5 chiến lược giúp bạn cân bằng giữa công việc và gia đình
Sự cân bằng hoàn hảo giữa gia đình và công việc chính là chìa khóa thành công của các doanh nhân. Hai khía cạnh ấy có thể cùng tồn tại trong hòa bình, nếu bạn biết cách ứng dụng 5 chiến lược sau đây:
1. Thêm yếu tố gia đình vào lịch trình làm việc của bạn.
Với cường độ làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì gia đình nằm ở đâu trong thời gian biểu một ngày của bạn? Khá nhiều người dành thời gian cho gia đình, chỉ sau khi công việc của họ hoàn thành. Điều quan trọng ở đây là bạn nên sắp xếp thời gian cho gia đình, chứ đừng nên xem đó là chuyện có thể lựa chọn sau.
Bỏ gia đình ra khỏi thời gian biểu là điều đầu tiên khiến bạn dễ chệch hướng khi cuộc sống bỗng chốc trở nên bận rộn. Khi lên lịch trình cho tuần tới, hãy xét xem bao nhiêu thời gian bạn muốn dành cho gia đình. Đừng chỉ viết những sự kiện ấy lên nếu bạn chỉ trông thoáng qua rồi quên bẵng nó, ví dụ như tiệc sinh nhật của “nửa kia” cuộc đời bạn, hay buổi biểu diễn múa của con bạn. Hãy ưu tiên gia đình trong những khoảnh khắc đặc biệt đó, và rồi những người thân yêu sẽ đánh giá cao những hành động của bạn. Hãy nhớ, đừng bao giờ ghi đè thời gian làm việc lên thời gian gia đình.
2. Hình thành các thói quen tốt
Bạn có thể đạt được cân bằng giữa công việc với gia đình bằng cách hoàn thành công việc sớm vào ngày thứ sáu, hoặc dành thời gian gọi Skype cho các con của mình vào mỗi buổi trưa.
Nhà tâm lý học xã hội, Wendy Wood cho biết các thói quen lành mạnh là chìa khóa để giảm căng thẳng và mệt mỏi. Chắc hẳn là bạn không muốn phải làm điều này một mình. Thay vào đó, hãy ngồi xuống bên gia đình, tìm hiểu nhu cầu của mỗi người và sau đó cùng nhau xây dựng một thói quen đáng tin cậy. Nếu bạn có thể đưa bọn trẻ đến trường vào buổi sáng và chồng/vợ của bạn sẽ đón chúng về, hãy ghi lại điều đó. Gia đình êm ấm sẽ là điểm tựa cho bạn yên tâm chăm lo công việc.
3. Học cách nói "Không"
Hãy sống chậm mà chắc, bạn không cần phải chấp nhận tất cả các đề xuất và dự án. Việc có tham vọng sẽ mang lại cho bạn nhiều điều tuyệt vời, nhưng đừng để nó gây tổn hại tới bản thân hoặc gia đình của bạn.
Ở đây, biết giữ điều độ chính là chìa khóa. Hãy học cách “chỉ cắn những thứ bạn có thể nhai”, hãy làm mọi thứ thật nhẹ nhàng. Bạn có thể thỉnh thoảng làm cố vấn cho dự án khởi nghiệp của bạn bè, thay vì phải trở thành nhà cố vấn số một cho họ. Bạn có thể chỉ cần làm tài xế cho con bạn trong một vài chuyến hành trình đường dài, và đồng thời vẫn tạo được kỷ niệm đẹp cho nhiều năm sau. Bằng cách thu hẹp những trách nhiệm bên ngoài, bạn sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi để vui vẻ bên những người bạn yêu quý.
4. Đừng chỉ biết cần mẫn hơn, hãy làm việc thông minh hơn
Thực ra trong tuần lúc nào cũng có một khoảng thời gian có thể dành cho gia đình cả, quan trọng là bạn có chịu tìm kiếm nó hay không.
Bạn nên giải phóng thời gian trong công việc của mình bằng những công cụ tiện ích bên ngoài, từ đó để dành thời gian thực hiện những điều bạn thực sự muốn làm. Ngày nay, có nhiều ứng dụng và dịch vụ cho phép bạn dễ dàng thuê người làm giúp các công việc như dọn dẹp nhà cửa hay vận chuyển đồ đạc. Hãy nhờ tới các dịch vụ ấy khi cần thiết để giải phóng thời gian của mình, từ đó bạn có thể có nhiều năng lượng và thời gian hơn để vui chơi với gia đình.
5. Dành ra thời gian cho chính mình.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng có được một chút thời gian riêng tư sẽ giúp làm tăng sự hài lòng với cuộc sống, và giúp tăng năng suất khi bạn trở lại làm việc. Nó cũng giúp tăng cường sự tập trung, cho phép bạn tận hưởng tốt hơn những khoảnh khắc với gia đình.
Nếu có thể, hãy đặt chỗ tại một spa nào đó, bơi vài vòng trong hồ bơi, dành một tiếng đồng hồ ấm cúng cho cuốn tiểu thuyết yêu thích của mình hoặc bất cứ điều gì khác làm cho bạn hạnh phúc. Sau đó, hãy tận hưởng cảm giác tuyệt vời là được toàn tâm toàn ý 100% cho bất cứ điều gì đến tiếp theo.
Việc cân bằng thoải mái giữa công việc và gia đình không phải là không thể đạt được. Cho dù đôi lúc cuộc sống sẽ có vài sóng gió, việc tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa công việc và gia đình là chuyện rất thực tế và không hề xa vời.
Ý Nhi
Nguồn Entrepreneur