Chị Doãn Thị Thoa bên những cây giống chuẩn bị đem trồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chiến binh bảo tồn
Yêu thiên nhiên rồi chọn công việc bảo tồn sinh học để theo đuổi lâu dài là lựa chọn của một số ít người có lối suy nghĩ hoàn toàn trái ngược với số đông. Và sự kiên trì của những “chiến binh” thầm lặng này đã góp phần làm thay đổi cái nhìn của cộng đồng.
Người dành cả đời bảo tồn lan rừng Tây Nguyên
Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 15 km, Khu bảo tồn lan rừng Troh Bư nằm ở xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn đang là điểm đến thu hút giới yêu hoa lan trên cả nước. Năm 2017, Troh Bư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh “Bộ sưu tập lan rừng tự nhiên lớn nhất Việt Nam”. Ngoài 215 loài phong lan, thạch lan tự nhiên với hơn 10.000 giò cấy vào thân cây, kẽ đá; 20 loài địa lan với khoảng 1.000 gốc trồng rải rác khắp vườn, Khu bảo tồn Troh Bư còn có gần 1.000 loại cây và hoa khác, trong đó khoảng 300 giống bản địa tái sinh tại chỗ.
Việc xây dựng khu bảo tồn lan rừng không chỉ hấp dẫn du khách muốn khám phá kho tàng hoa lan Việt Nam mà còn có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn nguồn gen lan.
Thủy Tiên Trắng nở trong rừng Troh Bư. Ảnh: baodaklak.vn. |
Từ một thung lũng xinh đẹp bị chặt phá trơ trọi, một người yêu rừng, yêu Tây Nguyên đã vất vả trong suốt 25 năm để tái tạo lại cảnh rừng xưa. Chủ vườn, ông Đỗ Tuấn Hưng cho biết với diện tích 2 ha gồm hồ và rừng, lại có khí hậu lai nửa rừng khộp, Troh Bư trồng lan rừng theo kiểu tự nhiên là rất đẹp và phù hợp. Từ những nhánh lan tự nhiên ban đầu, ông Hưng đã lặn lội vào nhiều khu rừng để tìm thêm các loại lan quý.
Ông cũng bắt tay vào công việc cấy ghép hoa lan. Cách trồng hoa lan của ông là không dùng chậu đất, chậu gỗ, giá thể than hay vỏ thông để trồng mà được cấy, đính lên cây rừng, ghép trên đá. Ông Hưng cho biết, ngoài việc cấy ghép, ông không tác động gì thêm, để cây tự sinh trưởng, phát triển theo quy luật tự nhiên. Đến nay, Troh Bư đã tập trung đầy đủ những giống lan quý vùng Tây Nguyên như Nghinh Xuân, Thủy Tiên Trắng, Quế Lan Hương... trong đó, nổi bật nhất là loài Giáng Hương (nhạn sóc Lào) đặc trưng của rừng Buôn Đôn. Sau nhiều năm kiên trì phục hồi rừng tự nhiên, trong vườn Troh Bư, lan rừng đã tái sinh hạt, một điều hiếm gặp ở các vườn lan.
Theo ông Hưng, trong số hàng ngàn cây lan nảy mầm chỉ có vài cây sống. Vì vậy, dù mở cửa đón khách du lịch nhưng Troh Bư vẫn luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, để lan sinh sản tự nhiên, phát triển quần thể.
Chủ nhân của bộ sưu tập lan rừng quý hiếm, có một không hai ở Việt Nam tâm sự: “Tôi sưu tầm lan rừng không vì mục đích kinh doanh mà để bảo tồn nguồn gen hoa lan quý hiếm, lưu giữ giá trị của thiên nhiên cho đời sau. Rừng ngày càng bị thu hẹp, lan rừng bị săn ráo riết. Những dòng lan đẹp, nổi tiếng ở các khu rừng Tây Nguyên như Nghinh Xuân, Giã Hạc, Thủy Tiên... gần như không còn. Giờ đây muốn vào rừng để ngắm một giò lan nở là rất khó. Do đó, tôi cố gắng lưu giữ lại cái đẹp cho con cháu đời sau chiêm ngưỡng”.
