Thứ Ba | 23/04/2013 11:02

Bespoke: Những bộ cánh may đo biết nói

Các bộ bespoke quyền lực và tiền bạc thường được các giáo sư Mỹ và giới tài chính ưa chuộng. Bạn cũng có thể đến Sài Gòn để có một bộ bespoke.
“His face bespoke his soul” - “Gương mặt phản ánh tâm hồn anh”. (Voltaire)

Có thể nói bespoke, hay tailor made, hay hàng may đo, là những trang phục sống động và đẹp nhất, vì chúng “biết nói” lên vẻ đẹp rất riêng và không hoàn toàn cân đối của người đàn ông. Những bộ đồ ấy đẹp một phần vì những đường may tay luôn luôn không hoàn hảo, không cứng nhắc, rất mềm mại, và rất “người”.

Trong các trường luật, giống như hầu hết các trường graduate schools (bậc trên đại học) ở Mỹ, các giáo sư trông đặc biệt nghiêm túc. Họ có thể có nhiều phong cách khác nhau, nhưng trên giảng đường, tất cả đều mặc suits (hay complet-veston theo tiếng Pháp), và tất cả đều được gọi bằng họ chứ không phải tên.

Một thợ may bespoke đang làm việc ở phố Savile Row.
Một thợ may bespoke đang làm việc ở phố Savile Row.

Riêng giáo sư Shafiroff, ông giáo sư già gốc Do thái dạy môn Luật Bất động sản ở Los Angeles còn tỏ ra đỏm dáng hơn hẳn các giáo sư trẻ điển trai khác. Nhưng chỉ sau khi đã học ông được vài tháng, tôi mới tìm ra được câu trả lời. Một anh bạn cùng lớp có biệt danh “Biết tuốt” đã giải thích rằng tất cả các bộ veston ông mặc đều được đặt may riêng từ một con phố nổi tiếng ở London, một con phố không những chỉ nổi tiếng ở nước Anh mà còn trên toàn thế giới vì những cửa hàng may đo veston đắt giá, Savile Row.

Những bộ veston đó thoạt trông rất đơn giản, nhưng nhìn kỹ thì có vẻ sắc sảo và độc, khiến vóc dáng nhỏ bé của giáo sư Shafiroff trở nên lịch lãm. Và chúng có một cái tên riêng – bespoke, “hàng làm theo chỉ dẫn của khách”, hay hàng thửa, hàng đặt làm riêng.

Thuật ngữ này về sau được dùng theo nghĩa rộng, cho những mặt hàng thời trang của đàn ông và cả đàn bà - từ du thuyền, máy bay, xe hơi, máy tính, điện thoại, đồng hồ đến túi xách hay kính mát. Song bespoke theo nghĩa hẹp, như xuất xứ của nó, dành riêng chỉ những bộ veston và áo chemise được đo, cắt, dựng theo vóc dáng riêng của từng khách hàng, bằng tay của những người thợ lành nghề, và sau đó được may cũng hoàn toàn bằng tay.

Chúng hơn hẳn các loại hàng đặt may khác do hai tiêu chuẩn “dựng riêng”, và “bằng tay” này.

Bespoke, và một cái tên thông dụng hơn, tailor made (hàng may đo) khác với made to order (hàng đặt may) hay hàng được may theo số đo riêng trên những mẫu cắt và dựng có sẵn.

Made to order có các công đoạn rập khuôn và có các chi tiết làm bằng máy, nhiều bộ có cùng loại vải, còn bespoke, ngoài chuyện chỉ được làm bằng tay, còn bằng những súc vải quí gần như “có một không hai”. Không hiểu là các súc vải có khác nhau hoàn toàn thật không, nhưng quả là các bộ bespoke không giống nhau chút nào, dù là may cho hai anh em sinh đôi.

Gần đây, những quy định “hoàn toàn bằng tay” cũng được du di, và những thành phẩm có can thiệp ít nhiều của máy móc vẫn có thể coi là hàng may đo. Nhưng những bộ bespoke theo những quy tắc nghiêm ngặt, mà các thợ may lành nghề nhất thế giới cho rằng nghiêm ngặt hơn quy tắc dành cho các bộ Haute Couture (hàng may đo cao cấp của phụ nữ) rất nhiều, vẫn là niềm mơ ước của không ít đấng mày râu.

Ngoài những giáo sư cao học nói trên, và dĩ nhiên cả giới showbiz, những người ưa chuộng các bộ veston độc thường là những chuyên gia tài chính - ngân hàng hay luật sư.

Nói như Alan Flusser, một thợ may ở New York, người đã may bộ veston sáng lóe quyền lực mà Michael Douglas mặc trong phim Wall Street: “Nếu anh muốn mình trông giống như một sếp lớn, một người làm ra nhiều tiền, thì mặc nhiên anh sẽ nghĩ đến việc thửa một bộ cánh may đo”.

Song những bộ cánh thể hiện quyền lực và tiền bạc ấy lại có một vẻ đẹp yên lặng, không phô trương. Có thể nói rằng, mặc các bộ veston may đo trước hết để thể hiện phong cách, sự sang trọng, và tư chất của mỗi cá nhân. Dù đắt hơn đồ may sẵn rất nhiều vì được may rất công phu, chúng có nhiều nét không liên quan đến thời trang. Theo trào lưu chúng có thể có ve áo lớn hay nhỏ, một hàng hay hai hàng cúc; một hay hai hay ba cúc áo, nhưng chúng có những chuẩn mực chặt chẽ và không đổi theo thời gian.

Các chuẩn mực bắt đầu từ khuôn cổ và vai vừa vặn, không dư thừa, tay áo vừa chấm xương cổ tay, để dư một chút măng sét áo chemise, dài áo vừa quá xương hông hơn 1 inch, dáng quần phải thẳng từ lưng tới gấu, phủ trùng một chút qua mắt cá mà không gẫy gập.

Vải lót hầu như bằng tơ lụa nguyên chất, các đường viền và chỉ may đều hảo hạng. Các chuẩn mực này được các thợ may giỏi khéo léo sử dụng cho từng vóc dáng. Không ai có khung người hoàn toàn cân đối và chuẩn như tượng, vì thế một bộ may đo vừa vặn bao giờ cũng đẹp hơn đồ may sẵn.

Không chỉ các thợ may phải tốn công, mà khách hàng cũng phải tốn công không kém. Những người giàu và nổi tiếng có thể dễ dàng bỏ ra từ 10 tới 25 ngàn đô la để thửa một bộ từ các cửa tiệm ở London, Paris hay New York. Các ông khôn ngoan hơn sẽ tới một tiệm ở Hong Kong để may một bộ y chang bộ 25 ngàn đô la ở Đức với giá 2 ngàn! Và khôn ngoan hơn nữa, có thể đến ... Sài Gòn!

Nguồn Lã Hoa


Sự kiện