Bệnh viện Quốc tế Bali kỳ vọng giữ chân giới nhà giàu Indonesia. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Thứ Năm | 13/02/2025 15:49

Bali mở "resort y tế": Giữ chân người giàu chữa bệnh

Khu phức hợp y tế 1 tỉ USD ở Bali kỳ vọng giữ chân giới nhà giàu Indonesia, vốn chi 11,5 tỉ USD mỗi năm chữa bệnh ở nước ngoài.

Trên bờ biển ở Sanur, phía Đông Nam Bali, một bệnh viện hiện đại đang dần thành hình. Trải rộng trên 50.000 m², Bệnh viện Quốc tế Bali (BIH) dự kiến mở cửa giai đoạn đầu vào tháng 4 tới, với thiết kế sang trọng như khách sạn, 250 phòng điều trị cao cấp và trang thiết bị hiện đại cho các chuyên khoa như ung thư, thần kinh.

BIH là trung tâm của The Sanur, đặc khu kinh tế y tế cao cấp đầu tiên của Indonesia. Với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỉ USD, khu phức hợp rộng 41,26 ha trải dài 2 km bờ biển này không chỉ nhắm đến du lịch y tế mà còn kỳ vọng thu hút một phần trong số 11,5 tỉ USD mà giới nhà giàu Indonesia chi mỗi năm để chữa bệnh ở nước ngoài.

“Một bệnh viện hiện đại có thể tìm thấy ở nhiều nơi, nhưng tại BIH, bệnh nhân sẽ được điều trị trong môi trường thiên nhiên tuyệt đẹp”, Bộ trưởng Điều phối Cơ sở hạ tầng và Phát triển vùng Agus Harimurti Yudhoyono nhấn mạnh trong chuyến thăm bệnh viện hồi tháng 1. Ông cho rằng, không gian xanh và yên tĩnh sẽ hỗ trợ quá trình hồi phục cả về thể chất lẫn tinh thần.

Dự án này, cùng với một khu y tế khác gần Singapore, đã thu hút các đối tác từ Đức, Ấn Độ, Malaysia và nhiều nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên, BIH đối mặt với thách thức lớn sau khi Mayo Clinic, đối tác chiến lược từ Mỹ, rút lui. Thiếu hụt bác sĩ, tranh cãi quanh kế hoạch tuyển chuyên gia nước ngoài và chi phí trang thiết bị cao cũng khiến dự án chậm tiến độ.

Mỗi năm, hơn 1 triệu người Indonesia ra nước ngoài chữa bệnh. “Chúng ta mất 11,5 tỉ USD vì họ không muốn điều trị trong nước”, cựu Tổng thống Joko Widodo nói hồi năm ngoái.

Nhằm thay đổi tình trạng này, ông Jokowi khởi công xây dựng BIH vào năm 2021 và chỉ hai tuần trước khi rời nhiệm sở hồi tháng 10/2023, ông tiếp tục đặt nền móng cho khu kinh tế y tế thứ hai tại Batam, cách Singapore một giờ đi phà. Chính quyền mới dưới thời Tổng thống Prabowo Subianto cam kết tiếp tục phát triển hạ tầng y tế, coi đây là trọng tâm chiến lược.

The Sanur và BIH do InJourney, tập đoàn du lịch nghỉ dưỡng quốc doanh, và Pertamedika IHC, công ty quản lý bệnh viện nhà nước, phát triển. Trong khi đó, dự án Batam do Tập đoàn Mayapada, một trong những hệ thống bệnh viện tư nhân lớn nhất Indonesia, điều hành. Tập đoàn này cam kết đầu tư 6,91 nghìn tỉ rupiah (423 triệu USD) đến năm 2032 và hợp tác với Apollo Hospitals (Ấn Độ) để xây dựng bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.

Khảo sát năm 2023 của Bộ Y tế Indonesia cho thấy cứ 1.000 hộ gia đình thì có ít nhất một hộ đã tìm kiếm dịch vụ y tế ở nước ngoài trong ba năm qua. Malaysia, Singapore, Ả Rập Xê Út, UAE và Hàn Quốc là năm điểm đến hàng đầu, trong đó kiểm tra sức khỏe tổng quát là dịch vụ được ưa chuộng nhất.

Chất lượng dịch vụ, độ chính xác trong chẩn đoán và đội ngũ y tế tận tâm là những lý do khiến nhiều người Indonesia chọn chữa bệnh ở nước ngoài.

Cintamy Amania, 38 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Jakarta, là một trong số đó. Mẹ cô, 80 tuổi, mắc bệnh tim và có dấu hiệu sa sút trí tuệ, nhưng các bệnh viện Indonesia “không coi đây là vấn đề nghiêm trọng”. “Bệnh viện tại Jakarta có thể điều trị bệnh tim cho mẹ tôi, nhưng không có dịch vụ chăm sóc dành riêng cho chứng sa sút trí tuệ”, Amania chia sẻ.

Chỉ khi đưa mẹ sang Singapore, cô mới tìm được giải pháp điều trị tích hợp. Hai mẹ con cô hiện di chuyển đến Singapore mỗi sáu tháng một lần, tốn khoảng 1 tỉ rupiah (61.200 USD) mỗi năm.

