tinh Thua Thien Hue: “Nhat mot cong rac, ban da lam cho Hue sach hon”
 

Dựa trên những giá trị đặc thù của mình, Thừa Thiên Huế xác định rõ mục tiêu phát triển theo định hướng hình thành “đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa và thân thiện với môi trường”, lấy dịch vụ du lịch, văn hóa, y tế, giáo dục và công nghệ cao, thân thiện với môi trường là các ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, việc đầu tiên cần làm là phải tạo ra một môi trường xanh, sạch, đẹp. Trong bối cảnh rác thải ngày càng tăng do dân số và nhu cầu sinh hoạt tăng;  ý thức của người dân trong tự mình bảo vệ môi trường chưa cao; năng lực vận động, điều hành và xử lý rác thải của chính quyền, các tổ chức dịch vụ còn thấp, đề án Ngày Chủ Nhật Xanh ra đời nhằm hướng đến việc đưa ra tác động kép:  làm sạch rác; thay đổi ý thức của người dân, cộng đồng; nâng cao năng lực tổ chức vận động quần chúng của các cấp chính quyền, đoàn thể và nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ của các tổ chức cung cấp dịch vụ môi trường trên địa bàn. Đây là nền tảng để tạo ra một hệ sinh thái bền vững cho việc xây dựng một nền kinh tế xanh về lâu dài.

Chương trình rất ấn tượng khi có sự kết nối thông tin rộng rãi thông qua mạng xã hội. Ðiều đó tạo nên hiệu quả như thế nào cho chương trình này?

Chúng tôi sử dụng mạng xã hội để điều hành công việc thuận lợi hơn. Thông tin chuyển tải nhanh chóng từ cấp trên xuống cấp dưới. Phản ánh của người dân cũng đến rất nhanh và kịp thời. Từ đó, công tác điều hành chương trình được cải thiện theo hướng tốt lên. Những chỉ đạo được đưa ra ngay lập tức và kết quả cũng được báo cáo đúng tiến độ.

Chu tich UBND tinh Thua Thien Hue: “Nhat mot cong rac, ban da lam cho Hue sach hon”
 

Chúng tôi xác định chương trình Ngày Chủ Nhật Xanh hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng ý thức của người dân Thừa Thiên Huế trong bảo vệ môi trường và phương pháp xử lý rác thải. Ngày Chủ Nhật Xanh bây giờ không còn đơn thuần là một ngày trong tuần mà đã trở thành một biểu tượng cho phong trào “Hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh, sạch, sáng”.

Sau 5 tuần triển khai, ông thấy kết quả thực chất của phong trào Ngày Chủ Nhật Xanh được thể hiện ở những mặt nào?

Chúng tôi đang dần tạo chuyển biến tư duy của người dân trong thu gom và xử lý rác. Hiện nay, đã có rất nhiều tổ chức đoàn thể, nhiều nhóm nhỏ đã tự hình thành những tiêu chí hành động của mình như: nhặt bất cứ cọng rác nào trên đường đi và quanh khu vực sống để bỏ vào thùng rác. Hoặc là tạo thói quen mỗi hộ gia đình vào mỗi cuối tuần dành ra 60 phút để làm sạch từ nhà ra ngõ.

Phong trào Ngày Chủ Nhật Xanh không chỉ gói gọn trong hoạt động nhặt rác mà còn nằm trong tổng thể của những phong trào khác nhằm làm cho Huế xanh, sạch, sáng hơn như: “Xây dựng Huế - thành phố bốn mùa hoa”, “Nhặt rác cám ơn dòng Hương”...

Đây chỉ là một chương trình có tính chất phong trào hay sẽ được duy trì thường xuyên, thưa ông?

Các cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, người đứng đầu đang làm gương cho toàn dân trong bảo vệ môi trường. Dần dần chính mỗi người dân sẽ làm chủ cuộc chơi này. Nếu người dân sớm thay đổi nhận thức và hành động thực chất để bảo vệ môi trường, xử lý rác thải thì khi đó phong trào Ngày Chủ Nhật Xanh sẽ sớm trở thành một nét đẹp trong đời sống của người dân xứ Huế mà không cần phải hô hào kêu gọi nữa.

Chương trình này sẽ huy động kinh phí như thế nào để duy trì và mở rộng?

Đây là một chương trình phát huy nội lực của chính mỗi người dân. Chúng tôi không dùng bất cứ nguồn ngân sách nào của Nhà nước để phát động và duy trì phong trào. Tuy nhiên, sắp tới, chúng tôi sẽ tìm các nguồn khác, liên kết các đơn vị nhằm trang bị thêm cho người dân dụng cụ xử lý rác và thu gom rác được thuận lợi hơn, cũng như có những món quà, giải thưởng nhằm động viên tập thể, cá nhân làm tốt chương trình Ngày Chủ Nhật Xanh này.

Chúng tôi được biết hiện có một số tổ chức phi chính phủ muốn đồng hành cùng chương trình và chúng tôi sẽ lựa chọn những tổ chức phù hợp. Tất nhiên, hiệu quả cuối cùng và về lâu dài vẫn là sự thay đổi thực sự trong ý thức của người dân Thừa Thiên Huế về tự bảo vệ môi trường sống của mình. Chúng tôi mong muốn mỗi người dân và du khách khi đến Huế luôn ghi nhớ điều này: “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm cho Huế sạch hơn.