Thanh Hằng Thứ Tư | 20/06/2018 14:00

Bảo tồn linh trưởng trong mối quan hệ với rừng

Voọc Cát Bà được nhận biết bằng việc thường xuyên được liệt kê trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới

Giám đốc Chương trình Bảo tồn Voọc Cát Bà (CBLCP), Neahga Leonard, trầm ngâm trên suốt chuyến tàu chở đoàn nhà báo từ vịnh Hạ Long sang đảo Cát Bà. Phần lớn nhà báo, tham gia chuyến điền dã báo chí do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế  (IUCN) tổ chức, biết đến vịnh Hạ Long nổi tiếng với những núi đá vôi lớn nhỏ nhiều hơn biết về đảo Cát Bà. Họ càng không biết đảo Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận, có sự đa dạng sinh học rất cao, và đang che chở nhiều loài động thực vật quý hiếm trên thế giới, trong đó có một loài động vật chỉ có thể tìm thấy ở đảo Cát Bà là voọc Cát Bà. 

Kể từ khi rời Mỹ để đến đảo Cát Bà làm Giám đốc CBLCP từ năm 2014, ông Neahga đã thường xuyên nhận được câu hỏi “voọc là gì?”. “Một cách đơn giản, voọc là họ hàng với loài khỉ ăn lá cây, có tay dài, ngón cái nhỏ, cái đuôi dài, linh hoạt để giữ thăng bằng trong lối sống leo trèo trên cây của chúng”, ông Neahga chia sẻ trong bài blog đầu tiên về loài động vật quý hiếm này.

Loài voọc không phải loài khỉ lớn, voọc Cát Bà chỉ lớn cỡ một đứa trẻ nhỏ, nhưng có cánh tay dài để leo trèo và một cái đuôi dài một cách ấn tượng, hơn cả chiều dài cơ thể chúng. “Biểu hiện của voọc sâu lắng và đầy tình cảm một cách đáng ngạc nhiên, như thể chúng đang cân nhắc thứ gì đó mà con người đã đánh mất, giờ đây chúng nhận thức được và thích thú về việc làm điều đó một cách tự phụ”, ông viết.

“Voọc Cát Bà được nhận biết bằng việc thường xuyên được liệt kê trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới. Tôi không ám chỉ nguy cấp nghĩa là chỉ còn vài trăm cá thể sống sót, sự thật là cực kỳ nguy cấp khi chỉ còn một số ít sót lại”, ông Neahga nhấn mạnh. 

Bao ton linh truong trong moi quan he voi rung
 

Voọc Cát Bà đã giảm đến 98% số lượng chỉ trong vòng 50 năm, từ số lượng vốn không nhiều, 2.500-2.700 cá thể vào những năm 1960. Những năm 1990, voọc Cát Bà bị săn bắt nhiều cùng thời điểm Cát Bà trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Hiện nay, số lượng loài này trong tự nhiên chỉ còn 60 cá thể, theo IUCN và chúng đang phải đối mặt với việc mất môi trường sinh sống với các mối đe doạ lớn nhất là nạn săn bắt trộm, việc phá rừng làm đất trồng trọt và sự phát triển du lịch ồ ạt tại đảo Cát Bà. Chuyện buồn tương tự xảy đến với các loài linh trưởng quý khác của Việt Nam.

Việt Nam là một trong 12 quốc gia có độ đa dạng linh trưởng cao nhất thế giới. Đáng buổn là Việt Nam đứng trong top 3 quốc gia có nhiều loài kinh trưởng bị đe doạ tuyệt chủng cao nhất thế giới, đồng hạng với Indonesia, chỉ sau Madagascar, theo Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenVIET). Trong số 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng nhất trên thế giới, có 3 loài đặc hữu, chỉ có thể được tìm thấy ở Việt Nam.

“Cực kỳ nguy cấp nghĩa là chúng đang trên bờ vực tuyệt chủng”, ông Neahga cảnh báo “có 11 loài linh trưởng đang trong tình trạng cực kỳ nguy cấp tại Việt Nam”. Toàn bộ số lượng của 7 loài ít nhất trong nhóm này, bao gồm vượn đen tuyền, voọc Cát Bà, vượn Cao Vít, voọc mông trắng, voọc mũi hếch, vượn đen má trắng và chà vá chân xám chỉ 2.500 cá thể. 

Theo thống kê về hiện trạng các loài động vật nguy cấp, quý hiếm cho thấy nhiều loài đang ở mức báo động, đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng cao do nguyên nhân chính là việc khai thác quá mức và mất môi trường sống. 

 “Không có người mua, không còn kẻ giết” là slogan nổi tiếng của chiến dịch Bảo vệ tê giác của WildAid. Trước đây, loài họ hàng gần gũi với con người thường được cho là bổ dưỡng và bị săn bắt để làm thuốc. Đã có nhiều dự án tích cực thay đổi nhận thức, mà một trong những thành công được nhiều người truyền miệng là việc thuyết phục được một thợ săn lão luyện thay đổi chiến tuyến.

Ông Neahga  kể rằng, ông Vũ Hữu Tỉnh đã từng là người săn voọc cừ nhất đảo Cát Bà, rành rẽ từng nơi ăn chốn ở, từng thói quen của loài vật này. Nhưng giờ đây, ông Tỉnh là đội trưởng Đội chống săn trộm BVR của dự án CBLCP, vẫn dùng chính kiến thức và kinh nghiệm trước kia để phá bẫy của thợ săn, đảm bảo an toàn cho đàn voọc quý. 

Mặt khác, các tổ chức còn nỗ lực hành động, thậm chí can thiệp để giúp tăng số lượng cá thể trong loài. “Tuy nhiên, những nỗ lực can thiệp này sẽ khó có khả năng cải thiện nhiều tình hình hiện tại, vẫn có những nhóm nhỏ có khả năng biến mất trong 50 năm tới, dù có can thiệp hay không, nếu các yếu tố khác về sinh cảnh không thay đổi”, nghiên cứu của Neahga và các đồng sự tiết lộ. 

Nạn chặt phá rừng gây nên sự thu nhỏ, chia cắt về nơi sinh sống của các loài linh trưởng, và ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của chúng. Ngành gỗ thường được áp đặt là tội đồ cho việc này. “Đó là một nhận thức sai lầm. Ngành gỗ chỉ khai thác gỗ rừng trồng, gỗ có nguồn gốc. Còn gỗ rừng tự nhiên đã bị cấm sử dụng từ hơn 20 năm nay”, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cũng là một người ủng hộ dự án Bảo vệ linh trưởng tại Việt Nam, bày tỏ. 

Trên thực tế, diện tích rừng tăng thêm đáng kể trong hơn 20 năm qua, từ mức 28% năm 1990 lên đến 40% vào năm 2015. Việc tăng nhanh độ che phủ của rừng là một tín hiệu tốt của ngành nông lâm nghiệp, khi một nửa diện tích rừng tăng lên là rừng trồng và rừng phục hồi, cũng là nguồn cung cấp gỗ có nguồn gốc cho ngành gỗ. 

Tuy nhiên, rừng trồng lại có giá trị đa dạng sinh học không cao, cũng không hữu dụng trong việc tăng sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài động vật, trong đó có voọc. Rừng tự nhiên, có tốc độ phục hồi chỉ bằng 1/6 rừng trồng, ngôi nhà của các loài động vật hoang dã, thường là rừng nhiều tầng, có giá trị đa dạng sinh học cao và tác dụng điều hoá khí hậu lớn gấp nhiều lần rừng trồng, rừng cây công nghiệp. Điều đáng lo ngại là chất lượng rừng tự nhiên tiếp tục giảm, theo báo cáo của Trung tâm Quan trắc Môi trường (CEM). 

Các hoạt động khai thác gỗ lậu, săn bắt động vật và khai thác lâm sản ngoài gỗ vẫn diễn ra tại một số địa phương. Việc này gây áp lực lớn đối với các quần thể động, thực vật hoang dã vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái và chia cắt sinh cảnh. Ngoài ra, việc xây dựng các khu du lịch và mở đường giao thông tại các điểm du lịch như bán đảo Sơn Trà đã chia cắt sinh cảnh sống của đàn voọc khiến sự tách nhập đàn voọc gặp khó khăn dẫn đến khả năng thoái hóa gen vì giao phối cận huyết.

 “Điều gì sẽ đến với loài này phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác ngoài nỗ lực bảo tồn của chúng tôi. Tương lai này phụ thuộc vào giáo dục, sự hỗ trợ và sự tham gia của một xã hội lớn hơn nhiều”, ông Neahga tâm sự. 

Ông Khanh cho biết: “Sẽ là không công bằng với các giống loài này vì chúng cùng tồn tại như những loài sinh vật với con người. Sẽ không công bằng với con cháu chúng ta sau này nếu chúng không được ngắm nhìn những sinh vật đẹp đẽ như vậy trong tự nhiên nữa. Chúng ta đã qua thời lo cho đủ ăn đủ mặc để bào chữa cho việc hy sinh thiên nhiên cho phát triển kinh tế. Chúng ta đã có nhận thức tốt hơn về việc làm sao có thể gìn giữ những giá trị cho con cháu sau này”.