Ảnh: Ngọc Ngân
Biến nhựa thành dầu
Cuối năm 2018, BASF công bố một bước tiến mới trong việc tái chế nhựa khi biến những loại nhựa không thể phân loại hoặc chưa xử lý thành dầu. Việc đưa nhựa trở về dưới dạng nguyên liệu nguyên thủy không những mở ra triển vọng giải quyết triệt để vấn nạn ô nhiễm nhựa, mà còn giảm áp lực khai thác nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt.
Việc tái chế nhựa đã được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, một vấn đề của nguyên liệu tái chế từ nhựa là không ổn định về chất lượng và không chắc chắn về số lượng. “Nhiều khách hàng đã xem trọng sản phẩm bền vững nhưng chưa thể hoặc không muốn cam kết về chất lượng, chúng tôi giúp khách hàng đạt được cả hai mục tiêu”, Tiến sĩ Andreas Kicherer, chuyên gia phát triển bền vững tại BASF, nói về dự án hóa dầu. Sản phẩm đã được thử nghiệm an toàn cho nhiều ứng dụng, từ bao bì đóng gói phô mai mozarella đến các bộ phận cho tủ lạnh.
“Chúng tôi nhận thấy nhu cầu về sản phẩm tái chế đang tăng, nhờ nhận thức nâng cao về vấn đề bền vững cũng như các đòi hỏi ngày càng chặt chẽ về mặt quy định nhà nước”, Tiến sĩ Kicherer trao đổi với NCĐT. Vì còn trong giai đoạn thử nghiệm và chạy thử với những lô hàng đầu tiên cho khách hàng, nên những con số có ý nghĩa về tài chính với loại nhựa tái chế mới này vẫn còn là ẩn số. Bởi lẽ, cấu trúc chi phí để sản xuất nhựa tái chế rất khác so với sản xuất nhựa nguyên thủy, tại mức giá dầu hiện tại, nhựa tái chế thường cao hơn. Rác thải nhựa phân tán ở nhiều nơi làm phát sinh chi phi thu gom và vận chuyển. Việc phân tách các thành phần nhựa thành nguyên liệu sạch để tái sản xuất có thể thách thức về mặt kỹ thuật và đòi hỏi số vốn đầu tư đáng kể. Thêm vào đó, một tỉ lệ lớn nhựa trong chuỗi rác thải được thiết kế trong những sản phẩm phức tạp và tốn chi phí để tách ra.
Trên hết, chi phí cho việc chôn lấp hoặc đốt để thu hồi năng lượng, lựa chọn thay thế cho tái chế, tương đối thấp ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, mức phí trên mỗi tấn rác thải có thể không phản ánh hết chi phí xã hội của những lựa chọn thay thế này.
Báo cáo năm 2018 của OECD cho biết tỉ lệ tái chế hiện tại khoảng 14-18% trên toàn cầu. Phần rác thải nhựa còn lại hoặc là được đốt (24%), hoặc chôn lấp hay đi vào môi trường thiên nhiên. Tỉ lệ tái chế nhựa thấp hơn nhiều so với những vật liệu được sử dụng rộng rãi khác, khi hơn 50% kim loại công nghiệp chính như thép, nhôm, đồng được tái chế. Như vậy, trong 258 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, 46 triệu tấn sản phẩm nhựa tái chế đã được tạo ra, chiếm 12% tổng sản xuất nhựa trên toàn thế giới.
Tỉ lệ tái chế trung bình ở EU là 30%, ở các nước thu nhập cao khác là khoảng 10%. Tỉ lệ tái chế ở các nước thu nhập trung bình cho đến thu nhập thấp thường không rõ, nhưng có khả năng cao đáng kể nếu có một nền kinh tế phi chính thức được thiết lập tương đối hiệu quả như Việt Nam, nơi tỉ lệ tái chế có thể từ 20-40%.
Tỉ lệ không mấy lạc quan này đã đưa đến việc Ủy ban châu Âu (EC) đã thành lập Liên minh Nhựa Tuần hoàn (Circular Plastics Alliance) vào năm 2018 để đẩy mạnh thị trường nhựa tái chế ở châu Âu, với mục tiêu tăng cường sự phù hợp giữa cung và cầu nhựa tái chế để đóng góp cho mục tiêu đạt được ít nhất 10 triệu tấn nhựa tái chế thành các sản phẩm mới trên thị trường EU vào năm 2025.
Phó Chủ tịch thứ nhất Frans Timmermans, chịu trách nhiệm phát triển bền vững, cho biết: “Hợp tác chặt chẽ trong và giữa tất cả các liên kết trong chuỗi giá trị nhựa là điều cần thiết nếu chúng ta thật sự mong muốn đạt đến nền kinh tế tuần hoàn trong ngành nhựa, trong đó nhựa tái chế được sử dụng để tạo ra sản phẩm mới thay vì đi đến các bãi chôn lấp hay lò đốt.”
Tuy nhiên, sự gián đoạn gây ra bởi lệnh cấm nhập khẩu rác vào Trung Quốc (năm 2017) đã bộc lộ sự yếu kém về vận hành của thị trường tái chế nhựa nội địa và việc hợp tác giữa các bên tham gia thị trường. Những nhà cung cấp nhựa tái chế tiềm năng không đầu tư đủ vào công suất phân loại và tái chế, bởi tính kinh tế của hoạt động này rất hạn chế. Những người mua tiềm năng như doanh nghiệp sản xuất ít có động cơ để sử dụng nhựa tái chế làm nguyên liệu đầu vào vì tính không chắc chắn về sự sẵn có và chất lượng của chúng. Thị trường có thể cải thiện đáng kể nếu những vấn đề này được giải quyết.
Những nhà sản xuất nhựa tái chế hoạt động trong cùng thị trường với nhà sản xuất nhựa truyền thống và bị điều tiết bởi giá cả trong thị trường này. Tại thời điểm hiện tại, phần lớn việc sản xuất nhựa tái chế không cạnh tranh về kinh tế. Một số loại nhựa như PET và HDPE được tái chế rộng rãi, nhưng chúng gần như là ngoại lệ. Đây là một phần hậu quả cấu trúc chi phí của sản xuất tái chế, nhưng cũng cho thấy giá nhựa nguyên thủy biến động rất cao và có thể quá thấp để phản ánh chi phí ngoại tác (tiêu cực). Theo OECD, việc chưa nhìn nhận ngoại tác tiêu cực của nhựa cũng như việc chính phủ các nước ủng hộ đưa hợp chất hữu cơ vào sản xuất nhựa sinh học cùng đóng góp vào thực trạng giá nhựa nguyên thủy thấp.
Hiện tại, trong lúc các nhà lập pháp đang cân nhắc về lợi ích và các khách hàng đang săm soi chi phí, những nhà sản xuất như BASF cần nhiều cơ chế khuyến khích để phát triển ngành công nghiệp tái chế hóa học nhựa trên quy mô lớn.