Chiến binh giải cứu tê giác
Ởtuổi 28, Nguyễn Ngọc Như Thảo, du học sinh từ Anh, có nhiều lựa chọn, nhưng cô quyết định sẽ đi châu Phi để học làm kiểm lâm trong một chương trình 2 năm. Thế nhưng, trở về sau chuyến tình nguyện 2 tháng tại Đội Cứu hộ tê giác con ở Nam Phi, Thảo từ bỏ giấc mơ này và mở cuộc nói chuyện đầu tiên của mình về thế giới hoang dã cho hơn 100 khán giả độ tuổi từ 20-50 vào cuối tháng 6 vừa qua. Điều gì đã khiến cô gái trẻ này thay đổi quyết định?
Thiên nhiên hoang dã gây ấn tượng với Thảo như thế nào?
Dạ, có những chuyện vui mà cũng có những chuyện rất buồn. Như chuyện con heo rừng Pumbaa trong phim Vua Sư Tử chỉ có trí nhớ đến 1 phút. Nó bỏ chạy khi gặp nguy hiểm với cái đuôi dựng đứng, rồi hạ từ từ cho đến lúc xuôi hẳn là cậu chàng chẳng nhớ tại sao nó lại chạy nữa.
Hay chuyện người đồng hương hoang mạc châu Phi của Pumbaa là hươu cao cổ, hoàn toàn không phát ra âm thanh nào, thích chơi trốn tìm bằng cách giấu mặt mình trong những bụi cây cao, để toàn thân lộ ra ngoài. Hoặc chuyện Orangutan, một loài linh trưởng có bộ lông màu cam đặc trưng sống ở những cánh rừng mưa nhiệt đới ở Indonesia và Malaysia, luôn làm một chiếc giường ngủ mới vào mỗi tối. Môi trường sống của Orangutan đang bị đe doạ nghiêm trọng khi những cánh rừng liên tục bị đốn hạ nhường chỗ cho những đồn điền trồng cọ lấy dầu.
Hay chuyện về món vi (vây) cá đắt tiền, người ta cắt vây của những con cá mập còn sống ngay giữa biển, rồi quăng chúng trở lại đại dương chờ chết. Còn chuyện về Sudan, chú tê giác trắng phương Bắc cuối cùng đã qua đời vào năm 2018, để lại con gái và cháu ngoại. Giống loại đang đi đến con đường tuyệt chủng...
Loài vật nào khiến Thảo quan tâm nhiều nhất?
Vì công việc nên em phải đi đến các khu bảo tồn để làm nghiên cứu và hỗ trợ cho các khu ấy, tiếp xúc với nhiều con thú khác nhau nhưng tê giác là một trong những loài em giành nhiều tâm huyết nhất. Vì sự tham lam, tàn nhẫn thiếu hiểu biết của con người mà sự tồn tại của loài tê giác bị đe dọa nghiêm trọng.
Ở nơi em công tác, có những chú tê giác con, có những em bị mất mẹ, do săn trộm. Trong số những chú tê giác được tụi em chăm sóc, có một chú tên là Arthur, may mắn được tìm thấy khi đang loay hoay bên xác mẹ. Nó chỉ nhỏ bằng một nửa so với các bạn khác bằng tuổi trong khu vực chăm sóc vì bị mất nhiều năng lượng cho việc hồi phục các chấn thương khi tấn công những tay săn trộm đang cưa sừng của tê giác mẹ (đã bị giết). Mỗi tê giác tại trung tâm sẽ được chăm sóc theo cách riêng biệt tùy theo thể trạng và sẽ được thả lại môi trường tự nhiên khi mọi thứ ổn định. Đội bảo vệ ở đây làm việc ngày đêm nhằm bảo đảm an toàn cho người lẫn thú.
Em cũng đang tham gia dự án Remembering Wildlife xuất bản loạt sách về động vật hoang dã để gây quỹ nâng cao nhận thức của mọi người và cho các chương trình cứu hộ các loài này. Ba cuốn sách ảnh về voi, tê giác và loài vượn lớn đã thu về được 460.000 euro để hỗ trợ các dự án bảo vệ ở các nước châu Phi.
Nguyên nhân gì khiến Thảo chuyển sự chú ý sang thiên nhiên hoang dã?
Từ nhỏ, em đã luôn có tình cảm đặc biệt với các loại động vật. Lớn lên, em theo học ngành thiết kế nội thất. Trong quá trình đi học và đi làm sau đó, em có cơ hội tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu nhiều hơn nên em đã quyết định theo học tiếp ngành động vật học và bảo tồn ở Anh.
Theo WWF, từ năm 1970, con người đã quét sạch 60% số lượng thú, chim, cá và bò sát. Tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp con người và số lượng vật nuôi gia tăng, nhưng cũng làm thu hẹp thế giới tự nhiên. Tự nhiên còn bị đe dọa bởi việc thiếu nhận thức đầy đủ của người tiêu thụ, như trường hợp vi cá mập. Quan niệm chung cho rằng vi cá mập bổ dưỡng nhưng thực ra đó là nơi chứa nhiều thủy ngân nhất trong cơ thể loài sinh vật biển này.
Công việc Thảo đang hướng đến có nguy hiểm không?
Trong 10 năm, đã có 1.000 kiểm lâm bị giết, bằng 1/7 số lượng tê giác bị giết trong cùng thời gian tại châu Phi. Khi em trình chiếu hay đăng những bức ảnh của em chụp cùng các anh kiểm lâm tại Kruger, tất cả gương mặt của họ đều phải được làm mờ để đảm bảo không bị nhận diện, nếu không cả gia đình của họ sẽ bị những người săn trộm đe dọa và phải di dời sang nơi khác. Năm 2014, một người mà em quen biết đã bị giết khi đang đi taxi từ sân bay về. Anh ấy là người sáng lập tổ chức chống săn trộm voi. Em nghĩ rằng công việc nào cũng có khó khăn và nguy hiểm, nhưng phải có ai đó làm gì đó. Nếu không phải chúng ta thì sẽ là ai? Nếu không phải bây giờ thì là khi nào?
Thảo dự định sẽ hành động ở Việt Nam như thế nào?
Em nhận ra tất cả những gì mọi người đang cố gắng làm ở châu Phi nhưng nếu nhu cầu vẫn tiếp tục thì những điều mọi người như chúng em mạo hiểm cả mạng sống cũng chỉ như muối bỏ biển.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ động vật hoang dã, đồng thời là đầu mối trung chuyển chính đến thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Vì vậy, em muốn tạo ra sự thay đổi trên chính quê hương mình. Bắt đầu bằng những buổi nói chuyện về thế giới động vật hoang dã để làm rõ những quan niệm sai lầm về tác dụng chữa bệnh của các loài, bán tranh để gây quỹ và tổ chức chuyến du lịch đến Nam Phi để mọi người tận mắt nhìn thấy thế giới động vật hoang dã đáng để bảo tồn như thế nào.