Chàng phượt thủ 8x chinh phục Bắc Cực
Một chàng trai dưới 30 tuổi nhưng đã du lịch đến số quốc gia vượt quá số tuổi của mình, chụp những bộ ảnh du lịch làm không ít người khao khát. Cuối năm 2016, Hoàng Lê Giang trở thành một trong những từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất khi trở thành người Việt Nam đầu tiên chinh phục Bắc Cực nhờ sự bình chọn của cộng đồng mạng. Đây là điểm đến trước đây chỉ có 2 người gốc Việt sống ở nước ngoài đặt chân tới.
Trong chuyến đi, Giang sẽ được học những kỹ năng sinh tồn như đào tuyết giữ ấm khi không có lều, cách dựng lều trong gió lớn, cách tạo ra lửa, đặc biệt là học cách điều khiển và di chuyển bằng xe trượt tuyết chó trên lớp băng tuyết vĩnh cửu -300C. Thế nhưng việc cắm lá cờ Việt Nam trên Cực Bắc địa cầu không ý nghĩa bằng câu chuyện Giang truyền được cảm hứng cho cộng đồng mạng và thuyết phục họ bình chọn, kêu gọi và hồi hộp chờ kết quả để biến giấc mơ của Giang thành hiện thực.
Fjällräven Polar, chương trình Giang tham gia, được tổ chức thường niên nhưng chưa từng có người Đông Nam Á nào thử sức trước đây. Giang biết về cuộc thi khá trễ và từng gặp vài khó khăn khi đăng ký. Anh phải viết mail thuyết phục Ban tổ chức để đưa Việt Nam vào danh sách các nước tham gia. Cạnh tranh cùng bảng với Giang là những đối thủ mạnh từ nhiều quốc gia khác, trong đó có nhiều vận động viên leo núi chuyên nghiệp. Xác suất thắng cuộc của “một chàng trai văn phòng”, theo cách Giang tự nhận, khá mong manh. So kè sát nút với Giang là đối thủ Kertu Jukkum, Estonia, người được chính Tổng thống nước này kêu gọi giới trẻ trong nước tham gia bình chọn.
Cuộc đua bình chọn cho Giang đã trở thành một làn sóng trên cộng đồng mạng. Lý giải cho điều này, một Facebooker về du lịch khá nổi tiếng với giới trẻ cho biết, anh bình chọn và kêu gọi bạn bè bầu cho Giang là vì thấy được tinh thần đam mê khám phá và được truyền cảm hứng từ những câu chuyện, những bức ảnh của Giang. Giang mắc hen suyễn bẩm sinh và gần đây phát hiện thêm bệnh thông liên nhĩ ở tim. Nhưng tinh thần vượt qua chính mình để theo đuổi đam mê leo núi của anh đã chinh phục được số đông.
Chung cuộc, Giang dẫn đầu bảng “Other countries” với hơn 113.000 lượt bình chọn và chính thức trở thành 1 trong 24 người trải nghiệm cuộc sống ở vùng đất lạnh giá nhất thế giới vào tháng 4 năm sau. Hồ sơ ấn tượng của Giang về 7 lần leo các dãy núi thuộc dãy Hymalaya và chinh phục những vùng đất đầy thử thách gợi cảm hứng không ít cho một thế hệ ưa dịch chuyển. Thế nhưng, làm sao một người trẻ như Giang có đủ kinh phí, thời gian để thực hiện những chuyến đi này?
Đạt học bổng và tốt nghiệp đại học ngành marketing tại Thụy Điển, Giang về nước làm việc trong lĩnh vực truyền thông, quảng cáo. Giang cũng trong nhóm startup chuyên về xây dựng, tổ chức, vận hành và hỗ trợ quản lý các quán/chuỗi cà phê tại TP.HCM. Giang cũng mở quán cà phê riêng và còn cộng tác với một công ty công nghệ. Chủ động được công việc là lý do Giang sắp xếp được thời gian cho những chuyến đi.
