Bệnh ung thư: Vì sao chưa có thuốc giải?
Dù thế giới đã bỏ ra hàng trăm tỷ USD trong vòng 4 thập kỷ qua để chống lại bệnh ung thư, nhưng căn bệnh này vẫn chưa có thuốc giải. Chỉ ở riêng nước Mỹ, có tới 1,7 triệu người đã được chẩn đoán là mắc bệnh ung thư, và khoảng 600.000 người qua đời vì căn bệnh này mỗi năm. Vì sao chúng ta chưa tìm được cách chữa bệnh ung thư?
Trở ngại lớn nhất trong việc tìm cách chữa bệnh ung thư là ở chỗ ngành y học chưa nắm được các cơ chế phân tử của căn bệnh này. Phương pháp điều trị ung thư đầu tiên được sử dụng là hóa trị (chemotherapy), sau khi người ta nhận thấy rằng những nạn nhân của khí độc mù tạt nitơ trong thời Thế chiến 2 bị giảm đáng kể lượng bạch cầu trong máu. Từ đó, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu xem liệu các hóa chất tương tự có thể được dùng để chặn đứng sự sinh sản của các tế bào ung thư hay không. Từ đó, một số loại thuốc mới đã được tìm ra để tạm hoãn sự tăng trưởng của các khối u. Tuy nhiên, các nghiên cứu này không chỉ ra được nguyên nhân gây ung thư, hay tại sao cách điều trị này thường chỉ có tác dụng tạm thời.
Ngày nay, nhờ ngành y đã hiểu hơn về các tế bào và gene, ngày càng có nhiều hơn các phương pháp điều trị tập trung có thể nhận ra những đặc tính của các tế bào ung thư. Cùng với hóa trị, giải phẫu và xạ trị (radiotherapy), những phương pháp điều trị này đã góp phần cải thiện dần dần tỷ lệ bệnh nhân sống sót. Các loại ung thư ở trẻ em và ung thư vú ở phụ nữ đã trở nên dễ điều trị hơn trước rất nhiều.
Tuy nhiên, giới y khoa rất nhiều việc phải làm. Một số các loại thuốc mới có nhiều hứa hẹn nhất là thành quả của những nghiên cứu sâu rộng về cách mà các tế bào ung thư biến dị và thoát khỏi cơ chế đào thải của cơ thể con người. Ngày nay, nhiều chuyên gia cho rằng ung thư là một cơ chế phân tử sinh ra từ sự đột biến của một số gene nhất định, thay vì là bệnh phát sinh từ một số bộ phận trong cơ thể. Hệ quả của sự thay đổi tư duy này là cách điều trị cho một loại ung thư này, chẳng hạn như ung thư hậu môn – trực tràng, có thể được áp dụng lại cho một loại ung thư hoàn toàn khác, ví dụ như ung thư vú.
Một hướng điều trị mới cũng đang mang lại rất nhiều hứa hẹn, đó là miễn dịch liệu pháp (immunotherapy): dùng chính hệ miễn dịch của cơ thể để chống ung thư. Trong các đợt thử nghiệm hiện tại, phương pháp này đã mang lại sự thoái lui của những căn bệnh ung thư khó chữa nhất trong 1/3 số bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu đang tích cực tìm kiếm cách dự đoán xem loại khối u nào sẽ phản ứng với từng cách điều trị khác nhau. Mặc dù chúng ta vẫn chưa tìm được cách điều trị nhiều loại ung thư hiện hành, nhưng trong vòng 5-10 năm tới thì việc ra mắt các loại thuốc được cá nhân hóa (personalized medicine) có thể cải thiện đáng kể cơ hội sống sót của các bệnh nhân ung thư.
Tuấn Minh
Nguồn The Economist