Dịch vụ y tế tại các nước láng giềng thậm chí còn rẻ hơn trong một số trường hợp. Hơn 1/3 người được khảo sát cho biết “giá cả hợp lý” là lý do họ chọn chữa bệnh ở nước ngoài.

Một cư dân Jakarta cho biết cô chỉ tốn tổng cộng 8 triệu rupiah để kiểm tra sức khỏe tại Penang (Malaysia) hồi tháng 9/2023, bao gồm vé máy bay và khách sạn. Trong khi đó, chỉ riêng chi phí kiểm tra tại Jakarta đã lên tới ít nhất 5 triệu rupiah. “Dịch vụ tại Penang toàn diện hơn nhiều, từ tư vấn đến chế độ dinh dưỡng cá nhân hóa”, cô nói.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng thuế nhập khẩu thiết bị y tế cao là nguyên nhân khiến chi phí y tế tại Indonesia đắt đỏ. Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin bác bỏ quan điểm này, cho rằng nguyên nhân chính là do "chuỗi phân phối đã đội giá lên". “Một thiết bị tiên tiến có giá 8 tỉ rupiah nhưng khi mua tại Indonesia có thể bị đẩy lên tới 18 tỉ rupiah”, ông Sadikin nói.

Bộ trưởng cũng thừa nhận chất lượng y tế của Indonesia vẫn tụt hậu so với các nước láng giềng. “Malaysia đã thu hẹp khoảng cách với Singapore về chất lượng, nhưng chi phí lại thấp hơn. Vì vậy, ngày càng nhiều người Indonesia chọn sang đó chữa bệnh”, ông nhận định.

Tình trạng thiếu bệnh viện và bác sĩ từ lâu đã là vấn đề nan giải của Indonesia. Cả nước hiện có khoảng 160.000 bác sĩ đa khoa phục vụ 280 triệu dân, trong khi theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Indonesia cần thêm 120.000 bác sĩ để đạt tỉ lệ 1 bác sĩ trên 1.000 dân.

Ông Hasbullah Thabrany, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Y tế Indonesia, cho biết sự thiếu hụt này khiến nhiều bác sĩ phải làm việc tại nhiều cơ sở y tế cùng lúc, khác với các đồng nghiệp tại Singapore và Malaysia, nơi bác sĩ thường làm việc toàn thời gian tại một bệnh viện. Trong khi đó, Bộ trưởng Sadikin cho biết tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng với bác sĩ chuyên khoa, khi Indonesia vẫn thiếu khoảng 29.000 người.

Chính phủ đã mở rộng chương trình học bổng cho sinh viên y khoa và năm 2023 đã thông qua luật cho phép tuyển dụng bác sĩ nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình cấp phép hành nghề cho bác sĩ ngoại quốc vẫn gặp nhiều rào cản.

Những rào cản này được cho là nguyên nhân khiến Bệnh viện Quốc tế Bali (BIH) bị chậm tiến độ. Ban đầu, bệnh viện dự kiến khai trương năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyên gia nước ngoài nào được cấp phép hành nghề, dù cơ sở này có kế hoạch tuyển dụng ít nhất 9 bác sĩ ngoại.

BIH thuộc sở hữu của tập đoàn nhà nước Pertamedika IHC, từng tuyên bố hợp tác với Mayo Clinic (Mỹ) làm đối tác chiến lược. Tuy nhiên, năm 2023, Mayo Clinic làm rõ rằng họ chỉ đóng vai trò tư vấn chứ không tham gia vận hành bệnh viện.

Bất chấp những khó khăn, tập đoàn InJourney vẫn tiếp tục đầu tư 10 nghìn tỉ rupiah (635 triệu USD) vào khu phức hợp The Sanur. Họ đã xây dựng trung tâm hội nghị sức chứa 5.000 người, cải tạo hai khách sạn ven biển và lên kế hoạch mở tám phòng khám tư nhân, cung cấp dịch vụ từ điều trị tế bào gốc, chăm sóc người cao tuổi đến cấy tóc và phẫu thuật thẩm mỹ.

Bà Maya Watono, CEO của InJourney, cho biết các phòng khám quốc tế đang hợp tác với đối tác trong nước để phát triển cơ sở y tế, thu hút đầu tư lớn vào khu vực này. Trong số đó có Alster Lake Clinic (Đức), đơn vị sẽ xây dựng trung tâm liệu pháp chống lão hóa, và Alpha IVF (Malaysia), cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh sản.

Bà Christine Hutabarat, CEO của Hotel Indonesia Natour, đơn vị quản lý khách sạn thuộc InJourney, ước tính dự án có thể cần thêm 10 nghìn tỉ rupiah (635 triệu USD) để hoàn thiện. “The Sanur đặt mục tiêu trở thành lựa chọn hàng đầu của giới nhà giàu Indonesia khi tìm kiếm dịch vụ y tế đẳng cấp thế giới vào đầu năm 2027”, bà nói.

Nguồn Nikkei Asia