Chim yến trên trời, dính bẫy dưới đất
Chim yến là một loài vật nuôi cho giá trị kinh tế cao, đang được nuôi nhân rộng ở nhiều địa phương. Các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có hơn 3.400 ngôi nhà yến, tập trung nhiều nhất ở Khánh Hòa Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận. Xác định nghề nuôi chim yến cho thu nhập cao, các nhà khoa học đề nghị cần bảo vệ nguồn gen loài này để phát triển thành sản phẩm quốc gia. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là thời gian gần đây, loài chim này bị truy lùng, tận diệt đến mức đáng báo động.
Ngoài việc mang lại lợi nhuận khủng từ việc khai thác tổ yến, chim yến còn rất có lợi cho nền nông nghiệp sạch, bền vững, bởi loài chim hiền lành này tiêu diệt rất nhiều loại sâu rầy phá hoại mùa màng, ruộng lúa. Vậy tại sao người ta lại truy lùng, tận diệt chim yến? Lý do có vẻ hài hước nhưng thật đau lòng: Người ta bắt chim yến bán cho các quán nhậu, bán làm chim phóng sinh. Tàn nhẫn hơn, để cho chim yến khỏi bay, người ta còn bẻ chân hoặc đâm mù mắt chim.
Từ cách đây 2 năm, tình trạng tận diệt chim yến đã bùng nổ tại các tỉnh miền Trung, nơi có nhiều nhà yến đẹp của một số quan chức lẫn doanh nghiệp. Dư luận lúc đó có lên tiếng cảnh báo nhưng được một thời gian thì im ắng. Đến nay, tình trạng này lại bùng lên khắp cả nước.
Thị xã Gò Công, Tiền Giang được mệnh danh là “thủ phủ nuôi chim yến” của tỉnh với gần 380 nhà nuôi yến lớn nhỏ. Tuy nhiên, gần đây, có nhiều người dùng lưới đánh cá dài hàng trăm mét dệt bằng sợi nylon trắng trong suốt để bẫy chim yến. Mỗi ngày, những người bẫy chim vào các khu vườn trồng thanh long, các cánh đồng lúa rộng lớn, cột 2 đầu lưới vào 2 cây tre cao khoảng chục mét, giăng lên trời.
Sau đó họ sử dụng loa đặt ở một gốc cây gần tấm lưới, mở tiếng kêu của chim yến để dẫn dụ bầy chim đang kiếm ăn ngoài tự nhiên. Nghe tiếng kêu của đồng loại, bầy chim yến lao đến và đâm đầu mắc vào tấm lưới, một con mắc bẫy kêu cứu thì cả chục con khác lao đến rồi cũng bị dính vào lưới. Người bẫy chim chỉ cần ra gỡ xuống cho vào lồng và đem bán với giá vài ngàn đồng mỗi con.
Những người nuôi yến cho biết, tận mắt thấy họ giăng lưới bắt chim yến nhưng không cách gì ngăn cản được, vì chim yến con nào cũng giống nhau, các chủ nhà nuôi yến không thể đánh dấu phân biệt, nên đâu có bằng chứng gì cụ thể để nói đó là chim mình nuôi.
Vùng nuôi yến thuộc huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cũng rơi vào trình trạng tương tự. Số lượng đàn chim yến làm tổ giảm và đang suy kiệt dần. Ông Huỳnh Văn Thường, chủ nhà nuôi chim yến ở xã Trung An (Mỹ Tho, Tiền Giang) than rằng năm 2019, ông mất trắng hơn 1 tỉ đồng vì khoảng một nửa bầy chim bỗng dưng biến mất.
Chim yến được xếp vào nhóm IIB trong Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, ban hành kèm theo Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30.3.2006 của Chính phủ. Hành vi giăng lưới bẫy chim yến của những người này đã phạm vào điều “Vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã”, theo Khoản 1, Điều 234 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 50-300 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu săn bắt, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB hoặc thuộc phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tuy nhiên, thực tế là gần như phong trào nuôi yến ở các địa phương ban đầu đều tự phát, thậm chí sai quy hoạch. Các chủ nuôi yến thường là người có điều kiện hoặc có chức, có quyền ở địa phương..., thấy có lô đất vị trí đẹp (gần sông, gần hồ) là đầu tư xây nhà nuôi yến, sau đó mới xin phép làm nhà vườn để dưỡng già, thậm chí không xin phép.
Việc nhiều người xây nhà nuôi yến nhưng không dám xuất hiện và nhờ người khác đứng tên hoặc quản lý là có thật. Chính vì nắm được mấu chốt này nên các “sát thủ” chim yến cứ canh những trại yến to và đẹp của các quan chức để rình giăng bẫy trước. Sau đó, đến những trại nhỏ hơn và dần dần bẫy cả chim, cò, vật nuôi xung quanh của người dân.
Một số ý kiến cho rằng việc người quản lý hay chủ vật nuôi phát hiện có người dân đặt lưới bắt chim yến là có, nhưng họ lại không dám trình báo vì sợ các cơ quan phát hiện ra sai phạm khác của mình liên quan đến cấp phép xây dựng, đất đai... Việc bưng bít thông tin khiến cơ quan chức năng rất khó xử lý.
Ngay ở thủ phủ nuôi chim yến Gò Công ở Tiền Giang, từ khi có thông tin xuất hiện tình trạng giăng lưới bắt chim yến, Phòng Kinh tế đã thông báo cho người dân, các chủ nhà nuôi chim yến cảnh giác, nếu phát hiện người giăng lưới bẫy chim thì báo ngay cho chính quyền địa phương đến xử lý. Nhưng đến nay trên địa bàn thị xã chưa bắt được người bẫy chim nào, vì các chủ nhà nuôi chim yến rất kín tiếng.
Rõ ràng, nếu không có biện pháp quyết liệt từ cơ quan chức năng cùng sự phối hợp của người dân, chủ nuôi yến, loài chim này đứng trước nguy cơ tận diệt.