Châu Smith chuẩn bị lập kỷ lục marathon ở tuổi 70
Chạy marathon (42km) liên tiếp 7 ngày trên 7 lục địa. Thoạt nghe là điều không tưởng. Thế nhưng với thành tích này, bà Châu Smith, một người phụ nữ gốc Việt hiện sống tại Missouri, Mỹ sắp được kỷ lục Guiness chứng nhận là người nhiều tuổi nhất là 70 tuổi đạt được kỷ lục trên.
Để chuẩn bị cho cuộc thi Triple7, bà Châu đã tập luyện ròng rã trong suốt 8 tháng trời. Mỗi tuần bà chạy 25-210km cùng những bài tập khó khác như leo bậc thang, tập chạy bất chấp thời tiết khắc nghiệt... Mỗi ngày thức dậy để chạy 42km, sau đó lên máy bay để tiếp tục chạy ở một lục địa khác là một thử thách không nhỏ ngay với những vận động viên chuyên nghiệp. Do đó, là người lớn tuổi nhất hoàn thành thử thách đã giúp bà Châu trở thành một nhân vật đầy cảm hứng, nhất là khi bà chỉ bắt đầu tập chạy ở tuổi 40.
Vóc dáng nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và vẫn đi làm 5 ngày/tuần, khó ai nghĩ bà Châu đã bước sang tuổi thất thập. Thời trẻ, sau khi sang Mỹ định cư và sinh con, bà Châu làm việc miệt mài từ 5 giờ sáng đến tận khuya để nuôi con và đưa gia đình từ Việt Nam sang ổn định cuộc sống nơi xứ người. Sau khi con gái út vào đại học, ban ngày đi làm, buổi tối bà còn đi học để thi lấy bằng trung học, vì khi ở Việt Nam bà chỉ học hết lớp 5. Thấy vợ cực khổ, người chồng của bà, ông Michael Smith, khuyên bà dậy sớm cùng ông chạy bộ để giảm căng thẳng.
“Ban đầu chỉ chạy cho vui, nhưng lâu dần tôi càng thấy khỏe khoắn, sảng khoái và cảm thấy dù cuộc sống có xảy ra bất kỳ điều gì cũng đều đương đầu được”, bà Châu kể. Đến bây giờ, ông Michael mới chính là người “ái ngại” trước đam mê cuồng nhiệt của bà với gần 70 giải marathon bà đã tham gia trong 20 năm qua, tức khoảng 3.200km, chưa kể quãng đường tập luyện. Hiện nay, hằng ngày bà vẫn chạy đều đặn 8-16km trên con đường Indian Creek quen thuộc trước nhà và chạy trong phòng tập trong mùa mưa gió hay bão tuyết.
Sau cuộc thi chạy đầu tiên dài 5km, bà Châu gần như ngất xỉu vì mệt. Nhưng sau khi tỉnh lại, bà quyết chinh phục những đường chạy dài hơn và sau đó là những giải marathon quy mô. Năm 1996, bà tham gia giải marathon đầu tiên để quyên tiền cho các bệnh nhân ung thư máu. Trước cuộc thi 2 tháng, bà bị trật gân đầu gối và bị bác sĩ chỉ định không được tiếp tục chạy. Nhưng bà quyết không đầu hàng và tìm cách để luyện tập. Bà chuyển sang tập chạy dưới nước. Lúc đó, nhà có hồ tắm, hằng ngày bà kiên trì chạy từ 3-4 giờ trong nước để giảm áp lực cho chân và hoàn thành giải marathon đầu tiên sau đó.
Bà Châu Smith và tờ báo đăng tin về vụ khủng bố ở Boston. Ảnh: Ảnh: cdnnews.9phut.com |
Một trong những kỷ niệm buồn trong cuộc đời của bà Châu cũng liên quan đến chạy bộ. Đó là lần cả gia đình cùng tham gia giải Boston Marathon 2013 - một ngày buồn của nước Mỹ khi cuộc thi chạy thường niên trở thành cảnh tượng hỗn loạn và nổ bom đẫm máu. Chỉ còn cách vạch đích hơn 1km, bà Châu đang lao mình chạy xuống dốc thì bị cảnh sát bắt dừng lại và thông báo rằng bom vừa phát nổ. Chồng của bà vẫn được an toàn dù đã ở rất gần vị trí phát nổ của trái bom thứ 2. Còn con gái của bà, Thy Trần, vì bận mua hàng nên không đón mẹ ở đích đến như dự định, do đó may mắn thoát nạn. Đến giờ, mỗi khi đi ngang địa điểm năm xưa, nhớ về những người thiệt mạng, vợ chồng bà vẫn không cầm được nước mắt. Tuy vậy, bà vẫn tiếp tục vượt qua nỗi sợ và tham gia Boston Marathon 2 năm sau đó.
