Công nghệ biến gỗ rẻ tiền thành gỗ chất lượng cao này đang góp phần tăng giá trị cho ngành gỗ. Ảnh: TL.

 
Cẩm Tú Thứ Sáu | 21/05/2021 13:30

Biến gỗ biến tính thành vàng

Công nghệ biến gỗ rẻ tiền thành gỗ chất lượng cao góp phần tăng giá trị cho ngành gỗ.

Gần đây, nhiều công trình của Sun Group, sân bay Vân Đồn và một số resort cao cấp ở Việt Nam đã sử dụng nội ngoại thất làm từ gỗ biến tính Made in Vietnam. Công nghệ biến gỗ rẻ tiền thành gỗ chất lượng cao này đang góp phần tăng giá trị cho ngành gỗ.

Đột phá từ công nghệ 

Sau hàng chục năm nghiên cứu, Giám đốc Công nghệ Trần Hoài Nam của Tasa-Wood (Phú Thọ) cùng nhóm chuyên gia đã thành công với sản phẩm gỗ biến tính được sản xuất bằng công nghệ xử lý ngâm tẩm, ép hóa nhiệt hiện đại và được đăng ký sáng chế tại Mỹ vào tháng 3.2017. Thêm gần 3 năm thẩm định công nghệ và sản phẩm thực tế cùng các ứng dụng của sản phẩm, năm 2019, gỗ biến tính Tasa-Wood đã được cấp bằng độc quyền sáng chế đạt tiêu chuẩn AWPA của Mỹ, được phép sử dụng cho tất cả các công trình của Mỹ và 152 nước trên thế giới.

Được sự ủy quyền của nhà nghiên cứu Trần Hoài Nam, Công ty X Wood Việt Nam được sáng lập để độc quyền phân phối các sản phẩm được sản xuất dựa trên công nghệ luyện gỗ X Wood đã được Mỹ cấp bằng sáng chế. Đến thời điểm này, X Wood đã xây dựng và đưa vào vận hành 2 nhà máy với công suất trên 300 m3/tháng, 500.000 sản phẩm/năm. Công ty cũng vận hành một trung tâm nghiên cứu và thử nghiệm để cải tiến công nghệ và cho ra thêm nhiều sản phẩm khác.

Tại Việt Nam, trữ lượng gỗ rừng trồng như thông, điều và cao su rất lớn. Tuy nhiên, do thể tích cơ bản, tính chất cơ học, độ cứng của những loại gỗ này rất thấp nên khó sản xuất đồ gỗ. Một số nhà khoa học đã dùng các phương pháp cơ nhiệt, hóa cơ nhiệt, hóa học để biến tính chúng. Theo đó, gỗ cao su, gỗ điều được áp dụng phương pháp hóa cơ nhiệt để tăng độ bền; đối với gỗ thông thì áp dụng phương pháp cơ nhiệt; cũng có thể biến tính gỗ cao su và điều bằng phương pháp hóa học...

 

Nếu các sáng chế biến tính gỗ được ứng dụng hiệu quả, Việt Nam có thể tiết kiệm hàng tỉ USD nhập khẩu gỗ nguyên liệu hằng năm và tránh được nhiều rủi ro về xuất xứ. Năm 2020, Việt Nam nhập 563,07 triệu USD gỗ tròn, 842,06 triệu USD gỗ xẻ, gần 630 triệu USD gỗ dán và ván lạng, ván sợi.

Giải bài toán nguyên liệu của ngành công nghiệp gỗ 

Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, nguyên liệu gỗ trong nước đáp ứng được khoảng 75% nhu cầu. Tuy nhiên, trong 75% đó tỉ lệ nguyên liệu gỗ đạt chất lượng cao không nhiều, mà phần lớn là chất lượng gỗ còn thấp do khai thác sớm, gỗ còn non. Còn với gỗ nhập khẩu, tỉ lệ hàng có nguồn gốc xuất xứ đạt các tiêu chuẩn quốc tế là rất thấp.

Sau thời kỳ tập trung xuất khẩu, Công ty Gỗ Nội thất Pisico (Quy Nhơn) đang hướng đến chinh phục thị trường nội địa ở mảng gỗ biến tính với phân khúc thị trường cao cấp. Ông Nguyễn Văn Thu, Giám đốc Pisco, cho hay: “Nếu không vướng dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các chuyến bay thương mại thì đến thời điểm này, việc đàm phán với đối tác và nhập khẩu công nghệ xử lý gỗ biến tính của chúng tôi đã cơ bản hoàn thành”.

