Ý Nhi Thứ Năm | 23/03/2017 19:21

8 bí quyết cần biết để networking hiệu quả hơn

Bạn phải biết cách làm sao để biến chuyện networking thành thứ mang lại lợi ích cho bạn, chứ không phải là việc mà bạn thấy bị buộc phải làm.

Khoảng một năm trước, phóng viên Shana Lebowitz của trang tin Business Insider đã tham gia một buổi trao đổi về networking (làm quen và xây dựng quan hệ xã hội), do trường đại học cũ của cô tổ chức.

Shana đã chào hỏi một vài người cô nhận ra, chăm chú nghe các bài thuyết trình mà không hỏi lại bất kỳ câu nào, và ngay sau khi kết thúc, cô tiến thẳng đến cửa và ra về. Dĩ nhiên, đó không phải là một cách hay để networking, và Shana cũng cho biết bình thường thì cô không cư xử như vậy.

Tìm hiểu các cuộc thảo luận trên Quora và Reddit về chủ đề này, Shana thấy rằng có rất nhiều người cũng có cùng suy nghĩ như cô, rằng networking là một chuyện rắc rối, khiếm nhã hoặc không có ích.

Để cải thiện tình hình, bạn phải biết cách làm sao để chuyện networking mang lại lợi ích cho bạn, chứ không phải là việc mà bạn thấy bị buộc phải làm. Nếu bạn không thích việc trao đổi danh thiếp, hay nói chuyện dăm phút với hàng chục người khác nhau trong một đêm, thì bạn cần không phải làm những điều đó. Vẫn còn nhiều cách khác để tìm việc làm và tìm hiểu thêm về ngành nghề của bạn.

Dưới đây là 8 lời khuyên để networking một cách hiệu quả hơn mà bạn không thể bỏ qua:

1. Tận dụng các mối quan hệ sẵn có của bạn

Networking thường được hiểu là đi gặp gỡ và làm quen với những người mới. Nhưng đó chưa hẳn là chiến lược hiệu quả nhất.

Trên Quora, Nelson Wang viết: “Hãy nhận ra rằng bạn đang có sẵn một số mối quan hệ tốt nhất có thể trong tay mình. Hãy củng cố lại các mối quan hệ sẵn có, vì bạn đã quen biết sẵn với họ.”

Steve Cadigan, cựu phó giám đốc nhân sự tại LinkedIn, đã nói với Business Insider rằng việc nuôi dưỡng các mối quan hệ hiện tại thường là cách tiếp cận tốt nhất.

Steve cho biết: “Họ có thể là huấn luyện viên quần vợt của bạn, có thể là giáo sư cũ của bạn, cũng có thể là bạn học của bạn, có thể là bất cứ ai. Chính vì vậy hãy giữ liên lạc với họ. Bạn phải chọn được cho mình một điểm bắt đầu”.

2. Bắt đầu từ những việc nhỏ

Đừng tạo quá nhiều sức ép cho bản thân. Đừng nghĩ rằng bạn phải networking với hàng chục người trong một đêm ngay từ bây giờ. Thay vào đó, hãy đến tham dự sự kiện tiếp theo và nói rằng ‘Kỳ này tôi sẽ giới thiệu bản thân mình với ít nhất 1 người’. Sau khi đã gặp 1 người, bạn từ từ nâng chỉ tiêu lên thành 2 người, và cứ từ đó mà tiến tới.

3. Đề nghị giúp đỡ người khác

Mike Fishbein viết trên Quora: “Hãy tìm cách để tạo ra giá trị cho người khác mà không mong đợi bất cứ điều gì đổi lại. Một khi bạn làm điều gì đó cho người khác, thì tự nhiên họ cũng sẽ muốn đáp trả lại.”

Các nhà khoa học gọi nó là “quy tắc đối ứng” (reciprocation). Như nhà tâm lý học Robert Cialdini đã viết trong cuốn Pre-Suasion: “Người ta thường nói Có với những người mà họ cảm thấy đang mắc nợ”. Vì vậy, nếu bạn muốn nhận sự giúp đỡ từ ai đó, hãy xem xét làm một chuyện gì đó hữu ích cho họ trước tiên, chẳng hạn như giới thiệu họ tới một đối tác kinh doanh tiềm năng.

Dave Kerpen, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty phần mềm xã hội Likeable Local, cho biết câu hỏi hay nhất mà bạn có thể đặt ra gặp một người có sức ảnh hưởng, đó là: “Tôi có thể giúp gì cho bạn?”

Bạn nên sẵn sàng đặt mình vào vị trí giúp đỡ người khác. Ngay cả khi họ không đón nhận lời đề nghị của bạn, họ vẫn cảm thấy ấm lòng hơn vì bạn đã chủ động hỏi.

