Ảnh: thanhnien.vn.

 
Phạm Thùy Thứ Sáu | 21/02/2020 17:22

Cho lá cuộc đời thứ hai

Những chiếc lá tưởng chừng như bỏ đi được các nghệ nhân biến thành những tác phẩm để đời...

Đông qua, xuân tới, cuộc đời của chiếc lá cũng có sinh và diệt như con người. Nhiều nghệ nhân đã dùng lá để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn truyền cảm hứng “ban cho lá một cuộc đời thứ hai”.

Sau chương trình Siêu Trí Tuệ Việt Nam 2019, ông Võ Ngọc Hùng (62 tuổi, trú tại phường Kim Long, thành phố Huế), đã được cả nước biết đến với danh hiệu “Người làm nón lá bàng đầu tiên ở Việt Nam”. Từ những chiếc lá bàng tưởng như bỏ đi được tạo thành chiếc nón trong suốt rất ấn tượng và tinh tế. “Mỗi chiếc nón được kết từ hơn chục chiếc lá bàng với giá bán 450.000 đồng/chiếc. Giá cao là vậy nhưng vẫn làm không kịp để bán theo yêu cầu của khách hàng”, ông Hùng cho hay.

 

Trước đó, lá bàng cũng đã được ông Lê Nguyên Vỹ (Sơn Trà, Đà Nẵng) chuyển thành các tác phẩm diệp ảnh. Tác phẩm này dùng làm quà tặng cho các vị nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Ram Nath Kovind của Ấn Độ, hay tác phẩm diệp ảnh vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama. “Những tác phẩm là độc bản và công nghệ in ảnh lên lá dường như chưa từng có trên thế giới”, ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Tổng Giám đốc khách sạn Furama, chia sẻ. Những tác phẩm này nên được khuyến khích phát triển khi thành phố đang thiếu quà tặng và đồ lưu niệm đặc trưng trong nỗ lực tạo thêm sự hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng.

Từng thành công với việc in 1.000 chữ trên khoảng 4cm2, Lê Nguyên Vỹ đã làm cho người xem ngạc nhiên khi thấy các tác phẩm như Bình Ngô Đại Cáo, Nam Quốc Sơn Hà, Hịch Tướng Sĩ, Tuyên ngôn Độc Lập... trên các viên sỏi nhỏ. Ông đang dần hoàn thiện để đưa những bản văn này lên lá. Một xấp lá với ông thì chẳng khác gì một quyển sách.

“Lá rụng xuống sẽ thành rác, nếu mình chế tác trên lá thì mỗi chiếc lá chẳng những có giá trị mà còn bất tử. Một chiếc lá bình thường cũng biết nói lên giá trị của nó”, ông Vỹ cho biết thêm. Lá không cần to nhưng phải già để đảm bảo độ bền, khi phủ ảnh phải tính toán tỉ lệ ảnh với các chiếc lá được xếp chồng lên nhau để cân đối.

Phủ ảnh xong phải dùng kính ép lại để màu ảnh giữ được lâu. Giá mỗi tác phẩm là 6 triệu đồng cho bức ảnh kích thước 40x60 cm. Những tác phẩm nhỏ sẽ có giá thấp hơn. “Điều tôi thích nhất là đã biến những chiếc lá vốn là rác, trở thành những tác phẩm nghệ thuật bất tử cùng thời gian và được chủ nhân quý trọng”, ông Vỹ cho biết.

Chưa tạo được sản phẩm nổi bật nhưng bạn Đỗ Thị Cẩm Nhi, Bí thư xã đoàn Phú Thạnh, An Giang, cũng theo đuổi các tác phẩm bằng lá cây. Từ cuối năm 2018 đến nay, với vốn khởi nghiệp ban đầu chỉ 1 triệu đồng, Cẩm Nhi tìm hiểu qua mạng xã hội, học hỏi cách xử lý lá cây, nhuộm màu và phát huy năng khiếu để tạo nên các bức tranh, móc khóa, thiệp, hộp quà. Ý tưởng này đã  tạo việc làm và giúp cho hơn 10 thanh niên địa phương có thêm thu nhập từ 1-3 triệu đồng/tháng.

 

Trong thế giới mỹ thuật và vật dụng thủ công, gân lá từ lâu cũng đã được thương mại hóa để làm vật liệu cho hàng thủ công mỹ nghệ. “Hàng thủ công mỹ nghệ từ gân lá cây Việt Nam có rất nhiều ưu điểm để thu hút sự quan tâm của khách hàng. Với vẻ đẹp tự nhiên, mảnh mai, ứng dụng thêm các kỹ thuật xếp, gấp, uốn, chồng lớp theo bố cục và thẩm mỹ của họa sĩ thiết kế, những chiếc lá có thể tạo nên tác phẩm nghệ thuật”, kiến trúc sư Đào Việt Linh, Hà Nội cho biết.

Ngoài sống lại với gân lá, nhiều nghệ sĩ nước ngoài còn dùng những chiếc lá đã lìa cành tạo nên những tác phẩm truyền cảm hứng tuyệt vời. Như những hình ảnh được Kanat Nurtazin, Cộng hòa Kazakhstan vẽ lên trên chiếc lá rồi dùng lưỡi dao để tạo tác, những chiếc lá luôn chứa đựng các thông điệp ý nghĩa và câu chuyện tươi đẹp. Khi thì “Lời cầu nguyện đến Thiên Đàng”, có lúc lại là “Vũ điệu mùa thu”, hoặc “Vẻ đẹp của tình yêu”...

Hay Omid Asadi là một nghệ sĩ tài năng tại Iran với các bức tranh sáng tạo trên lá khô. Mỗi chiếc lá của Asadi sau khi được vào khung có giá bán từ 500-3.400USD. Anh đã mở Triển lãm tại London và sắp tới có thể là tại Milan (Ý) để gây quỹ cho dự án nước sạch ở Tanzania, đem lại cuộc sống tươi đẹp cho biết bao người.

Từ ý tưởng khai thác nguyên liệu đơn giản trong tự nhiên, chiếc lá cũng có thể biến thành vàng nếu con người biết trân quý giá trị của thiên nhiên.