Chợ Esquiline: Trái tim của Rome đa sắc tộc
“Ciao, capo”, tiếng anh bán hàng người Nam Á cất lên, thân mật chào người “đồng nghiệp” bên gian hàng cạnh đó bằng thứ ngôn ngữ thông tục của dân Ý. Cách đó không xa, hai nữ tu Ấn Độ mặc áo choàng trắng với những đường viền xanh đang cẩn thận xem xét vài món hàng. Ở góc khác, một người phụ nữ gốc Phi mải mê chuyện trò qua điện thoại, địu trên lưng đứa con nhỏ.
Từng một thời là khu chợ cộng đồng phục vụ nhu cầu hàng hóa của những người Ý trung lưu, trung tâm mua sắm Piazza Vittorio – với cái tên chính thống là Chợ New Esquiline – đã dần trở thành một điểm đến đa sắc tộc tại Rome. (Người Việt Nam ở Rome vẫn gọi chợ này là chợ Vittorio hoặc chợ Tròn). Tên gọi Piazza Vittorio xuất hiện do chợ này nằm ngay kế bên quảng trường tượng đài Vittorio Emmanuel.
“Khu chợ này đã thay đổi quan điểm về vấn đề nhập cư”, ông Fausto Bonnani 64 tuổi, hiện vẫn đang duy trì sạp hàng rau quả hữu cơ của gia đình gần 40 năm nay, cho biết.
Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, dân nhập cư Bangladesh, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc đã tới đây. Tới năm 2001, chợ chuyển từ không gian ngoài trời (Piazza) vào trong nhà và trong vài năm gần đây, nhiều dân buôn người Italia đã bán hoặc cho thuê các sạp hàng của mình và “về hưu” với số tiền có được. Nhưng ông Bonanni không hề có ý định đó.
“Quầy hàng này là cha tôi để lại cho tôi, và tôi sẽ chuyển giao lại nó cho con trai của mình. Tôi đã nói với chúng nó rằng: ‘Hãy tiếp tục duy trì việc kinh doanh của gia đình, bởi chính nhờ nó mà chúng ta kiếm được miếng ăn hằng ngày’”, ông Bonanni chia sẻ thêm.
Sự đa dạng trong các chủng loại hàng hóa bày bán tại khu chợ phản ánh sự thay đổi trong diện mạo của Ý. Đâu đó, người ta chào hàng nấm khô Trung Quốc, những trái bí ngô vỏ sần sùi kỳ lạ, cỏ chanh, ớt cay, củ từ và các loại gia vị. Các quầy hàng Nam Mỹ thì bán nước ép xoài tươi và cola Inca đủ màu sắc. Ông hàng thịt người Ba Lan trưng ra đủ loại xúc xích thơm ngon. Và ở một sạp hàng, người ta thấy quảng cáo sữa bột của hãng Nestle ghi dòng chữ “Ramadan Mubarak!”, hay “Chúc lễ Ramadan an lành!”.
Anh Boshir Odin 29 tuổi đến từ Bangladesh, cho biết anh đã kinh doanh ở chợ này được một năm nay. Anh bán các mặt hàng nông sản trồng ở vùng Sicily hay Latina, gần Rome. “Này, tôi nói được một ít tiếng Ý, tiếng Anh và cả tiếng Bengan nữa đấy”, anh nhăn nhở cười, trước khi bắt đầu nhại lại mấy câu tiếng Hoa.
Số lượng người nước ngoài sinh sống hợp pháp ở Ý đã tăng gấp ba lần trong thập niên vừa qua, chiếm 4,3 triệu trên tổng số 59 triệu dân. Các nhóm nhập cư đông đảo nhất gồm người Rumani, Albani, Maroc và Trung Quốc, song số lượng người tới từ các quốc gia khác cũng đang không ngừng tăng lên.
