Bao giờ golf Việt bằng golf Thái?
Trước nay, bóng đá Việt Nam vẫn hay lấy Thái Lan làm đích ngắm để phấn đấu. Nhưng không chỉ có bóng đá, người Thái đi trước chúng ta ở rất nhiều môn thể thao, thậm chí là rất xa, chẳng hạn như golf. Việc Ariya Jutanugarn trở thành tay vợt Thái đầu tiên giành chiến thắng ở một giải lớn, với chức vô địch British Open nội dung dành cho nữ vừa qua, là ví dụ điển hình. Chức vô địch đó đương nhiên đưa Ariya trở thành ứng cử viên lớn cho chiếc huy chương vàng môn golf ở Olympic Rio 2016 (môn này khởi tranh từ ngày 17.8). Nếu thành hiện thực thì đây cũng không phải là bất ngờ quá lớn.
Trước khi bước vào British Open, tay golf 20 tuổi người Thái đã vô địch liền 3 giải thuộc hệ thống LPGA hồi tháng 5. Tại giải đấu lớn nhất của làng golf thế giới tổ chức tại Scotland vừa qua, cô tiếp tục chứng tỏ đẳng cấp với cú birdie ở khoảng cách 20 foot (6,9 m) ở lỗ thứ 17 để vượt qua đối thủ Hàn Quốc Lee Mirim và nhà vô địch năm 2014 người Mỹ Mo Martin, qua đó ẵm giải thưởng trị giá 450.000 USD.
“Đây là cột mốc lớn đối với tôi cũng như môn golf ở Thái Lan”, Ariya cho biết trong khi báo chí Thái Lan lục tung mọi thứ về cô, tôn vinh tay golf này như một người hùng dân tộc. Ariya lần đầu tiên dự giải LPGA khi mới 11 tuổi, từng đại diện Thái Lan dự Asian Games tại Quảng Châu năm 2011, khi mới 15 tuổi. Tài năng của cô đã được thừa nhận từ lâu, góp phần giúp golf Thái Lan vẻ vang.
Ariya Jutanugarn ăn mừng chức vô địch British Open. Ảnh: Reuters |
Không chỉ đứng đầu Đông Nam Á, golf Thái còn đang vươn lên tầm thế giới. Họ có 4 tay golf được dự Olympic Rio, gồm Thongchai Jaidee (hạng 38) và Koradech Aphibarnrat (53) ở giải nam, Ariya Jutanagarn (7) và Pornanong Phatlum (34) ở giải nữ. Trong số này, Thongchai từng dự tất cả các giải lớn, đã 8 lần vô địch giải đấu thuộc hệ thống European Tour.
Thái Lan hiện có đến 28 tay golf chuyên nghiệp (có chứng chỉ chính thức của PGA hoặc LPGA), gồm 20 nam và 8 nữ, trong đó Ariya Jutanugarn là tay golf Thái đầu tiên (tính cả nam lẫn nữ) vô địch một giải đấu lớn (British Open 2016). Trong khi đó, Việt Nam chỉ có 4 tay golf chuyên nghiệp là Trần Lê Duy Nhất, Phạm Minh Đức, Nguyễn Thái Dương và Tăng Thị Nhung. |
Từ giấc mơ lớn của người Thái, quay về “giấc mơ con” của người Việt, hẳn chúng ta sẽ vỡ ra được nhiều điều. Khi được đề nghị so sánh golf Việt với golf Thái, một chuyên gia hàng đầu của làng golf Việt lắc đầu: “Như kiến so với voi”. Theo chuyên gia này, cho dù rất nhiều học viện golf danh tiếng mới được mở ở Việt Nam, cộng với việc có nhiều giải đấu cho mọi lứa tuổi được tổ chức, nhưng khoảng cách từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp là rất xa xôi.
Bên cạnh đó, khác biệt còn nằm ở chiến lược phát triển, cũng như cái tầm và tâm của các mạnh thường quân. Người Thái có tầm nhìn phát triển rất căn cơ, xuất phát trước hết từ niềm tự tôn dân tộc. Các đại gia Thái sẵn lòng tài trợ, nuôi dưỡng tài năng từ khi còn nhỏ thông qua các cuộc tuyển mộ quy mô và dài hơi.
Trong khi đó, các đại gia Việt hầu hết chỉ nhằm vào các tay golf đã có chỗ đứng, tài trợ cho các vận động viên này, cũng như tổ chức giải đấu để lấy tiếng là chính, thay vì coi đấy là một chiến lược dài hơi.
Một số giải golf được quảng bá ầm ĩ với số tiền thưởng khá lớn, mời các tay golf nổi tiếng thế giới đến góp vui, nhưng mục đích chính chỉ là khuếch trương tên tuổi doanh nghiệp, chứ không đóng góp gì nhiều cho sự phát triển golf ở Việt Nam. Những giải junior cũng chỉ tạo thêm sân chơi cho các tay golf, chưa trở thành bệ phóng phát triển. Với tầm nhìn như thế, đừng mơ đuổi kịp Thái Lan, nhất là khi họ đã vươn tầm thế giới.
Hoài Sa