Lê Phan Thứ Bảy | 30/12/2017 09:30

Băng đĩa tắt tiếng trước nhạc số

Thông tin ca sĩ Mỹ Tâm bán hết veo 5.000 album vol. 9 trong vòng 1 giờ đồng hồ khiến nhiều người bất ngờ

Số lượng băng đĩa truyền thống sụt giảm nghiêm trọng trước sự phát triển lớn mạnh của nhạc trực tuyến trong 5 năm trở lại đây đã trở thành điều tất yếu trong xã hội công nghệ. Thế nhưng, bên cạnh việc buông tay của nhiều cơ sở sản xuất, vẫn còn đó một vài cá nhân kiên trì với loại hình quen thuộc.

Nỗ lực duy trì CD truyền thống

Thông tin ca sĩ Mỹ Tâm bán hết veo 5.000 album vol. 9 trong vòng 1 giờ đồng hồ khiến nhiều người bất ngờ. Bởi giữa thời buổi nhạc trực tuyến lên ngôi, đó gần như là điều không tưởng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam. Cùng với Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà nằm trong số những cái tên hiếm hoi có thể đảm bảo lượng đĩa bán chạy. Một lý giải được đưa ra là các ca sĩ này đều sở hữu lượng người hâm mộ hùng hậu và phần đông lượng fan này đều ít nhiều ổn định về mặt tài chính. Mặt khác, cũng có thể thấy các ca sĩ này đều rất quyết liệt trong khâu bản quyền đối với các trang nhạc trực tuyến. Mỹ Tâm từng khẳng định không dưới một lần, cô cảm thấy các trang nhạc trực tuyến Việt Nam thiếu coi trọng bản quyền của nghệ sĩ.

Bên cạnh những cái tên đình đám nói trên thì các gương mặt khác, ít thiên về thị trường nhạc giải trí hơn như Trần Thu Hà, Hồng Nhung, Uyên Linh, Đinh Hương, Nguyên Hà, Trọng Bắc... vẫn chọn cách phát hành CD truyền thống dẫu số lượng hạn chế hơn rất nhiều (khoảng 1.000-2.000 CD). Lẽ dĩ nhiên, để đi ngược dòng cần rất nhiều can đảm bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Đinh Hương từng chia sẻ, số tiền làm album được gom góp dần dần từ những đêm chạy show của cô. Tương tự với album mới nhất của Nguyên Hà - Hồ Tiến Đạt. Đạt hiện vẫn còn loay hoay bán đĩa. Trong khi đó, Địa Đàng 3, dự án đương ấp ủ của Nguyên Hà và nhạc sĩ Quốc Bảo thì đang kêu gọi góp vốn cộng đồng cho hình thức thu âm mới.

Việc thu hồi vốn từ phát hành CD gần như khó làm được, huống hồ là chuyện lợi nhuận. Thế nhưng, nhiều ca sĩ vẫn chọn con đường này, vì với họ, việc phát hành một album dưới hình thức CD mang đến giá trị tinh thần to lớn và có ý nghĩa hơn ra album nhạc trực tuyến. Ca sĩ làm CD trước hết để giải tỏa năng lượng sáng tạo. Nói không quá, CD chính là tâm hồn của ca sĩ tại thời điểm đó. Ý tưởng, cách sắp xếp, bố cục câu chuyện, hình thức thể hiện từ âm thanh, phối khí cho đến thiết kế, hình ảnh trên bìa đĩa... đều được trau chuốt. Nó không đơn thuần là một chiếc đĩa thu - phát nhạc mà là sản phẩm nghệ thuật của rất nhiều công sức.

“Lượng thính giả nghe CD truyền thống vẫn còn. Sở hữu một chiếc CD từ ca sĩ họ yêu thích là điều vô cùng ý nghĩa. Chúng tôi cũng muốn đưa nhạc lên các trang trực tuyến để các ca khúc mới trong album đến gần với người yêu nhạc hơn, nhưng câu chuyện bản quyền của các trang nhạc trực tuyến tại Việt Nam còn rất nhiều điều đáng bàn”, ông Võ Đỗ Minh Hoàng, đại diện truyền thông của ca sĩ Hồng Nhung, chia sẻ.

