7 nỗi sợ phải vượt qua nếu muốn thành công
Trong cuộc sống, có không ít nỗi sợ giữ chân chúng ta, và một số thậm chí còn bó buộc bạn và biến các giấc mơ của bạn trở thành điều không tưởng. Nếu muốn thành công, bạn phải đối mặt và vượt qua chúng. Triệu phú tự thân Daniel Ally đã rút ra được 7 nỗi sợ hãi phổ biến mà bạn phải vượt qua:
1. Sợ những lời phê bình
Nhiều người e ngại theo đuổi giấc mơ của mình vì sợ những gì người ta nghĩ và bàn tán về họ. Ally cho biết gần đây anh nhận được bức thư từ một sinh viên đại học. Cậu ấy kể “Cha mẹ muốn tôi hoàn thành chương trình thạc sĩ, nhưng tôi đã sẵn sàng để bắt đầu việc kinh doanh của riêng mình. Họ sẽ nghĩ tôi điên mất nếu tôi từ bỏ ngay từ bây giờ. Tôi nên làm gì đây?
Đây là một vấn đề phổ biến của nhiều người trẻ. Nếu cứ ra quyết định dựa trên những gì mọi người nghĩ - ngay cả từ bạn bè và từ gia đình gần gũi nhất - sẽ chỉ làm giảm ý nghĩa cuộc sống của bạn mà thôi. Thay vào đó, chỉ cần suy nghĩ đến những gì họ sẽ nói khi bạn đã đạt được thành công.
Với anh chàng sinh viên đại học này, Ally đưa ra lời khuyên rằng chỉ nên quan tâm các bậc cha mẹ nói gì một khi việc kinh doanh của bạn đã gặt hái thành công, rằng họ sẽ tự hào về bạn thế nào? Đó có phải là quyết định tốt nhất mà bạn đã từng làm không? Có thể lắm chứ.
2. Sợ cái nghèo
Nhiều người đang bị mắc kẹt trong suy nghĩ về việc phải “sinh tồn”. Một thanh niên khác kể với Ally: “Tôi 26 tuổi và tôi bị mắc kẹt trong một căn phòng 40 giờ mỗi tuần. Tôi thanh toán đầy đủ các hóa đơn và sống một cuộc sống ở mức trung bình dù tôi biết tôi có thể có một công việc tốt hơn và đạt đến mức tiềm năng tối đa của mình. Tôi cảm thấy mệt mỏi, buồn chán và tôi muốn sử dụng những khoản dành dụm của mình. Tuy nhiên, tôi lại sợ rằng mình sẽ trở về tay trắng. Tôi nên làm gì đây?”
Nỗi sợ hãi nghèo đói dễ làm con người ta tê liệt. Theo Ally, chàng thanh niên này đã nêu trong email của mình rằng anh có 10.000 USD trong tài khoản tiết kiệm, bấy nhiêu là đủ cho anh ta từ bỏ công việc của mình một vài tháng để tìm kiếm nghề nghiệp mơ ước của mình hoặc tập tành kinh doanh. Quá nhiều người chọn cách chấp nhận sự tầm thường vì họ chỉ nghĩ phải "sống sót" thay vì "phát triển". Dĩ nhiên, nỗi sợ như thế luôn ngăn cản bạn vươn đến giấc mơ của mình.
3. Sợ già (và cái chết)
Đến một độ tuổi nào đó từng người một sẽ giã từ cuộc sống. Nhà khoa học Benjamin Franklin đã từng nói: “Hầu hết mọi người đã chết ở tuổi 25 và mãi về sau mới được chôn cất ở tuổi 75.” Với một số người, cái chết ẩn dụ này đến còn sớm hơn nữa, khi mà họ quyết định thỏa hiệp với một lối sống tầm thường. Những người này cho rằng họ không thể biến giấc mơ của mình thành hiện thực, do đó họ chọn cách bỏ cuộc trước.
Sợ tuổi già cũng có thể gây nhiều rắc rối khi bạn có một bước chuyển đổi nghề nghiệp lớn. Những suy nghĩ đó thường sẽ như thế này: “Tôi đã 46 tuổi. Bạn làm sao có thể kỳ vọng tôi phải nghiên cứu về kinh doanh bất động sản trong khi trước giờ tôi chỉ làm về bảo hiểm nhân thọ? Hơn thế nữa, mọi thứ phải diễn ra một cách hoàn hảo, nếu không tôi sẽ không thể hỗ trợ gia đình mình.”
Xét cho cùng, khả năng thành công của bạn ít phụ thuộc vào tuổi tác hơn là niềm tin vào khả năng của chính mình.