Năm nay, bà đang cân nhắc tiếp tục tham gia giải để chạy cùng một nhân vật đặc biệt, người truyền được cảm hứng tập luyện cho bà nhiều năm qua là Katherine Switzer. Đây là người phụ nữ đầu tiên mở đường cho phong trào phụ nữ tham gia vào các giải chạy marathon trên thế giới. Ít ai để ý, bà Châu thường đội một chiếc mũ màu hồng khi chạy, tượng trưng cho việc ủng hộ nữ quyền và cổ vũ việc chạy bộ cho các cô gái trẻ.
Không chỉ yêu cầu sức lực, các cuộc thi marathon còn ngốn của bà Châu chi phí và đam mê đáng lý thường dành cho những thú vui phụ nữ khác. “Gia đình cứ trách tôi sao cứ dành tiền và thời gian cho chạy bộ mà không đổi một chiếc xe mới, mua quần áo đắt tiền. Nhưng với tôi, sống khỏe, sống vui quan trọng và ý nghĩa hơn”, bà Châu nói.
Đối với bà Châu, chạy bộ đã trở thành một phần của cuộc sống và đem đến những cung bậc cảm xúc khó quên. Thuở nhỏ, thấy được Vạn Lý Trường Thành qua phim ảnh, sách báo và nhất là đến khi đọc được quyển sách của một tác giả người Anh kể về hành trình hơn 2 năm vượt qua bức tường thành vĩ đại, giấc mơ được chạy trên con đường này của bà đã trở thành hiện thực khi cùng chồng tham gia giải chạy tại đây năm 2005. Cảm xúc khó quên tương tự khi bà tham gia đường chạy tại Hy Lạp, theo chính cung đường khởi thủy của bộ môn marathon ngày nay.
Nhìn đam mê của bà với chạy bộ, ít ai ngờ rằng trong người bà vẫn còn 3 mảnh bom, vết tích của chiến tranh thời bà còn nhỏ. Đôi khi nỗi đau thể xác lại giúp con người luyện tập được tinh thần sắt đá hơn. “Tôi nghĩ về những điều tốt đẹp. Những người thân bị bệnh kinh niên, tai biến. Còn tôi vẫn chạy được, làm được những điều mình thích là may mắn tuyệt vời!”, người phụ nữ kiên cường tâm sự.
Hiện tại, bà cùng chồng bắt đầu tập xe đạp, yoga, tennis để giảm bớt sức ép cho khớp chân. Con cái đã ổn định, đến lúc dành nhiều thời gian hơn cho bản thân, bà Châu đang tính đến việc nghỉ hưu trong năm nay và thỏa sức với cuộc sống chỉ có “ăn, ngủ và chạy”. Ở tuổi 17, việc đi Vũng Tàu để du ngoạn còn xa vời với cô gái quê Củ Chi, thì ở tuổi 70, cuộc sống của người phụ nữ nội trợ tuổi về già lại đầy ắp niềm vui và bận rộn với những cuộc thi marathon trên nhiều lục địa toàn thế giới. Bà đang lên kế hoạch cho chặng đua marathon qua 50 tiểu bang của Mỹ, tham gia Coast Relay 325km chạy lên xuống các núi và dọc bờ biển phía Tây nước Mỹ và tiếp tục năm thứ 13 chạy tiếp sức với tổng quãng đường hơn 300km cùng các đồng đội trong năm nay.
Ông Steve Hibbs, người sáng lập Hiệp hội Marathon Adventures, dành lời khen cho bà Châu: “Bà ấy đang sống một cuộc đời trọn vẹn”.
Lan Anh