Du lịch không chỉ là sở thích mà đã trở thành một phần cuộc sống của chàng trai sinh năm 1988 này. “Xác định được nơi muốn đi và chi phí cần thiết. Tôi tính ngược lại để biết mỗi tháng cần để dành bao nhiêu tiền. Hằng tháng, tôi trích từ thu nhập dành cho du lịch trước. Phần còn lại, tháng nào làm nhiều thì tiêu nhiều, làm ít thì tiêu ít”, Giang chia sẻ. Kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch và thực hiện kỷ luật là những thói quen Giang học được khi cháy cùng đam mê của mình.
Kỹ năng lãnh đạo, lập kế hoạch và thực hiện kỷ luật là những thói quen Giang học được khi cháy cùng đam mê của mình. Ảnh: nhân vật cung cấp |
Trong khi những người bạn đồng lứa tập trung xây dựng cuộc sống, còn mình lại chọn phiêu cùng những cung đường. Hỏi rằng Giang có chút nào hối hận không? “Vui sướng khi có nhà, mua xe, theo tôi cũng chỉ là “cảm giác trong não” của mỗi người. Còn tôi lại bị kích thích bởi những chuyến đi, cảm nhận từng nơi đi qua bằng tất cả xúc giác”, anh chia sẻ.
Thói quen mà Giang thường làm khi đến bất kỳ đâu là uống một ly bia ở đó. Thứ mạch nha vàng làm từ bông lúa và nước sông của mỗi vùng đất là tinh hoa anh chàng này ưu tiên cảm nhận khi đến một vùng đất mới. Những câu chuyện của một phượt thủ luôn đầy ắp sự thú vị kỳ thú. Anh hào hứng kể lại lần lái xe máy leo đèo Khardung La cao nhất thế giới với vô số lần xe hỏng, hết xăng, vượt qua những cung đường bên là núi bên là vực. Hay hồi hộp nhớ về chuyến leo núi Chhomrong, Nepal, gặp trận động đất lớn vào năm 2015... Những vùng đất Giang đi như thay lời nói lên tính cách của “khổ chủ”: quyết liệt và đầy đam mê.
Năm 2017 của Giang gần như đã kín lịch. Sau Tết, Giang sẽ đi Alaska, du lịch và kết hợp tập luyện và chụp ảnh trong khí hậu lạnh giá trước khi đi Bắc Cực vào tháng 4. Tháng 8 là lúc anh dự định chinh phục Elbrus, đỉnh núi cao nhất châu Âu và sau đó là chuyến trekking (du lịch mạo hiểm) dài ngày tại Nepal vào tháng 10. Còn mục tiêu lâu dài của Giang sau Bắc Cực, tất nhiên là đỉnh cao mà chỉ số ít những người đam mê leo núi chinh phục được: đỉnh Everest.
Ai thích ổn định đương nhiên không hiểu được vì sao có những người làm việc cật lực để được vùi mình vào những chuyến đi lạnh giá, khô cằn, trải nghiệm cảm giác cheo leo nguy hiểm, thiếu oxy để leo lên đỉnh núi vài chục phút rồi lại đi xuống. Nhưng với những người thích xê dịch như Giang, đó là một phần của cuộc sống. Đi qua những vùng đất mới, chinh phục những thử thách, họ được truyền thêm năng lượng sống, được trải nghiệm, học hỏi và khám phá chính bản thân.
Ngoài công việc và du lịch, Giang đang viết một quyển sách về kinh nghiệm leo núi, ấp ủ một quyển sách ảnh, tìm cách hỗ trợ nhiều hơn cho một chương trình từ thiện đang tham gia… Dành thời gian tập luyện thể thao, dám ước mơ và sống kỷ luật để đạt được điều đó, chấp nhận sự khác biệt và quan tâm đến môi trường là những gì mà những người bạn trẻ theo dõi Facebook của Giang được truyền cảm hứng. Nhưng chắc chắn câu chuyện về chàng trai này sau 300km Bắc Cực sắp tới sẽ có thêm nhiều điều để kể.
Lan Anh