4. Sợ thất bại
Đây là khi hầu hết mọi người hỏi câu hỏi “Sẽ thế nào nếu như…?” theo ý tiêu cực kiểu như: “Sẽ thế nào nếu sản phẩm không hoạt động? Sẽ thế nào nếu không một ai thích ý tưởng này? Sẽ thế nào nếu nó thất bại?”
Đó đều là những câu hỏi sai. Thay vì nghĩ về tất cả những cách bạn có thể gặp thất bại, hãy chú tâm vào mọi cách để bạn có thể thành công! Ngay cả khi bạn thất bại hoặc phạm sai lầm, điều đó cũng mang lại cho bạn một cơ hội nhận ra lỗi và sửa sai. Bạn phải thất bại trước khi thành công. Mọi người thành công đều là những người đã từng vấp ngã. Vì vậy, cứ tiến về phía trước và cố gắng!
5. Sợ mất lòng
Ally từng nhận được dòng tâm sự thế này: "Tôi dự định không gọi bộ phận nhân sự cho đến khi họ giao công việc cho tôi. Thêm vào đó, tôi sẽ thôi làm họ khó chịu và tôi không muốn họ nghĩ rằng tôi quá nghèo túng. Tôi chỉ đợi điện thoại từ họ thôi. Giả sử tôi không nhận được công việc đó thì có nghĩa là tôi không xứng đáng được nhận nó. Việc chủ động gọi cho họ có thể làm hỏng cơ hội của tôi, và sau đó tôi sẽ không bao giờ nhận được công việc đó!”
Đây là một cách tiếp cận sai. Bạn cần phải táo bạo trong hành động nếu đã dự định theo đuổi ước mơ của mình. Nhiều người sợ làm mất lòng người khác khi họ “đánh bóng” bản thân mình vì họ cho rằng điều đó đồng nghĩa với “sự kiêu ngạo”. Tuy nhiên, sẽ không có ai nhận ra tài năng của bạn trừ khi chính bạn thể hiện ra.
6. Sợ làm trò cười cho người khác
Nhiều lần khi nhìn vào tủ quần áo chắc bạn sẽ tự nhủ: “Tôi sẽ không mặc cái này hôm nay. Nó trông thật ngớ ngẩn. Có lẽ để lần khác chăng.” Nhưng tại sao không phải là bây giờ? Chúng ta thường hành động như thể những gì chúng ta muốn làm là sai; tuy nhiên, chúng ta cần phải đặt thêm niềm tin vào khả năng đưa ra quyết định của mình. Chúng ta luôn phải thử khả năng của bản thân, dù là nói chuyện trước công chúng, viết một bài báo, quay video hoặc bất cứ điều gì khác.
Một số quyết định vĩ đại nhất trong lịch sử chính là bắt nguồn từ những suy nghĩ bất chợt. Có không ít người đã đi lệch từ xuất phát điểm ban đầu của họ và đi theo con đường khác để đến với thành công. Hãy tự khám phá xem bạn là ai và những gì phù hợp với khả năng của bạn. Thông thường, bạn sẽ phải bắt đầu với việc tìm xem mình không phải là người như thế nào. Mỗi lần thử như thế, bạn nên tin vào linh cảm rằng mình đang thực hiện các quyết định đúng, vì bạn sẽ còn là trò cười lớn hơn nữa nếu bạn chẳng dám làm bất cứ điều gì cả.
7. Sợ thành công
Thông thường, con người ta sợ trở thành chính mình. Họ lo sợ việc bộc lộ bản chất và năng lực thực sự của mình mà không hề biết điều đó sẽ mang lại thành công. Họ ngắm nhìn thành công của những người khác và thốt lên: "Bạn biết đấy, tôi cũng có thể làm được điều đó” hay “Tại sao không phải là tôi nhỉ?”. Nhưng cũng chính những người đó lại sợ nhận được sự nổi tiếng và giàu có như những người mà họ ngưỡng mộ.
Nhiều người trong chúng ta đã được dạy rằng sẽ không bao giờ đạt được thành công thực sự trong cuộc sống. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng mơ ước thành công là không thực tế, vì vậy họ không bao giờ thúc đẩy các con mình. Thay vì bị gò bó trong suy nghĩ này, hãy tin rằng một ngày bạn sẽ đạt được thành công lớn.
Xét cho cùng, tất cả những nỗi sợ hãi trên có thể vượt qua được bằng lòng tin và sự kiên trì theo đuổi mục tiêu đã vạch ra. Nếu bạn biết bạn muốn gì và dám vượt qua nỗi sợ thì bạn sẽ đạt được nhiều hơn trong cuộc sống, thay vì bị níu giữ lại bởi sự nghi ngờ và nỗi lo lắng.
Ý Nhi
Nguồn Entrepreneur