Bà Cécile Kyenge - người Ý gốc Congo, bác sĩ nhãn khoa, bộ trưởng Bộ Hội nhập - là bộ trưởng da màu đầu tiên trong lịch sử Cộng hòa Ý. |
Thậm chí cuối năm ngoái, ngài bộ trưởng Roberto Calderoli thuộc đảng Northern League Party (vốn chống đối gay gắt việc nhập cư vào Ý) còn nói bà Kyenge gợi nhắc ông về loài khỉ đột, và bà nên về “quê nhà” làm việc thì hơn. Đáp trả lại sự tấn công này, bà Kyenge (Đảng Dân chủ Cộng hòa) đã từ chối tham gia một cuộc gặp mặt của Đảng Northern League và yêu cầu được xin lỗi công khai.
Có thể nói, Ý hoàn toàn tụt hậu so với Pháp và Đức xét trên phương diện nhập cư và hội nhập. “Rất khó có thể định lượng mức độ tụt hậu này, nhưng tôi nghĩ cũng phải đến 20 năm”, Riccardo Stagliano, tác giả cuốn “Lời cảm ơn: Tại sao ta sẽ đối mặt với tổn thất lớn nếu thiếu người nhập cư”, cho biết. Trong cuốn sách của mình, ông khẳng định cộng đồng người nhập cư đã trở thành một phần không thể tách rời của nước Ý.
Quay trở lại với khu chợ, dân tình xem ra chẳng bận tâm gì tới mấy bê bối chính trị. Bà Isabella Fontana, 65 tuổi, một y tá đã nghỉ hưu chia sẻ khi đang đi chợ mua cá: “Piazza Vittorio giờ chẳng khác gì một quận Trung Hoa thu nhỏ, nhưng tôi thấy thế cũng chẳng sao. Nếu hàng hóa đảm bảo thì Trung Quốc, Nhật Bản hay Pháp có ảnh hưởng gì đâu.”
Còn ông Mostafa Abdel-Wahab, một người bán thịt halal, cho biết ông đã từng học về ngành Khoa học Chính trị ở quê nhà Ai Cập, nhưng rồi lại làm nghề bán thịt khi tới Rome vào năm 1982. Năng nhặt chặt bị, dần dà ông đã kiếm đủ tiền để mua một sạp hàng cho riêng mình.
Tiểu thuyết gia Jhumpa Lahiri, người hiện đang sinh sống tại Rome, gần đây đã viết trên tờ La Repubblica rằng những người Bangladesh bà gặp ở Ý giữ một cái nhìn khá tiêu cực: “Họ nói họ thấy rất khó khăn để tạo dựng cuộc sống mới ở nơi đây. Ngay cả khi họ đã ở Ý nhiều năm, họ vẫn cảm thấy mình như bị gạt ra bên lề xã hội, không được chấp nhận và không được gắn kết với phần còn lại của cộng đồng. Con cái họ, sinh ra và lớn lên ở nước Ý, nhưng hoàn toàn không phải công dân Ý.” Đó là bởi theo luật hiện hành của Ý, trẻ được sinh ra trong nước sẽ được xét quốc tịch dựa theo quốc tịch của cha mẹ.
Một người bán hàng khác, chị Jane Eke, 48 tuổi đến từ Nigeria, cho biết chị cảm thấy không được chấp nhận trên mảnh đất này. “Tôi chẳng thích cái nước này tí nào, nhưng vì các con, tôi không thể quay đầu lại.”
Eke theo chồng tới Ý khi anh đăng ký theo học tại một trường đại học nước này. Hai mươi năm trước, anh chị xoay xở mua được một sạp hàng, và cuối cùng, cả gia đình đã định cư ở đây, làm ăn sinh sống và nuôi nấng ba đứa con. Con út của anh chị, Ugo, năm nay 17 tuổi, cũng ra chợ phụ giúp mẹ bán hàng. Cậu nói tiếng Ý, chứ không phải tiếng Igbo mẹ đẻ của mình. Còn đứa con gái lớn nhất của Eke vừa tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Rome, nhưng mãi chưa kiếm được việc làm. Vấn nạn thất nghiệp đang bao trùm Ý, và Eke lo lắng không biết liệu con cái mình có được tương lai ở đất nước này hay không.
“Chúng tôi đang cố hướng bọn trẻ đi Anh để tìm kiếm cơ hội”, chị chia sẻ.
Nguồn GAFIN, NYTimes/ DVO