Bí ẩn trầm kỳ
Một bộ nhang (hương) để dâng Phật mang tên “Kính Hương” với giá 145 triệu đồng đã được Công ty Baieido phân phối tại Việt Nam từ cuối năm 2015. Baieido là một trong những thương hiệu lớn nhất của Nhật về nhang, có lịch sử hơn 350 năm. Ðáng chú ý, yếu tố tạo nên sự đắt đỏ cho sản phẩm của hãng này là bởi họ sử dụng nguyên liệu là các loại trầm hương của nhiều nước. Trong đó, nguyên liệu trầm kỳ (kỳ nam) đến từ Việt Nam góp một phần quan trọng.
Quý hiếm kỳ nam
Theo nhà thực vật học Võ Văn Chi, kỳ nam là bậc cao nhất của trầm. Dù cũng hình thành từ lõi của cây dó bầu, nhưng kỳ nam lại có giá đắt hơn trầm thông thường từ 10-20 lần và chỉ có duy nhất ở Việt Nam. Để phân biệt trầm hương và kỳ nam, người ta dựa vào mùi thơm và dạng kết tinh của dầu, sự hóa nhựa nhiều hay ít.
Kỳ nam được tạo thành từ sự biến đổi hoàn toàn các phân tử gỗ. Do đó kỳ nam thường có màu nâu đậm hoặc đen, gỗ mềm gần giống như sáp ong và khó nhận thấy thớ gỗ, dễ chìm trong nước, có mùi thơm rất thanh tao. Kỳ nam có đủ vị chua, cay, ngọt, đắng, khi đốt có khói lên thẳng và cao, lơ lửng lâu trong không khí. Còn trầm có ít vị hơn và khói dễ tan, thường kết xoáy.
Kỳ nam được chia làm 4 loại. Gồm kỳ bạch rất hiếm và quý, màu xám nhạt, tinh dầu tích tụ đều khắp thớ gỗ tạo thành khối màu xám, bóng mờ như dầu; kỳ thanh có màu đen nhánh ánh xanh lục, mùi thơm rất dễ nhận biết; kỳ huỳnh có màu vàng sẫm; và kỳ hắc có màu đen bóng như hắc ín, mềm và dẻo hơn 3 loại trên. Kỳ nam quý đến mức một kỳ phu ở Quảng Nam cho biết, các nhà buôn Nhật, Hồng Kông từ lâu đã cho người đến bao tiêu trước khi các kỳ phu tìm được. Và mức giá kỳ nam cũng cao nhất trong các loại trầm.
Trong khi đó, giá trầm hương loại 1 trên thế giới là từ 50.000-200.000 USD/kg, giá tinh dầu trầm khoảng 9.000 USD/lít. Từ năm 1991 trở về trước, mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu trầm hương đạt kim ngạch tương đương 10-15 triệu USD. Theo Tạp chí Ogura (Nhật), năm 1987, lượng trầm nước này nhập khẩu từ Việt Nam là 16 tấn, chiếm 50% tổng số lượng trầm nhập khẩu.
Trầm kỳ có giá trị cao còn nhờ vào khả năng tác động đến sức khỏe con người. Năm 2011, Văn phòng bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) đã công bố một phát minh mới của 4 nhà khoa học tại Đại học Y Đài Bắc với nội dung: “Dùng chất chiết của vỏ cây dó trầm để trị ung thư”. Trước đó, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu cũng tìm được chất Cucurbitacins trong cây họ trầm (Thymelaeaceae) và chỉ ra phương pháp dùng chất chiết trong vỏ cây dó trầm để phòng ngừa và tiêu diệt tế bào ung thư.
Còn các nhà khoa học thuộc Đại học Rutgers (Mỹ) đã sử dụng nhựa của loại cây trầm hương Commiphora myrha để thử nghiệm trên loại tế bào ung thư vú MCF-7, vốn có tính kháng các thuốc đặc trị. Kết quả là toàn bộ tế bào ung thư đã bị tiêu diệt. Ngoài ra, chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh cũng được các giáo sư tại Ðại học Toyama (Nhật) phát hiện có trong kỳ nam của Việt Nam, sau khi thực nghiệm vào tháng 11.2005.
Không chỉ đốt để ngửi hương, rất nhiều người thậm chí còn tin rằng việc mang kỳ nam bên mình sẽ mang lại nhiều may mắn cho bản thân.
Thưởng thức kiểu Nhật
Trên thế giới, các khu vực như Trung Đông, Nhật, Trung Quốc hay Đông Nam Á có văn hóa dùng trầm từ rất lâu. Ðặc biệt, Nhật đã xây dựng cả một nền văn hóa nghệ thuật đỉnh cao mang tên Hương đạo (Kodo), được hiểu là nghệ thuật thưởng thức xông trầm kỳ, tức là phương thức “ngửi trầm” của người Nhật.
Từ 1.500 năm trước, nghi thức cúng dường trầm hương để phục vụ nghi lễ lau sạch các tượng Phật, hoặc khi các sư tăng tụng kinh rất được người Nhật yêu chuộng. Tầng lớp quý tộc ở Kyoto (năm 794-1185) thích đốt trầm trong nhà cho mùi thơm lan tỏa như một cách để đón lộc và may mắn. Hình thức này về sau đã lan rộng đến nhiều tầng lớp khác và ngày nay đã được phổ biến ra thế giới, đặc biệt là khu vực Trung Đông.
Đối với Hương đạo, yếu tố quan trọng hàng đầu là lựa chọn nguyên liệu để sử dụng. Trong đó “Ngũ vị lục quốc” được xem là sự chọn lựa kinh điển và chuẩn mực, gồm đủ 5 vị ngọt, chua, cay, mặn, đắng. Mặt khác, “Ngũ vị lục quốc” cũng đại diện cho những loại trầm đặc sắc nhất đến từ 6 quốc gia có thế mạnh về trầm, bao gồm Việt Nam với kỳ nam được xem là quý hiếm nhất và cao giá nhất. Trong không gian được sắp đặt, mỗi vị là một mẩu trầm nhỏ sẽ được đốt lên. Sau đó, những người thưởng thức Hương đạo sẽ tự đoán tên của loại trầm để thể hiện sự tinh tế và hiểu biết sâu sắc của mình.
Bà Đỗ Thụy Thanh Trang, Giám đốc Công ty Hành trình May mắn, đối tác độc quyền của Baieido tại Việt Nam, lý giải về sự lan tỏa của văn hóa Kodo ra thế giới: “Thưởng thức trầm đối với người Nhật vừa để thư thái đầu óc, giúp cơ thể thoải mái, vừa là một sự thể hiện vị thế xã hội, cũng như một biện pháp để tăng thêm sự may mắn trong cuộc sống, bao hàm yếu tố tâm linh”.
Cũng theo bà Trang, riêng ở Việt Nam, tầng lớp trung lưu và văn hóa thiền, yoga đang ngày càng phát triển, nên đây là cơ hội du nhập rất lớn cho các sản phẩm thuộc văn hóa Hương đạo. Ví dụ, một bộ “Ngũ vị lục quốc” nhập về Việt Nam hiện được giá khoảng 12,5 triệu đồng, chưa tính các phụ kiện để thực hiện nghi thức.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Đinh Xuân Bá, một người nghiên cứu trầm hương và kỳ nam, loại sản vật này không có giá trị quá “khủng” và tác dụng như một số báo chí đã đăng tải. Hiện tại, ông Bá cũng chỉ thấy kỳ nam được tiêu thụ ở thị trường Đài Loan và Nhật.
Gia Hân