Hồi sinh rừng ngập mặn
Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định - khu ramsar đầu tiên của Việt Nam từng là điểm đến hằng năm của các loài chim di cư quý hiếm, trong đó có 9 loài trong sách đỏ thế giới như Cò Thìa, Rẽ Thìa... Thế nhưng, từ 20 năm nay, những người dân miền biển chất phác vì mưu sinh đã phá hủy rừng trong các đầm nước mặn ở vùng đệm. Từ diện tích 545 ha rừng năm 2000 giờ chỉ còn khoảng 250 ha.
Nhìn khu ramsar đã nuôi dưỡng mình suốt thời thơ ấu bị tàn phá, chị Doãn Thị Thoa, Giám đốc Hợp tác xã Khang Tường (xã Giao An, Giao Thủy, Nam Định), quyết tâm phủ lại màu xanh cho rừng ngập mặn bằng cách tặng cây và vận động người khác tặng cây.
Chị Thoa đã cùng huyện đoàn, đoàn viên quốc phòng và học sinh địa phương trồng 15.000 cây bạch đàn. Sau khi mua tặng xã 400 cây sấu về trồng ở ven 2 bên đường, chị Thoa cũng trở thành người tiên phong trong việc trồng 1.000 cây ở đầm nhà. Khi rặng dừa đã lên xanh, chị sang các đầm bên cạnh để vận động. Dân biển thường không có thói quen trồng cây ngoài đầm nhưng chị vẫn kiên trì thuyết phục người dân trồng cây trên bờ và cả dưới nước: “Bác năm nay thu tôm, cá thế nào? Gần nhà mình có đầm nhà ông A, bà B nhiều sú vẹt nên thu được lắm tôm, cá. Mình có nhà thì tôm, cá cũng phải có nhà, mà nhà của chúng chính là các cây ngập nước...”.
Một số người đồng ý với chị nhưng lại không có vốn. Chị Thoa hỗ trợ họ một phần tiền giống với điều kiện phải cam kết chăm sóc cây cẩn thận. Năm đầu, chị phải tìm đến các chủ đầm để thuyết phục nhưng sau đó, một số đã tự tìm đến hỏi xin cây hay đề nghị mua chúng. Đến nay, màu xanh của rừng ngập mặn lan rộng hơn nên khi nước ròng, mòng két, vịt trời, ngỗng trời lại tìm về trắng bãi.
Nữ “hộ sinh” cho rùa biển
Cách đất liền huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khoảng 10 km, Hòn Cau là nơi sinh sống và bãi đẻ của rùa biển - loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao. Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau chính thức hoạt động từ tháng 7/2011 với 4 nhân viên tiếp nhận nhiệm vụ của Đội tuần tra kiểm soát trên đảo. Trong 4 nhân viên này, chỉ có duy nhất một phụ nữ là cô gái trẻ Lưu Yến Phi.
Không nghĩ mình là nữ duy nhất, chị Phi luôn lặng lẽ chăm sóc cả đội bằng những bữa ăn đôi khi thiếu thốn do mùa gió bão về, hay chủ động chia sẻ động viên anh em trong những buổi chiều cùng nhau ngắm nhà từ đảo xa. Năm 2017, dù đã được cơ quan phân công làm Trưởng phòng Tổ chức hành chính tổng hợp, bố trí làm việc tại trụ sở ở đất liền nhưng hễ có đoàn công tác, các đội tình nguyện viên tham gia chương trình bảo vệ rùa biển hoặc nghe anh em trong đội ốm đau, gia đình có việc đột xuất là chị lại vác ba lô đến đảo hỗ trợ mọi người.
Từ đôi bàn tay cần mẫn của “nữ hộ sinh” rùa biển, những năm qua, hàng ngàn cá thể rùa biển con đã được chị Phi cùng đội bảo vệ ấp nở thành công thả về với tự nhiên. Cùng với đó, nhiều cá thể rùa biển vô tình vướng vào lưới của ngư dân hoặc một số chú vích quý hiếm được những người có tâm mua lại trong dân, liên hệ với Ban Quản lý cùng nhau thả về với biển.
Kết quả phản ánh rõ nét về thành công bước đầu của công tác bảo tồn là trung bình mỗi năm số lượng cá thể rùa biển lên các bãi biển quanh Hòn Cau sinh sản tăng đều, bởi rùa biển sẽ quay về nơi nó được sinh ra để sinh sản khi hệ sinh thái ở đó đủ an toàn.