Bánh pía chinh phục thế giới
Sóc Trăng hiện có khoảng 50 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bánh pía với quy mô khác nhau. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến 2 cái tên Tân Huê Viên và Công Lập Thành. Ðây cũng là 2 thương hiệu đang dẫn đầu về mặt hàng này tại thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Bà Lương Hồng Huôn, chủ doanh nghiệp Công Lập Thành, cho biết thị trường xuất khẩu chính của bánh pía Sóc Trăng là Mỹ và một số nước châu Âu. Ngoài ra, Công Lập Thành cũng đang khai thác tích cực thị trường Trung Quốc, “chiếc nôi” của bánh pía.
“Trung Quốc không có thế mạnh về sầu riêng, nên chúng tôi đã đẩy mạnh sản phẩm bánh pía nhân sầu riêng vào thị trường này với khối lượng 20 tấn/đợt sau mỗi 2 tháng. Mức này cũng tương đương với khối lượng xuất khẩu sang Mỹ”, bà Huôn cho hay.
Mỗi đợt hàng như vậy xuất sang Trung Quốc hoặc Mỹ, Công Lập Thành thu về từ 1,4-2 tỉ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có đối tác tại những thị trường xuất khẩu, hỗ trợ phân phối sản phẩm vào các hệ thống siêu thị tại địa phương.
Từ năm 2013, Công Lập Thành đã đạt được chứng nhận Halal để xuất khẩu bánh pía phục vụ cộng đồng Hồi giáo tại Malaysia. Công ty cũng đã có đối tác phân phối sang thị trường Ấn Độ. Ðến năm 2014, Tân Huê Viên cũng đã đạt được chứng nhận này.
Ðể xuất được bánh pía không phải là dễ. Đây là loại bánh có thời hạn sử dụng không dài, nếu bảo quản không tốt thì chất lượng bánh sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức. Trước đây, bánh pía sản xuất thủ công chỉ có thể để được tối đa 1 tháng. Thời gian này sẽ là không đủ, nếu doanh nghiệp muốn xuất hàng sang những thị trường xa như Mỹ hay Canada. Vì thế, cả Tân Huê Viên lẫn Công Lập Thành đều ra sức đầu tư công nghệ sản xuất mới nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của bánh, mà không ảnh hưởng đến chất lượng hay sức khỏe người dùng.
Hiện tại, bánh pía sản xuất quy mô công nghiệp của Tân Huê Viên có thời hạn sử dụng hơn 70 ngày. Còn bánh của Công Lập Thành để được 45 ngày. Theo bà Huôn, Công ty đang tiếp tục cải tiến nhằm nâng hạn dùng lên 75 ngày. “Nhờ kết hợp giữa công nghệ sản xuất với nguyên liệu tốt, bánh pía Sóc Trăng đã có thể đảm bảo chất lượng trong suốt thời gian vận chuyển, đặc biệt là vượt qua được những đợt kiểm tra gắt gao tại những quốc gia như Mỹ”, đại diện Công Lập Thành cho hay.
Cũng nhờ đầu tư quy trình sản xuất khép kín mà các doanh nghiệp còn tiết giảm được khá nhiều chi phí nhân công. Ví dụ, một dây chuyền sản xuất tại Công Lập Thành trước đây cần đến 40 nhân công, nay chỉ cần 10 người là có thể hoàn thành công việc.
Kinh doanh xuất khẩu bánh pía tuy thu về hàng tỉ đồng trên mỗi đơn hàng, nhưng mức lợi nhuận trên mỗi cây bánh 4 cái chỉ khoảng 1-2%. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp chỉ trông chờ vào số lượng bán ra càng nhiều càng tốt.
Cạnh tranh có lẽ không phải là vấn đề khiến Tân Huê Viên hay Công Lập Thành lo ngại. Tuy nhiên, cái khó của 2 thương hiệu này nói riêng và các doanh nghiệp khác tại Sóc Trăng nói chung chính là thị hiếu khách hàng.
“Khách hàng chưa từng thưởng thức bánh pía Sóc Trăng sẽ khó nhận ra sản phẩm cùng loại do tỉnh khác sản xuất. Việc nhầm lẫn gây ảnh hưởng chung đến thương hiệu bánh pía Sóc Trăng vẫn đang diễn ra. Ðây là khó khăn chung của các doanh nghiệp sản xuất bánh pía Sóc Trăng”, bà Huôn, chia sẻ.
Đức Tài