Andy Murray: Đã đến lúc trở thành hiệp sĩ
Thậm chí, nhà cái William Hill còn đang đặt khả năng Murray có thể được Nữ hoàng Anh Elizabeth II tấn phong tước hiệu Hiệp sĩ vào dịp năm mới.
Trước khi đánh bại Novak Djokovic ở trận chung kết ATP World Tour Finals tổ chức tại London để kết thúc năm 2016 ở ngôi vị số 1, Murray từng thua đối thủ người Serbia tới 13 trong tổng số 15 lần đối đầu gần nhất (11-35 nếu tính tổng từ trước tới nay). Trong số này có cả trận chung kết Australian Open và Roland Garros hồi đầu năm nay, cứ như thể Djokovic là khắc tinh không thể đảo ngược đối với Murray.
Việc thua liên tiếp những trận đấu lớn cho thấy tinh thần là một vấn đề lớn đối với tay vợt người Scotland, như chính anh thừa nhận. Thậm chí, Murray từng bị so sánh với Tim Henman, tay vợt số 1 người Anh trước đây, người chưa bao giờ giành được danh hiệu lớn.
Không như Henman, Murray dẫu sao cũng đã có 3 chức vô địch Grand Slam (2 Wimbledon, 1 US Open), 2 chiếc huy chương vàng Olympic, cộng thêm cả danh hiệu ATP World Tour Finals lần này nữa. Anh cũng trở thành tay vợt đầu tiên giành Grand Slam, Olympic, ATP World Tour Finals và Masters 1000 trong cùng 1 năm.
Tuy nhiên, bộ sưu tập danh hiệu của Murray vẫn quá ít so với Federer (17 Grand Slam), Nadal (14) và Djokovic (12), trong khi anh đã 29 tuổi rồi. Thế nên, những lời tán dương mà truyền thông cùng giới “elite” ở Anh, trong đó có cả tác giả Harry Potter - J.K Rowling, dành cho Murray những ngày qua, ví anh như “Ông Hoàng tennis” rồi “Sir Andy” có vẻ hơi quá lời.
Điều đáng nói là nếu không cẩn thận, danh hiệu cao quý nhất mà một vận động viên thể thao Anh Quốc có thể nhận được lại có nguy cơ trở thành gánh nặng cản bước Murray. Bản thân Murray cũng nhận thức được điều này khi phát biểu: “Hiển nhiên đấy là vinh dự cao nhất của đất nước mà tôi có thể đạt được. Tôi không rõ, nhưng tôi cảm thấy mình còn quá trẻ để nhận được tước vị như thế”.
Để gạt qua một bên sức ép từ những danh hiệu, Murray nói rằng anh nghĩ nhiều tới... đám cưới của cha mình hơn là những danh hiệu.
Hiện tay vợt số 1 thế giới đang có phong độ cực tốt với 24 chiến thắng liên tiếp, giành cả 5 chức vô địch trong 5 giải đấu gần nhất mà anh tham dự (nhìn rộng hơn nữa là vô địch 12/13 giải gần nhất), qua đó vượt mặt Djokovic một cách vô cùng ấn tượng. Thế nhưng, không có gì bảo đảm Murray có thể tiếp tục thống trị làng banh nỉ trong năm tới.
Thành công của Murray vô tình rơi đúng vào thời điểm Djokovic tuột dốc không phanh, trong khi Federer đã luống tuổi (35), còn Nadal chưa biết bao giờ có thể trở lại (lại chấn thương, vừa trải qua mùa giải tệ nhất trong sự nghiệp). Hiện lần đầu tiên sau 14 năm, Federer đã bật khỏi top 10 (xếp hạng 16) còn Nadal cũng chỉ xếp thứ 9. Trong khi đó, những tay vợt khác thì chưa đủ thế lẫn lực để vươn lên cạnh tranh ngôi vị hàng đầu, giờ được coi là cuộc đua chỉ giữa Murray và Djokovic.
Thế nên, như một câu nói muôn thuở, đối thủ lớn nhất hiện tại của Murray, ngoài Djokovic, chỉ có chính anh. Tháng Giêng năm sau, lần đầu tiên trong sự nghiệp, Murray sẽ bước vào giải Grand Slam (Australian Open 2017) với tư cách hạt giống số 1. Đó là lợi thế, đồng thời cũng là điều bất lợi bởi tạo ra sức ép tâm lý đáng kể.
Nên nhớ Djokovic cũng đang rất khát khao đòi lại những gì đã mất. Quãng thời gian nghỉ ngơi trước khi mùa giải năm 2017 khởi tranh có thể là thời gian để tay vợt cùng tuổi với Murray tìm lại bản năng từng khiến anh được xưng tụng là kẻ không thể bị đánh bại. Đời nào Djokovic lại chịu để mất ngôi dễ đến vậy.
Hoài Sa