Nguồn ảnh: TTXVN
Chặn mọi ngả đường buôn bán động vật hoang dã!
Điều mà các tổ chức bảo tồn thiên nhiên rất lo ngại hiện nay không chỉ vì nguy cơ tuyệt chủng của các loài quý hiếm mà đặc biệt hơn, khi dịch bệnh COVID-19 đang được nhiều tổ chức cho rằng có nguồn lây bệnh đầu tiên từ động vật hoang dã sang con người.
Tính đến 19h30 ngày 13.3, có 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm dịch, hơn 5.000 người tử vong vì dịch COVID-19. Theo Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh tương tự do chủng virus corona gây ra như SARS, MERS, SARS-CoV-2 đều có liên quan đến nhiều loài động vật hoang dã quen thuộc như dơi, cầy hương, rắn, tê tê...
“Bất luận đó là loài cụ thể nào, vẫn có thể khẳng định rằng hoạt động buôn bán động vật hoang dã là một nguyên nhân gây ra sự lây truyền dịch bệnh thông qua tiếp xúc gần giữa con người và động vật hoang dã”. Đây là nội dung Thư ngỏ của WWF cùng 13 tổ chức quốc tế và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, trình lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 18.2. Cùng với việc kiến nghị đóng cửa các chợ và các địa điểm có buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, các tổ chức này đề nghị Chính phủ xác định và thực thi lệnh cấm với các nhà hàng bán trái phép các sản phẩm thịt hoang dã.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, cho biết: “Để phản ứng nhanh đối với dịch COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam cần có những hành động tương tự để đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc ngăn chặn dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật trong tương lai”. Trước hàng loạt những kiến nghị “đóng cửa” thị trường buôn bán động vật hoang dã, ngày 20.2, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi các bộ, ngành và địa phương đề nghị tăng cường quản lý động vật hoang dã và kiểm soát việc nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ trái phép. Nhưng Việt Nam vẫn đang là điểm nóng của thế giới về nạn tận diệt động vật hoang dã.
Theo thống kê của Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), từ năm 2004-2019, trên 70% số các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã trên thế giới đều liên quan đến Việt Nam. Trong đó có ít nhất 105,72 tấn ngà voi (khoảng 15.779 cá thể); 1,69 tấn sừng tê giác (ước tính từ khoảng 610 cá thể tê giác); da, xương từ ít nhất 228 cá thể hổ; thân, vảy của 65.510 cá thể tê tê.
Báo đốm, linh miêu, cầy hương, hoẵng, rùa, khỉ gió, chim công và nhiều loài động vật quý hiếm khác vẫn được bày bán công khai tại chợ biên giới Việt - Trung. Đại diện WWF Việt Nam tiết lộ một thông tin do chính họ thực địa: “Ngày 17.2, chúng tôi đến khu chợ thực phẩm Tam Nông (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp). Khu chợ bày bán rất nhiều loài rắn, chim, cò, gà nước, cùng các loại rùa quý hiếm như rùa vàng, rùa ba gờ, rùa đá”. Còn ở tại các tỉnh Tây Nguyên, nạn săn bắt, buôn bán, vận chuyển thú rừng vẫn diễn ra thường xuyên. Thịt thú rừng ngang nhiên được bày bán tại các địa điểm ven đường và trong các nhà hàng, quán nhậu...
Theo Tổng cục Hải quan, mặc dù năm 2019 Việt Nam liên tiếp triệt phá nhiều vụ việc nổi cộm nhưng công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép động, thực vật hoang dã vẫn gặp nhiều khó khăn. Các tội phạm buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia đã dùng nhiều chiêu thức tinh vi như sừng tê giác giấu trong thạch cao được vận chuyển bằng máy bay; ngà voi, vảy tê tê cất giấu trong nhựa đường. Chúng còn thường xuyên thay đổi doanh nghiệp để nhập khẩu; địa điểm tập kết, kho bãi, không theo quy luật và không cố định.
“Hoạt động quản lý gây nuôi và buôn bán động vật hoang dã trên từng địa phương nên thuộc trách nhiệm quản lý của những nhà lãnh đạo địa phương. Nếu chúng ta có thể quy trách nhiệm cho các nhà lãnh đạo địa phương về các hành vi vi phạm động vật hoang dã nghiêm trọng thì đấy sẽ là điều cần thiết để ngăn chặn tình trạng này”, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, chia sẻ. Trong khi đó, lãnh đạo một số địa phương cho biết rất khó giải quyết nạn mua bán này, vì chúng không nằm trong danh mục cấm buôn bán.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh nhấn mạnh thêm: “Việt Nam cần có những hành động quyết liệt để đóng cửa các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, đồng thời cấm vĩnh viễn tiêu thụ động vật hoang dã, bao gồm cả cấm tiêu thụ thịt thú rừng và sử dụng các bộ phận của chúng làm thuốc”.
Nâng cao nhận thức hơn nữa cho người dân Việt Nam về những rủi ro của việc tiêu thụ động vật hoang dã đối với sức khỏe cộng đồng có thể sẽ là giải pháp được lưu tâm nhiều hơn lúc này, khi nỗi sợ virus gây chết người đang ngày càng gia tăng.