Thứ Sáu | 17/05/2013 16:45

Áo Hawaii và mẹo chọn áo đi biển

Bạn chỉ tìm thấy những chiếc áo Hawaii in hình hoa cỏ, chim chóc nhiệt đới hoặc họa tiết bản lớn tại Hawaii. Nơi đây người ta gọi chúng là áo Aloha.
Những chiếc áo sơ mi ngắn tay mặc đi du lịch biển có in hình các rặng dừa đen xanh, hoa cỏ, chim chóc nhiệt đới hoặc bãi biển xanh sóng vỗ là vài trong số những đặc điểm để nhận dạng áo Aloha, người Việt thường gọi là "Áo Hawaii".

Hồi những năm 1990 trở về trước, người ta dễ bắt gặp những bóng áo Aloha với quần sooc, dép xỏ ngón hoặc giày thể thao đi kèm tất trắng trong khi đi nghỉ mát, du lịch hay đơn thuần đi chơi cuối tuần quanh nội đô trong mùa hè. Hình ảnh những chiếc áo Hawaii tại Việt Nam hiện nay đã hiếm hơn rất nhiều so với hồi những năm cũ. Người ta ít thấy các hàng quán sida (bán đồ second-hand – đồ đã qua tay một lần chủ) để mua loại áo này. Và nếu có ai nhỡ có hứng muốn mua một chiếc Aloha cho mùa hè năm nay, thì việc tìm ra một cửa hàng hoặc một nơi nào đó bán loại áo này quả là kì công.

Tại Hà Nội, người ta thường chỉ nhau ra phố Khâm Thiên mua áo Aloha, hoặc mua vải ở Chợ Hôm rồi mang về đi may áo. Việc tìm mua được áo Aloha ở đây chỉ là ăn may, bởi chuyện mặc áo Aloha là mốt của cả chục năm trước, và nếu giả sử còn mốt đi chăng nữa, khách Việt chỉ thường bắt gặp các mô-tuýp áo Aloha in hình rặng dừa nhàm chán và áo may bằng vải lanh kém chất lượng.

Để mua được một chiếc áo Aloha đích thực, bạn phải đến Hawaii. Điều này cũng tương tự như việc muốn mua một chiếc kính tốt, bạn phải tìm đến cửa hàng chuyên làm kính lâu đời chứ không phải cửa hàng trang sức. Áo Aloha là biểu tượng riêng của Hawaii, biểu trưng cho tinh thần tự do - Đã có những bộ sưu tập áo Aloha hàng nghìn đô, khi đó người ta coi chúng như những tác phẩm nghệ thuật trên vải canvas.

Một mẫu áo Aloha điển hình.

Không có tài liệu nào chỉ ra đích xác người làm ra áo Aloha đầu tiên là ai, nhưng những mẫu áo Aloha đẹp nhất lại có gốc gác từ Haiwaii.

Những chiếc áo Aloha đầu tiên làm bằng vải kapa, một loại vải được giã và nhuộm từ vỏ cây dâu tằm. Sau đấy, phần lớn vải may áo Aloha tại tiểu bang Hawaii, Mỹ, phải nhập từ Nhật, chất liệu chính là lụa và vải cotton.

Chuyện kinh doanh áo aloha bắt đầu từ giữa những năm 1930. Một doanh nhân có tên Ellery J.Chung, từng kinh doanh ngành may mặc qua nhiều năm, là người đầu tiên đưa ra ý tưởng bán một loại áo đặc biệt, lấy tên là "áo Aloha". Nhóm khách hàng đầu tiên của ngành công nghiệp áo "Aloha" nhắm vào là khách du lịch, họ thường mua áo về làm quà lưu niệm. Khâu thiết kế áo được thực hiện tại Hawaii rồi sau đó mang đi in lên vải tại California. Các kiện vải sau đó được gửi về Hawaii để khâu may những chiếc Aloha thành phẩm, và từ đây những chiếc Aloha được phân phối đi trên toàn thị trường nước Mỹ.

Sau Thế Chiến II, Hawaii bắt đầu chứng kiến sự "mất giá" dần của áo Aloha trong ngành công nghiệp may mặc ở nước này. Bấy giờ, phòng thương mại Honolulu đầu tư khoảng 1.000 đôla để nghiên cứu, thiết kế những chiếc áo Aloha hòng lấy lòng các doanh nhân hoặc những người làm kinh doanh tại Hawaii. Tuy vậy, chính quyền lại thông qua một luật cho phép công chức được mặc áo thể thao trong suốt tháng 6 đến tháng 10, ngoại trừ áo Aloha, vì trông chúng không lịch sự khi in quá nhiều họa tiết lớn.

Năm 1955, một ông chủ người Nhật nhận xét áo Aloha là "phá hủy và hạn chế tinh thần người mặc". Tạp chí Honolulu năm 1967 còn trích dẫn một bình luận "Sự thật là, không người đàn ông trên 30 tuổi nào lại trông quyến rũ khi mặc áo Aloha".

Cửa hàng bán áo Aloha tại Hawaii.

Những năm sau đó, tuần lễ Aloha (Aloha Week) xuất hiện, trở thành một ngoại lệ khuyến khích người ta mặc áo Aloha nhiều hơn. Thời vàng son của áo Aloha là vào những năm 1950. Lúc này tơ nhân tạo, các hình họa tiết liên quan đến văn hóa và đồ thủ công Hawaii trở thành điểm cộng cho những chiếc Aloha. Có những chiếc Aloha đạt đến đỉnh cao nghệ thuật khi các nhà sưu tập sẵn sàng chi tiền để bổ sung những chiếc aloha mới vào bộ sưu tập Aloha của họ.

Thời điểm đó, nếu ai đó có một chiếc Aloha Alfred Shaden, đồng nghĩa với người đó cả cả một gia tài (Alfred Shaheen, một chuyên gia về chất liệu vải và là người có công lớn nhất trong trào lưu phổ biến áo Aloha). Những năm cuối năm 1950, tơ nhân tạo làm chất liệu may bắt đầu hết mốt, những thiết kế "hoa hòe hoa sói" bản lớn cũng ít xuất hiện hơn.


Áo Aloha Alfred Shaden, có từ những năm 1950.

Những chiếc áo aloha hiện đại phần lớn giống với những chiếc Aloha xuất hiện từ sau năm 1960. Năm 1962, hai thành viên đến từ Hạ Viện và Thượng Viện Hoa Kì được tặng mỗi người một chiếc áo Aloha. Không lâu sau đó, một luật khác về áo Aloha ra đời, khuyến khích người ta mặc loại áo này từ ngày 1/5 cho đến hết những tháng mùa hè trong năm. Ngày thứ sáu Aloha (hay Aloha Friday) chính thức bắt đầu từ năm 1966. Cho đến cuối những năm 1960, chuyện mặc Aloha trong công chuyện kinh doanh được xem là chuyện bình thường.

Một chiếc áo Aloha có giá từ 5 đến 50 đôla (tương đương hơn 1 triệu đồng). Với quan điểm "tiền không thành vấn đề", rất nhiều người Nhật Bản thích sưu tập những chiếc áo Aloha Americana. Thậm chí khi Aloha càng trở nên nổi tiếng, giá thành từ đó mà đẩy cao hơn, số lượng mua áo Aloha về làm quà lại giảm đi hẳn. Chỉ khi có một lượng lớn áo Aloha từ Hàn Quốc, Indonesia, hay Sri Lanka xâm nhập vào thị trường nước Mỹ, giá thành mới giảm xuống từ từ.

Hiện nay ở Hawaii, áo Aloha được mặc vào mọi ngày trong tuần, kể cả khi đi chơi và bàn công chuyện làm ăn. Tiếc rằng, rất khó bắt gặp những chiếc Aloha có thiết kế đẹp và độc đáo. Chúng chỉ thường xuất hiện trong những bộ sưu tập hàng trăm nghìn đôla, bởi một chiếc áo sơmi Aloha đúng chất được so sánh như một tác phẩm nghệ thuật trên vải canvas.

Vũ điệu Hula, Hawaii.

Trước đây, một chiếc Aloha được xem là “đúng chất” khi chiếc áo làm bằng vải nhập từ Kyoto/Osaka (Nhật Bản) và có xuất xứ từ thành phố Honolulu, tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ. Nếu bạn vẫn muốn mua một chiếc áo Hawaii cho mùa hè này, ngoài những tiêu chuẩn trên, bạn nên chú ý tới những chi tiết sau đây khi chọn áo:

- Túi áo và đường xẻ phải khớp nhau: Một nhà may áo Aloha cẩn thận sẽ may ráp các phần túi nhỏ vào áo sao cho các đường may phải nằm dưới các họa tiết áo.

- Các khuy cài bằng dừa hoặc kim loại: Áo Aloha có khuy cài làm bằng dừa thường được xem là áo mô-tuýp cổ điển.

- Họa tiết áo: Một cô nàng đang nhảy vũ điệu hula (điệu nhảy Hawaii) dưới bóng dừa, một ly cocktail lớn dưới một chiếc ô lớn...Có vô số hình in sống động trên một chiếc áo Aloha. Những hình ảnh này thường xuất hiện ở phần ống tay áo, các vạt áo trước và sau, hoặc phần phía sau khuya cài. Phần lớn các họa tiết này sẽ có màu xanh biển hoặc cát. Những màu này khác hoàn toàn với mốt áo Aloha trong những năm 1970 - mốt màu neon.

- Chất liệu vải: Nên chọn vải cotton hoặc tơ nhân tạo. Tơ nhân tạo giữ dáng áo lâu hơn bình thường. Tuy vậy, lựa chọn tốt nhất vẫn là chất lụa.

- Nhãn mác áo: Nếu bạn là một nhà sưu tầm áo aloha, đây là điều tối quan trọng, bởi nhãn áo sẽ đề số năm chiếc áo ra đời. Nếu không, đơn giản, một chiếc áo aloha có mác "Made in Hawaii" đã là quá tuyệt vời.

- Mix đồ: Cách truyền thống để mặc áo Aloha là kết hợp với quần sooc và dép xăng-đan. Trong trường hợp bạn mặc aloha trong một dịp lịch sự, nên mặc với quần dài màu đen hoặc khaki (với nam) hoặc chân váy (với nữ).