Theo ông Thu, cách đây 5 năm, việc nhập khẩu công nghệ này là không dễ bàn bạc bởi công nghệ chưa được phổ cập, thương mại hóa và phía EU giữ bản quyền nên chi phí đầu tư công nghệ vẫn còn rất cao. Trong khi đó, gỗ được sản xuất tại các nước có công nghệ này với dây chuyền hàng triệu m3 mỗi năm. Tuy nhiên, do không có hệ thống phân phối, nên họ ký độc quyền với nhiều đơn vị ở các khu vực trên thế giới. Phân phối qua hệ thống trung gian đã đẩy giá bán tăng lên gấp 3 lần.

 

Ông Thu cho hay, mới khoảng 2-3 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu loại gỗ này về gia công và bán ngược lại sang EU, hoặc cũng có vài khách hàng nước ngoài ở Việt Nam biết đến và đặt hàng. Pisico đang xây dựng kế hoạch nhập khẩu công nghệ, bước đi cụ thể để phát triển sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Theo đó, Pisico đã đàm phán với phía đối tác Phần Lan để nhập khẩu công nghệ này theo phương thức mua đứt. Cùng với nhập khẩu công nghệ, việc nghiên cứu giá thành, chủng loại cũng đã được Pisico xem xét kỹ lưỡng.

Chuyên nhập khẩu gỗ tần bì để làm đồ nội thất phục vụ thị trường nội địa, ông Nguyễn Duy Vinh, Giám đốc Công ty Hoàng Phát (TP.HCM), luôn thấy tiếc khi chỉ tận dụng được tối đa 70% thành phần của gỗ nhập. Đứng trước một cây gỗ tròn, cách làm lâu nay là xẻ 4 cạnh, những phần thừa bị coi như phế phẩm. Một cách khác là dùng mùn cưa và những phần gỗ rác đó ép thành gỗ miếng để bán ra thị trường. Tuy nhiên, những sản phẩm làm từ mùn cưa hay vỏ gỗ cũng chỉ được coi là gỗ phế liệu, giá bán không cao.

“Trong quá trình xẻ gỗ, chúng tôi phải loại bỏ khá nhiều phần của cây gỗ. Tôi quyết định thử nghiệm bóc gỗ từ cây gỗ tròn với độ dày khoảng 2 ly, sau đó đưa vào ép lại theo cách thủ công, dùng keo kết dính các lớp gỗ bóc lại với nhau thì tạo ra các tấm gỗ lớn có chất lượng rất tốt, với kích thước mong muốn, được sử dụng đa dạng để làm mặt bàn, ghế...”, Giám đốc Công ty Hoàng Phát cho biết.

Ảnh: toquoc.vn.
Tại Việt Nam, gỗ biến tính nếu được sản xuất rộng rãi với chất lượng đảm bảo sẽ góp phần hạn chế nạn phá rừng bừa bãi. Ảnh: toquoc.vn.

Sáng kiến này không chỉ giúp Hoàng Phát tận dụng hết phần gỗ thừa, mà còn tạo ra một loại nguyên liệu gỗ hoàn toàn mới, chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường gỗ Việt Nam. Cách làm mới này sẽ được tận dụng tới 90% thành phần của gỗ. Như vậy, giá thành sẽ cạnh tranh hơn nhiều vì không chỉ giảm 30% chi phí sản xuất, mà còn nâng giá trị sản phẩm lên thêm 30% nữa.

Tại một số hội thảo về kiến trúc, nhiều ý kiến cho rằng nếu sắt thép lên ngôi ở thế kỷ XIX, bê tông cốt thép lên ngôi vào thế kỷ XX, thì vật liệu của thế kỷ XXI là gỗ. Hiện nay, tại Phần Lan, đất nước phát triển mạnh về công nghệ chế biến gỗ, nhiều tòa nhà 20 tầng ngoài hệ thống móng được xử lý bằng bê tông thì toàn bộ phần còn lại được xây dựng bằng gỗ biến tính, ưu thế là lắp ráp rất nhanh, cách nhiệt tốt.

Tại Việt Nam, gỗ biến tính nếu được sản xuất rộng rãi với chất lượng đảm bảo sẽ góp phần hạn chế nạn phá rừng bừa bãi. Bên cạnh đó, việc sử dụng gỗ hiệu quả cũng giúp Việt Nam củng cố vị trí trung tâm chế biến gỗ của châu Á, mở rộng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam.