Số lượng người bị đói 2017 tăng 38 triệu người
Báo động nạn đói trên toàn cầu
→Nhìn trời đêm, đoán tăng trưởng GDP
Cuộc khủng hoảng thiếu kinh phí hỗ trợ
Tuyên bố của FAO cho biết nếu thiếu hỗ trợ khẩn cấp, “có nguy cơ tình hình thực tế sẽ trở nên trầm trọng hơn ở các khu vực bị ảnh hưởng trong nửa cuối năm nay, khi nhu cầu cứu đói và viện trợ nhân đạo tăng lên.”
Các cuộc khủng hoảng đang thiếu kinh phí hỗ trợ bao gồm nạn hạn hán ở Afghanistan, Sudan và Syria, gió mùa nghiêm trọng ở Bangladesh, tái bạo động ở Cộng hòa Trung Phi, mùa bão sắp đến ở Haiti cùng tình trạng mất mùa ở Iraq, Myanmar và khu vực Sahel.
FAO cho biết tổ chức này đang rất cần khoảng 120 triệu USD để viện trợ cho 3,6 triệu người dân ở các nước và khu vực bị ảnh hưởng nói trên trong các tháng còn lại của năm 2018.
Khoản viện trợ dự kiến sẽ dành cho việc cung cấp giống cây trồng và rau, công cụ sản xuất nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và vaccine cũng như để sửa chữa cơ sở hạ tầng nguồn nước, nâng cao quản lý đất và nước…
Giám đốc chương trình khẩn cấp của FAO Dominique Burgeon kêu gọi “cần hành động ngay lập tức để cung cấp lương thực và hỗ trợ sinh kế cho người dân, bảo vệ sản xuất và tăng khả năng chống chọi với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.”
Tổ chức FAO cũng cho biết mới nhận được chưa đến 30% trong số tiền 1 tỷ USD được kêu gọi từ đầu năm để đáp ứng các nhu cầu cấp thiết của 30 triệu người cần hỗ trợ khẩn cấp trên thế giới.
Trẻ em bị suy dinh dưỡng tại Maiduguri, Nigeria. Ảnh: AFP. |
Cảnh báo nạn đói đang gia tăng trên thế giới
Báo cáo năm 2017 về “Tình hình an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới” cho thấy số lượng người bị đói tăng 38 triệu người so với năm trước, chủ yếu là do sự gia tăng các cuộc xung đột bạo lực và các diễn biến bất thường về khí hậu.
Đồng thời, nhiều dạng suy dinh dưỡng đang đe dọa sức khoẻ của hàng triệu người trên thế giới. Theo đó, khoảng 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị còi cọc, trong khi 52 triệu trẻ em thiếu cân.
Bên cạnh đó, ước tính có 41 triệu trẻ em đang thừa cân. Thiếu máu ở phụ nữ và chứng béo phì ở người lớn cũng là mối quan ngại. Những xu hướng này là hậu quả không chỉ của xung đột và biến đổi khí hậu, mà còn là những thay đổi sâu sắc trong thói quen ăn uống và suy thoái kinh tế.
Báo cáo vừa được công bố là đánh giá toàn cầu đầu tiên của Liên hợp quốc về an ninh lương thực và dinh dưỡng xuất hiện trong phần mở rộng của Chương trình Phát triển bền vững tới năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu thực hiện xóa bỏ nạn đói và tất cả các dạng suy dinh dưỡng là các ưu tiên về chính sách quốc tế chính.
Nghiên cứu nhấn mạnh rằng các cuộc xung đột ngày càng trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, là một trong những nguyên nhân chính khiến nạn đói và nhiều dạng suy dinh dưỡng khác nhau gia tăng trở lại. "Trong thập kỷ qua, xung đột đã gia tăng đáng kể và trở nên phức tạp hơn và khó giải quyết" – báo cáo của Liên Hiệp Quốc nêu rõ.
Báo cáo chỉ ra rằng tỷ lệ cao nhất các trẻ em trong tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng trên thế giới đang tập trung ở những khu vực xung đột. "Điều này làm dấy lên báo động không thể bỏ qua: Chúng ta sẽ chỉ loại bỏ đói nghèo và tất cả các dạng suy dinh dưỡng vào năm 2030 nếu giải quyết được tất cả các yếu tố làm suy yếu an ninh lương thực và dinh dưỡng”. Chính vì vậy, nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh việc xây dựng xã hội hòa bình là điều kiện cần thiết để đạt được kết quả này.
Nguồn Reuter/FAO/TTXVN