5 bài học tiết kiệm từ Tony Robbins, Bill Gates và Jeff Bezos
Để trở thành một người giàu có, thông thường sẽ có 2 cách chính. Cách đầu tiên là trở thành một người có tài năng xuất chúng ở đúng lĩnh vực mà xã hội trọng dụng, khi đó tiền bạc sẽ tự động ùa về với bạn. Tuy nhiên, đây là cách mà không nhiều người trong chúng ta làm được.
Cách thứ nhì, đó là biết cách quản lý từng đồng tiền mình làm ra, biết cách tiết kiệm, chi tiêu và đầu tư sao cho hiệu quả. Đây chính là cách mà mọi người có thể học theo được, và bạn có thể bắt đầu từ ngày hôm nay với một vài lời khuyên cơ bản về tiết kiệm từ những nhân vật thành đạt như Tony Robbins, Bill Gates hay Jeff Bezos.
1. Đừng lãng phí cho những thứ không cần thiết
Giá trị ròng của diễn giả triệu phú Tony Robbins được ước tính ở mức khoảng 480 triệu USD. Ông là chuyên gia nổi tiếng về lĩnh vực phát triển tiềm năng con người và cũng là tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng.
Robbins chỉ ra rằng bạn chỉ nên chi tiền cho những thú vui tận hưởng cuộc sống nếu thấy chúng thực sự cần thiết. Đối với Robbins, ông tính ra rằng bớt đi ăn ngoài một bữa mỗi tuần là bạn đã có thể tiết kiệm tới 2.000 USD một năm. Và nếu bạn đầu tư số tiền đó với tỷ lệ lợi nhuận 8% thì trong vòng 40 năm, con số bạn thu về sẽ là 560.000 USD.
2. So sánh các giải pháp để chọn ra cái tốt nhất.
Tỷ phú giàu nhất thế giới là Bill Gates, người sáng lập Microsoft, cho rằng lợi thế trong việc thu thập và sử dụng thông tin là một kỹ năng khá quan trọng. Trước khi bạn quyết định mua một món hàng trị giá lớn, hãy nghiên cứu và so sánh các thương hiệu với nhau, để từ đó chọn ra sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo nhất.
3. Mua sắm hàng hóa online
Tỷ phú Jeff Bezos, người sáng lập tập đoàn thương mại điện tử Amazon, đã làm giàu bằng cách giúp người khác tiết kiệm tiền tốt hơn. Quỹ đầu tư William Blair & Company cho biết mức giá bình quân của Amazon luôn thấp hơn 13% so với các cửa hàng khác. Amazon đạt được cú bùng nổ 20% một năm trong khâu bán lẻ trực tuyến thu về 226 tỷ USD trong năm 2015 và nguồn lợi đó phần lớn đến từ các đợt giảm giá bán trong năm.
Tại Việt Nam, các dịch vụ thương mại điện tử cũng thường xuyên cạnh tranh quyết liệt với nhau về mặt giá cả, cũng như thường xuyên có nhiều đợt khuyến mãi. Nếu chịu khó theo dõi món hàng mình cần mua và đợi đến đúng kỳ khuyến mãi, cũng như kết hợp với một chương trình giảm giá khác nữa (mã coupon, ưu đãi thẻ), bạn có thể tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
4. Làm nhiều hơn với chi phí ít hơn
Nếu bạn không mua hàng trên Amazon, bạn cũng có thể học theo một trong 14 quy tắc của tập đoàn này là sử dụng tiền bạc hiệu quả. Website của Amazon ghi rõ rằng việc tiết kiệm sẽ giúp bạn trở nên tháo vát, tự chủ và sáng tạo hơn.
Khi Bezos thành lập Amazon vào năm 1994, ông đã tận dụng các cánh cửa cũ để làm bàn ghế cho văn phòng của mình. Chuyện đó đã trở thành một giai thoại tiêu biểu cho tinh thần tiết kiệm ở Amazon. Và Amazon đến giờ có hẳn giải thưởng “Biến cửa thành bàn” (Door Desk Award) dành cho các nhân viên có một ý tưởng giúp công ty tiết kiệm chi phí và từ đó hạ giá bán sản phẩm.
5. Loại bỏ những chi phí không cần thiết
Năm 2009, Bezos đã báo cáo trong thư gửi cổ đông rằng Amazon đã tiết kiệm được hàng chục ngàn USD tiền điện bằng cách tháo ra tất cả bóng đèn từ các máy bán hàng tự động.
Đó là không phải là con số lớn với một công ty có mức doanh thu 100 tỷ USD như Amazon. Tuy nhiên, quyết định đó lại phản ánh một ý tưởng rất hay: nếu bạn suy nghĩ kỹ lưỡng về tất cả các khâu trong bộ máy kinh doanh thì bạn có thể tiết kiệm được nhiều khoản chi phí lặt vặt, và lâu dài thì mọi thứ sẽ tích tiểu thành đại. Tiết kiệm được thêm 1 đồng, nghĩa là bạn có thể giảm giá bán của mình được 1 đồng, hoặc có thêm 1 đồng để đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ mới.
Ý Nhi
Nguồn Inc.