Bay nhiều, khổ lắm!
Nhiều người cứ cố giải thích cho bạn bè và đồng nghiệp rằng đi công tác chẳng có gì thú vị và hoành tráng như vẻ ngoài của nó. Nhưng hầu như không có bằng chứng nào thuyết phục họ tin vào điều đó. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ở Đại học Surrey tại Anh và Đại học Linnaeus ở Thụy Điển đã đưa ra một nghiên cứu cho thấy “phía khuất của việc đi lại quá nhiều”.
Người đi công tác thường xuyên bị ghen tị vì những trải nghiệm mà họ có được trong các chuyến đi cũng như hình ảnh về các món ăn lạ hay các thắng cảnh đẹp mà họ đăng trên mạng xã hội. Nhưng các nhà nghiên cứu khuyến cáo “bên cạnh khía cạnh hào nhoáng này, cũng có không ít điều đáng ngại liên quan đến mặt tối của nó”.
Nghiên cứu chỉ ra có 3 hệ quả về mặt sinh lý, tâm lý và cảm xúc, và xã hội. Những hậu quả về sinh lý là thấy rõ nhất. Sự mệt mỏi sau mỗi chuyến bay là điều những ai hay đi lại hiểu rõ nhất, mặc dù họ có thể không lường được những rủi ro rình rập. Rủi ro này dù ít gặp nhưng lại khá nguy hiểm, như đẩy nhanh tình trạng lão hóa hoặc gia tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ.
Đó còn là nguy cơ mắc phải chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, dễ tiếp xúc với mầm bệnh và phóng xạ. Những người bay hơn 85.000 dặm mỗi năm (chẳng hạn, từ New York sang Seattle và bay trở lại cứ 3 tuần một lần hoặc từ New York bay sang Tokyo và bay trở lại 7 lần) đã vượt mức giới hạn cho phép về nguy cơ tiếp xúc với phóng xạ. Ngoài ra, những người đi công tác có xu hướng ít tập thể dục hơn và ăn ít đồ ăn có sức khỏe hơn là những người chẳng đi đâu cả.
Những ảnh hưởng về tâm lý và cảm xúc của việc đi công tác thì khó thấy rõ, nhưng chúng luôn hiện hữu. Những người hay đi máy bay có cảm giác “mất phương hướng đi lại” do thay đổi chỗ ở và múi giờ quá thường xuyên. Họ cũng bị căng thẳng nhiều hơn, do “thời gian bỏ ra trong suốt chuyến bay hiếm khi nào được bù đắp bằng việc giảm khối lượng công việc nơi công sở.
Đó còn là nỗi lo lắng công việc dồn ứ trong thời gian đi công tác”. Do vắng mặt thường xuyên ở nhà và ít gặp bạn bè, “việc đi lại liên tục thường tạo cảm giác bị cách ly và cô đơn”, theo các tác giả của bài nghiên cứu. Tất cả những tác động nói trên có thể mang tính lâu dài. Một nghiên cứu đối với 10.000 nhân viên World Bank cho thấy những người đi công tác 3 lần có xu hướng phải điều trị các bệnh về tâm lý.
Đi công tác thường xuyên có nguy cơ bị đột quỵ, đau tim và nhiều vấn đề khác. Ảnh: cnn.com |
Cuối cùng là những tác động về mặt xã hội. Hôn nhân dễ rạn nứt do thời gian chia xa quá nhiều cũng như ảnh hưởng đến hành vi con trẻ do thiếu vắng cha hoặc mẹ ở nhà. Hơn nữa, các mối quan hệ cũng có xu hướng không bình đẳng khi người chồng/vợ ở nhà bị buộc phải lo công việc nhà nhiều hơn.
Đáng chú ý, hầu hết người đi công tác là đàn ông. Một cuộc khảo sát năm 2011 về những người đi công tác châu Á do tập đoàn khách sạn Accor thực hiện cho thấy 74% đều là nam giới. Nghiên cứu về người đi công tác Mỹ vào năm 2012 cho thấy tỉ lệ này là 77%. Mối quan hệ bạn bè cũng trở nên xa lạ vì người đi công tác thường phải “hy sinh các hoạt động nhóm họp bạn bè, thay vào đó ưu tiên về với gia đình sau mỗi chuyến công tác”.
Dĩ nhiên, người đi công tác thường xuyên cũng hưởng nhiều “đặc quyền” như thu nhập cao hơn và được tiếp cận chế độ y tế tốt hơn so với phần đông người dân. Hơn nữa, số người đi công tác tính trên phần trăm dân số không nhiều. Tại Thụy Điển, 3% dân số chiếm tới 25% lượng đi lại quốc tế. Tại Pháp, 5% dân số chiếm tới phân nửa lượng đi lại. Vì thế, có lẽ đây là vấn đề của 1% hay 3%, 5% dân số mà thôi. Nhưng rủi ro là có thực. Nói cách khác, đừng ghen tị họ mà hãy lo lắng cho họ.
Khánh Đoan
Nguồn The Economist