Xử lý rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại Tây Ninh.
5 năm, chi hơn 72 ngàn tỉ đồng cho bảo vệ môi trường
Tiến sĩ Lê Thị Thùy Vân, Trưởng ban Quản lý hoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính, tại tập huấn về cải cách tài khóa xanh, hôm 25.10, cho biết, hàng năm ngân sách nhà nước bố trí kinh phí sự nghiệp môi trường không thấp hơn 1% tổng chi cân đối của ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách.
“Tổng chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2013-2018 đạt 72.422 tỉ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 10.002 tỉ đồng, ngân sách địa phương là 62.420 tỉ đồng”, TS. Vân nói thêm.
Theo nghiên cứu của TS. Vân, Chính phủ đã sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dựa án liên quan đến tăng trưởng xanh.
Theo đó, Chính phủ đã chi 930 tỉ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2012-2015; chi 49.317 tỉ đồng cho Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; chi 5.863 tỉ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường gia đoạn 2013-2015 và chi 1.771 tỉ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là một phương thức để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi duy trì, bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về đa dạng sinh học và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Bộ Tài chính đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) triển khai chương trình thí điểm phát hành trái phiếu xanh tại Việt Nam vào năm 2016, áp dụng cho trái phiếu chính quyền địa phương của TP Hồ Chí Minh là 523,5 tỉ đồng, kỳ hạn 15 năm và Bà Rịa - Vũng Tàu là 80 tỉ đồng, kỳ hạn 5 năm. Nguồn vốn thu được từ phát hành trái phiếu xanh tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu được sử dụng cho các dự án thuộc lĩnh vực quản lý nguồn nước bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các công trình cơ sở hạ tầng bền vững, các dự án xanh. |
Tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 của Việt Nam, đã xác định, tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển nhanh, hiệu quả bền vững và góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Do đó, Chính sách chi ngân sách nhà nước được chú trọng theo hướng ưu tiên các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến bảo vệ môi trường.
Thế nhưng, theo TS. Vân, việc chi ngân sách của một số đơn vị sử dụng ngân sách còn dàn trải, thiếu hiệu quả, sử dụng chưa đúng mục đích như phân bổ chi sự nghiệp môi trường cho các nhiệm vụ điều tra, khảo sát nhưng thiếu gắn kết với các dự án, đề án cụ thể; chưa chú trọng phân bổ kinh phí cho công tác hoàn thiện các hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành về bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, công tác xã hội hóa đầu tư bảo vệ môi trường còn chậm, ngân sách nhà nước vẫn là nguồn kinh phí chủ yếu. Thậm chí, tại một số địa phương thuộc diện khó khăn về ngân sách vẫn kiến nghị Trung ương để bổ sung có mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường, theo bà Vân.
Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng tài khóa xanh đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược tài chính đến năm 2020.
Song với thực trạng tài khóa hiện nay, TS. Thùy Vân cho rằng, cần lồng ghép các giải pháp, chính sách về tài chính xanh, thúc đẩy bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển trung và dài hạn của ngành tài chính thời gian tới.
Theo TS. Vân, cần tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách thuế liên quan đến bảo vệ môi trường để có tác động tốt hơn đến nhận thức, hành vi của doanh nghiệp, người dân trong quá trình sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường.
Bà Vân cũng nói cần đa dạng hóa các nguồn vốn trong và ngoài nước thông qua các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, huy động nguồn lực tài chính thông qua các định chế tài chính, hệ thống các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán, như lưu thông thị trường carbon, trái phiếu xanh…, đồng thời tăng cường hợp tác công tư nhằm hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng xanh.