Hoài Sa Thứ Sáu | 15/12/2017 18:00

"Chiến tranh lạnh" ở Olympic mùa đông

Cuộc chiến giữa thể thao Nga và IOC không phải bây giờ mới bùng nổ, mà đã kéo dài từ vài năm qua.

Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã đưa ra một quyết định vô tiền khoáng hậu khi cấm đoàn vận động viên Nga tham dự Thế vận hội mùa Đông tổ chức ở Pyongchang (Hàn Quốc) vào tháng tới với lý do nước này đã sử dụng doping một cách có hệ thống. Dù IOC khẳng định quyết định này hoàn toàn là vấn đề thể thao đơn thuần. Nhưng với việc căng thẳng giữa Nga với phương Tây, cụ thể là Mỹ ngày càng leo thang, thì người ta có nhiều lý do để tin rằng lệnh cấm ấy có dính dáng nhiều đến cả chính trị.

 Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev nói đây là “một phần trong chính sách của phương Tây nhằm chống lại nước Nga”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết trên trang cá nhân rằng: “Họ luôn tìm cách hủy hoại cuộc sống, văn hóa, lịch sử nước Nga và giờ là tới lượt thể thao”.

Đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng lên tiếng, đồng thời cho biết sẽ không ngăn cản vận động viên Nga tham dự Olympic mùa Đông sắp tới với tư cách cá nhân, nhằm “thể hiện tính cách Nga ở đấu trường thế giới”. Còn người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “IOC nên cân nhắc kỹ càng trước khi đưa ra một quyết định nghiêm trọng như thế này”.

Chỉ có một số ít quan chức, chính trị gia Nga có quan điểm rằng nước này nên chấp nhận sự thật, đồng thời kêu gọi Bộ trưởng Thể thao Vitaly Mutko từ chức. Nghị sĩ thuộc Đảng Cộng sản Nga Valery Rashkin thậm chí còn dọa sẽ đưa ông Mutko ra tòa vì hủy hoại nền thể thao Nga.

Thực ra, cuộc chiến giữa thể thao Nga và IOC không phải bây giờ mới bùng nổ, mà đã kéo dài từ vài năm qua. Ở Olympic Mùa hè tại Rio 2016, IOC cũng cấm hàng loạt vận động viên Nga với lý do đã xảy ra tình trạng sử dụng chất kích thích một cách có hệ thống trong nền thể thao nước này. Trong số những vận động viên nổi tiếng nhất bị cấm thi đấu có cả hoa hậu quần vợt Maria Sharapova, người mà khi mới trở lại thi đấu cũng đã gây nên nhiều tranh cãi trong làng banh nỉ.

Vậy tại sao một nền thể thao hùng mạnh, có truyền thống như nước Nga lại lâm vào tình cảnh như vậy?

 

Có lẽ, cần phải đi ngược trở lại thời Chiến tranh Lạnh, thời mà thể thao cũng là một trong những đấu trường đua tranh khốc liệt giữa Liên Xô và Mỹ, khi hai cường quốc này thay nhau nắm giữ vị trí số 1 tại các kỳ Olympic, cả Mùa đông lẫn Mùa hè. Nhưng kể từ khi Liên Xô sụp đổ, thể thao Nga đã sa sút không phanh do không còn được đầu tư mạnh như trước. Hàng loạt huấn luyện viên, vận động viên tên tuổi cũng bỏ ra nước ngoài thi đấu dưới những màu cờ sắc áo khác, kể cả Mỹ.

Còn nhớ, sau thất bại thảm hại tại Olympic Mùa đông Vancouver 2010, Tổng thống Nga lúc đó là Dimitry Medvedev đã sa thải hàng loạt quan chức thể thao Nga, yêu cầu thể thao Mùa đông Nga phải nhanh chóng tìm lại vị thế khi nước này làm chủ nhà của Olympic Sochi 2014.

Cũng cần nói thêm, nước Nga của ông Putin đang nỗ lực đánh bóng hình ảnh của một cường quốc ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có cả thể thao. Và phải chăng điều đó đã tạo sức ép lớn, khiến các quan chức thể thao Nga phải tìm đến doping như liều thần dược nhằm nhanh chóng giúp nước này thăng tiến trên bảng xếp hạng huy chương