Hội chợ băng đĩa trong cơn lốc nhạc trực tuyến

Tại TP.HCM, vào thời hoàng kim, có hơn 20 hãng sản xuất và phát hành băng đĩa. Những đơn vị như Đồng Giao, Rạng Đông, Bến Thành Audio... từng làm nên đế chế rực rỡ của ngành sản xuất băng đĩa một thời giờ đây đã lùi vào dĩ vãng. Bà Phan Mộng Thúy, Giám đốc Phương Nam Film, đơn vị sản xuất băng đĩa duy nhất còn trụ lại, chia sẻ trong khuôn khổ Hội chợ băng đĩa Phương Nam lần thứ 15 diễn ra từ ngày 7-10.12.2017: “Ngành sản xuất băng đĩa tại Việt Nam đang gặp cơn khủng hoảng lớn. Số lượng phát hành và doanh thu của Phương Nam Film giảm sút liên tục trong các năm qua. Theo thống kê sơ bộ, doanh thu và số lượng đĩa phát hành của Phương Nam Film trong năm nay đã giảm gần 30% so với năm 2016”.

Xem hội chợ là nơi phục vụ và gặp gỡ các khách hàng trung thành với hình thức CD truyền thống và dàn máy là lý do chính yếu để Phương Nam Film duy trì các lần tổ chức thường niên. “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc, nhu cầu nghe nhìn... của công chúng là rất lớn, rất phong phú và đa dạng. Các sản phẩm chính gốc, có giá trị nghệ thuật vẫn được khách hàng đón nhận và ủng hộ”.

Một trong những lý do giúp Phương Nam Film còn bám trụ lại được với nghề sản xuất băng đĩa trong cơn khủng hoảng là do đơn vị này có ưu thế là chuỗi bán lẻ hiệu quả gồm hệ thống nhà sách trải dài khắp cả nước. Vì vậy, dù cho các cửa hàng, shop băng đĩa thu hẹp trên cả 3 miền, kênh phát hành của Phương Nam hầu như không bị ảnh hưởng. Mặt khác, có thể thấy, Phương Nam Film rất thông minh trong việc lựa chọn khai thác độc quyền tác phẩm của các tác giả nổi tiếng như Phạm Duy, Vũ Thành An, Tuấn Khanh... Điều này giúp họ có thể sản xuất được các đĩa nhạc độc đáo hoặc tạo thu nhập thêm từ việc kinh doanh trên mạng nhờ kho nội dung này.

Bang dia tat tieng truoc nhac so
 

Tại Hội chợ băng đĩa 2017, nhiều khách hàng đã bày tỏ tiếc nuối khi các cuốn băng cassette đã vĩnh viễn bị khai tử khỏi kệ. Bà Thúy khẳng định, đà giảm sút của ngành là xu thế chung của thế giới trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của các trang nhạc trực tuyến. Tuy nhiên, với ngành âm nhạc Việt Nam, vấn đề tiếp tục vấp ở khâu bản quyền. Nếu như trước đây, ngành băng đĩa Việt Nam phải đối phó với nạn băng đĩa lậu thì hiện tại sự nhanh nhạy của các trang nhạc trực tuyến, người dùng YouTube trong việc phát hành miễn phí các sản phẩm âm nhạc không chỉ khiến ca sĩ mà cả đơn vị phát hành đều đau đầu.

Để giải quyết vấn đề này, theo bà Thúy, cần sự chung tay và ý thức của người sử dụng sản phẩm âm nhạc, thay đổi thói quen nghe nhạc miễn phí. Bên cạnh đó, cần có chế tài quyết liệt đối với bản quyền và sở hữu bản quyền. Nói về hướng đi của Phương Nam Film trong tương lai, bà Thúy cho biết, đó thực sự là thách thức rất lớn khiến bà trăn trở mỗi ngày