4. Nói về những chuyện bên ngoài công việc

Có thể bạn không cảm thấy thoải mái khi hỏi trực tiếp về việc mình có thể giúp người mới quen như thế nào. Điều đó không sao cả.

Shweta Karwa viết trên Quora: “Hãy tập cách “chào bán” bản thân, ví dụ như nói về một sở thích tương đối khác thường của bạn, hoặc một điều gì đó thú vị”, giả sử như bạn có nghề tay trái là làm đồ thủ công, hay bạn đang làm tình nguyện viên ở trường tiểu học. Hãy nói về những chuyện mà người kia chưa từng làm, hoặc không biết gì nhiều.

Karwa viết: “Điều đó thực sự làm cho cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Có thể bạn đang mang lại thêm tri thức cho họ, và đó có thể tình cờ cũng là thứ họ đang quan tâm. Khi đó, đôi bên sẽ cùng có lợi.”

5. Hỏi thật nhiều

Micha Kaufman viết trên Quora: “Mọi người đều thích nói về bản thân mình. Hỏi thật nhiều câu hỏi chứng tỏ rằng bạn rất quan tâm đến họ, và bạn cũng sẽ biết thêm những thông tin quan trọng”.

Dale Carnegie từng nhắc đến điều tương tự trong cuốn sách bán chạy nhất của ông là “How to Win Friends and Influence People” (Đắc Nhân Tâm). Một trong những bí quyết của Carnegie để làm người khác thích mình chỉ đơn giản là chịu khó lắng nghe và khuyến khích người khác nói về bản thân họ.

Điều đó cũng giúp bạn được giảm bớt áp lực: thay vì phải cố gắng miêu tả công việc của bạn cho thật thú vị, bạn có thể nói về sở thích của người khác và làm họ cảm thấy mình là người quan trọng.

6. Đánh giá lại xem mình có thể cải thiện chỗ nào

Người dùng dankness trên Reddit viết: “Hãy xem lại những câu hỏi mà bạn đã đặt ra. Câu nào có kết quả tốt, câu nào không? Bạn có thấy có câu hỏi nào khiến người ta lúng túng không? Bạn có nhận thấy rằng một số người sẽ thích những câu hỏi nhất định không?”

“Nếu bạn phải networking rất nhiều, hãy luôn có 1 hay 2 câu hỏi chính, và thay đổi số còn lại tùy theo hoàn cảnh. Hãy liên tục trau dồi kỹ năng này và tiếp tục thử những thứ mới mẻ.”

Bạn cũng có thể áp dụng chiến lược tương tự cho họat động networking nói chung. Nhà báo Charles Duhigg của tờ New York Times đã làm như thế khi ông chịu trách nhiệm điều phối các hội thảo do tờ báo tổ chức.

Duhigg đã thử nghiệm với các mục tiêu khác nhau - đầu tiên, có cuộc trò chuyện kéo dài 20 phút với một người, tiếp theo đó là có nhiều cuộc trò chuyện ngắn liên tiếp, và cuối cùng ông chọn ra chiến lược là nói chuyện với bốn người trong 10 phút đầu tiên và sau đó quay trở lại người mà ông thích nhất.

7. Liên lạc thường xuyên

Utkarsh Sinha viết trên Quora: “Giữ liên lạc không có nghĩa là gửi email nhắc lại về bạn đúng một lần. Thay vào đó, hãy nhớ rằng việc xây dựng quan hệ là điều cần làm suốt đời.”

Sinha khuyên bạn lâu lâu nên gửi email đính kèm một bài viết có liên quan đến sở thích của người quen, hoặc xin họ cho lời khuyên về một chủ đề mà họ rành rẽ còn bạn thì không. Bằng cách đó, bạn có thể giữ cho cuộc đối thoại giữa đôi bên kéo dài liên tục.

8. Networking bất cứ khi nào có thể

Bạn có thể không gặp được đối tác kinh doanh trong tương lai của mình trên đường về nhà, nhưng chủ động nói chuyện với người ngồi cạnh trên máy bay sẽ giúp bạn thực hành cho các sự kiện networking khác. Ai mà biết được, một ngày nào đó người ấy sẽ trở thành đối tác kinh doanh của bạn.

Greg Muender viết trên Quora: “ Đừng suy nghĩ về networking như một sự kiện hay hoạt động riêng biệt. Tự thân cuộc sống đã là một sự kiện networking khổng lồ. Một số mối quan hệ có ý nghĩa nhất mà tôi từng có được đã bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ tình cờ trên máy bay, ở công viên hay trên tàu điện ngầm,...”

“Đừng suy nghĩ theo kiểu ‘đây là lúc tôi cần networking’ và ‘đây là lúc không cần’. Thay vào đó, cứ tự nhiên tự giới thiệu bản thân với anh chàng ngồi ở bàn bên cạnh, hay nói ‘chào buổi sáng’ với người hàng xóm của bạn.”

Ý Nhi

Nguồn Business Insider