Lê Phan Thứ Tư | 14/02/2018 14:30

Bàn tay nắm lấy bàn tay

Cầm lòng không đặng, Thảo quyết định đưa tay nắm lấy những bàn tay nhỏ nhắn, mong manh ấy.

Sự tình cờ ngày nào đã đưa Thảo bước vào cuộc hành trình đầy chông gai, thương tổn, những đêm không ngủ nhưng cũng không thiếu tiếng cười.

Ngôi nhà đặc biệt mang tên hạnh phúc

Cuối cùng thì ngôi nhà dành cho trẻ bị xâm hại, lạm dụng tại quận 9, TP.HCM do OBV điều hành sau thời gian thiếu hụt kinh phí đã được sửa sang khang trang, đẹp đẽ. Dãy nhà hơn 20 phòng nằm dưới những tán cây xanh mát, một sân chơi rộng lớn chiều nào cũng đầy ắp tiếng cười là tổ ấm của gần 30 trẻ từ 3-21 tuổi. 

Đây là thành quả và nỗ lực không hề nhỏ của OBV sau rất nhiều lần chim mẹ tha chim con qua chỗ khác làm lại tổ mới. “Chỉ riêng việc đó thôi cũng đã mất rất nhiều công sức, nhiều năng lượng và tổn thương cho trẻ vì phải thay đổi chỗ ở. May mắn là trẻ cảm nhận được tình thương của OBV dành cho mình”, Thảo tâm sự.

Không phải khách nào cũng được ghé thăm nhà. Và nếu may mắn được phép đến thăm, việc đầu tiên bạn phải cam kết là không chụp hình, không máy quay, không được tiết lộ thông tin. Tiếp theo là không được hỏi trẻ những câu hỏi nhạy cảm hoặc gợi nhắc những chuyện đã qua. Bởi những người điều hành OBV và người nuôi dạy, chăm sóc trẻ đều muốn hạn chế hết sức có thể việc để trẻ tiếp xúc với người lạ, hạn chế những thay đổi tác động đến trẻ.

Ban tay nam lay ban tay

Họ càng không muốn đem trẻ ra như một món hàng, một hình ảnh gây thương xót để câu lợi nhuận, tiền bạc từ những nhà hảo tâm hay bất kỳ chương trình từ thiện nào. “Các con rồi sẽ lớn lên, sẽ bước ra cuộc sống, có công việc, lập gia đình như bao người bình thường. Các con cần sự cảm thông nhưng sẽ không chịu nổi những ánh mắt thương hại. Các con cần được chữa lành”. Đó cũng chính là lý do dù hoạt động hơn 10 năm nay, giúp đỡ hàng trăm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt nhưng rất ít người biết đến OBV.

Nuôi một đứa trẻ bình thường có bao nhiêu thứ phải lo lắng, phải chăm sóc. Nuôi mấy chục đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau, đứa nào cũng mang trong mình một nỗi đau, một vết thương tinh thần không hề là chuyện đơn giản. Có trẻ trước khi đến với OBV chưa biết mùi vị một miếng thịt, có trẻ không nhận thức được việc chăm sóc, bảo vệ bản thân, thậm chí có trẻ tồn tại những suy nghĩ lệch lạc. OBV vừa là một gia đình, một mái ấm bình yên, vừa là một ngôi trường nhỏ 

giúp trẻ trang bị kỹ năng sống, tự chủ và tự tin hơn để đưa trẻ hòa nhập lại cuộc sống đời thường khi trở về gia đình. Bên cạnh việc hỗ trợ tâm lý bất cứ khi nào trẻ cần, hỗ trợ thể chất, cách ly khỏi môi trường không an toàn, OBV còn giúp trẻ đến trường học văn hóa, thậm chí vào đại học. Trừ phi trẻ học xong lớp 9 và cảm thấy không học văn hóa nổi nữa, OBV mới khuyến khích trẻ học nghề. Rất nhiều trẻ đã có một trang đời mới tươi sáng hơn hoặc một đoạn đời rất đẹp, đầy yêu thương khi bước ra từ mái nhà này.

Những lần thắt tim đứng dậy

Yên Thảo chia sẻ, một trong những khó khăn nhất của OBV khi tiếp cận những trường hợp trẻ bị xâm hại là việc cách ly khỏi môi trường không an toàn, chưa kể trở ngại trong thủ tục hành chính, giấy tờ vì nhiều trẻ ở vùng sâu vùng xa. Sự e dè từ phía gia đình bởi suy nghĩ “không có ai tốt như vậy đâu”, “chắc họ mang con mình về nuôi lớn hơn chút rồi đem bán”. Bản thân trẻ khi rời khỏi người thân cũng gặp không ít khó khăn để thích nghi. “OBV luôn coi trẻ là người thân trong gia đình nên chúng tôi sẽ có những quyết định đúng đắn dưới góc nhìn của người lớn, tốt cho trẻ nhưng điều đó lại khiến trẻ tổn thương.”.

Ban tay nam lay ban tay
 

Hỏi Thảo những lần như vậy có khiến chị tổn thương, chị xúc động trả lời: “Nếu nói không sẽ là nói dối”. Đã có lúc mỏi mệt chị từng muốn buông tay không làm nữa. Nhưng cũng chính những lúc ấy, nhìn những đứa trẻ OBV đang giúp, thấy sự cố gắng nhỏ nhặt từng ngày của các con, chị như được tiếp thêm động lực để bước tiếp. “Người lớn còn có sai lầm, huống gì là trẻ con. Có thể mong muốn của mình tốt nhưng cách của mình chưa đúng. Luôn có những bài học mới mỗi ngày, những việc mà các thành viên OBV cần giải quyết mỗi ngày bằng chính tình thương trong trái tim mình. Tôi luôn nghĩ những đứa trẻ đó đã bị gia đình quay lưng, xã hội không quan tâm, nếu OBV không đưa tay ra thì các con sẽ thế nào? Cuộc đời được nhìn dưới một lăng kính méo mó, lệch lạc đâu chỉ tổn thương cho riêng trẻ mà còn tác động đến xã hội”.

“Đưa bàn tay nắm lấy một bàn tay mong manh đúng thời điểm đang cần giúp đỡ” là cách Yên Thảo miêu tả về hoạt động của OBV. “Tôi biết những gì OBV đang làm chỉ như muối bỏ biển thôi nhưng nếu vì nghĩ ít không làm thì cuộc đời những đứa trẻ đó sẽ đi về đâu?”. Thực tế, số trường hợp OBV tiếp nhận thông tin lên đến hàng trăm nhưng không phải cứ đến tiếp cận là đưa được trẻ về. Có rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan. “Chẳng hạn, có gia đình bảo trẻ phải ở nhà đi bán vé số, mỗi tháng mang 3 triệu đồng về cho bà nội. Nếu OBV trả cho họ 3 triệu đồng một tháng, họ mới cho trẻ đi. Có trẻ mình muốn giúp vì biết cha dượng xâm hại nhưng khi tiếp cận trẻ thì người mẹ bảo phải đưa cho chị ta 10 triệu đồng để mở một tiệm tạp hóa, trong khi chị ta nợ nần, đề đóm rất nhiều. Có rất nhiều trường hợp chúng tôi chỉ thiết tha mong họ cho mình giúp mà không được...”, Thảo ngậm ngùi. Nghĩ đến tương lai trẻ, Thảo như có vết cắt trong lòng.

One Body Village (OBV) là tổ chức phi chính phủ của Mỹ với sứ mệnh giải cứu và nuôi dưỡng những trẻ em bị xâm hại tình dục. Được thành lập từ năm 2001 đến nay OBV đang có mặt tại 4 nước Đông Nam Á: Việt Nam, Campuchia, Singapore, Malaysia và hỗ trợ gần 1.000 trẻ. Tại Việt Nam, OBV hoạt động được 10 năm với cái tên giản dị “Nhịp Cầu Hạnh Phúc”. Ngôi nhà Nhịp Cầu Hạnh Phúc là nơi chăm sóc, nuôi dạy khoảng hơn 30 trẻ có độ tuổi từ 3-21 tuổi. 

Trực tiếp điều hành hoạt động ngôi nhà này là Chi hội Khoa học tâm lý giáo dục Nhịp Cầu Hạnh Phúc (thuộc Trung ương Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam). Các em khi đến với Nhịp Cầu Hạnh Phúc sẽ được chăm sóc về tâm lý, thể chất, được sống trong môi trường an toàn tuyệt đối. Với sự yêu thương, các em dần quên những chấn thương tâm lý để trở lại cuộc sống bình thường. Sau thời gian ổn định về tâm lý và thể chất, các em được người thân đón về với gia đình.

Đấu tranh không thành, nhiều đêm, chị thao thức, nước mắt cứ thế tự nhiên chảy. “Không biết con có được một giấc ngủ bình yên?” “Tôi chỉ biết động viên mình nhìn vào sự tích cực, rằng ít nhất, sau khi rời OBV, điều tối thiểu là trẻ đã vượt qua cú sốc tâm lý, đã biết cách tự bảo vệ bản thân. Và một lúc nào đó, biết đâu trẻ sẽ nhớ đến một nơi bình yên như thế để trẻ trú ngụ mà vượt qua những trở ngại trong đời”.

Không ít câu chuyện ám ảnh Yên Thảo, khiến chị ray rứt, tự trách bản thân mỗi khi nhắc đến vì đã không quyết liệt hơn, đã không đưa tay kịp lúc. Như trường hợp cô bé bị xâm hại ở Cà Mau. “Chỉ còn 2 ngày nữa cô bé ấy về mái nhà của OBV nhưng đã không kịp nữa rồi. Nếu tôi không chấp nhận để bé ở lại quê thêm 2 ngày thì câu chuyện có lẽ đã khác”, Thảo rơm rớm nước mắt. 10 năm trên hành trình thầm lặng, hoạt động nhiều hơn lời nói, OBV hiện tại cần sự quan tâm và chung tay của xã hội để tiếp tục duy trì hoạt động.