Bài học từ 3 tỷ phú: Không dám sai lầm, làm sao có thành công?
Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Charles Chu. Ảnh minh họa: warboss36 trên Reddit
Không phải ai cũng biết đến tỷ phú Ray Dalio, và chính ông cũng mong muốn điều này.
Được đánh giá là một trong "100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới" theo tạp chí Time, Dalio là người sáng lập Bridgewater Associates - quỹ phòng hộ (hedge fund) thế giới – quản lý số tiền lên đến 122 tỷ USD.
Có lẽ giờ này bạn đang hình dung một số đặc điểm về Dalio – tỷ phú thì phải thế này, trùm quản lý quỹ thì phải thế kia. Nhưng hãy an tâm là bạn đã sai.
Đơn giản bởi vì hầu hết chúng ta đều không biết thế nào là một người thành công thực sự. Đó là điều mà Dalio đã học được từ khi ông bắt đầu gầy dựng Bridgewater.
Dưới đây là một đoạn trích từ cuốn sách ngắn “Principles” - một tuyên ngôn sáng giá về các quy tắc sống và kinh doanh của Dalio:
“... Có những hình ảnh phổ biến về sự thành công - kiểu như một quý ông bảnh bao hay một phụ nữ quý phái bước ra từ trang catalogue của thương hiệu thời trang Ralph Lauren, với một bản danh sách dài liệt kê tất cả những thành tựu của họ như theo học tại các trường thuộc hàng top, và được đào tạo tại một trường đại học trong nhóm Ivy League, luôn luôn hoàn thành xuất sắc các bài kiểm tra,... Nhưng thật đáng tiếc, những gì vừa liệt kê trên đây lại là không chính xác khi nói về những tấm gương thành công điển hình”.
Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ Bridgewater Associates. Ảnh: zerohedge.com |
Thay vào đó, Dalio nhận thấy rằng những người thực sự thành công luôn có một sự khiêm tốn đầy thú vị:
“Những con người vĩ đại đã trở nên vĩ đại bằng cách nhìn thẳng vào sai lầm và điểm yếu của mình, và tìm ra phương pháp để giải quyết chúng. Vì vậy, tôi đã học được rằng những người dám đối mặt với hầu hết mọi thứ họ gặp phải trong thực tế, đặc biệt là những trở ngại khó khăn, thì bản thân họ học hỏi được nhiều nhất và đạt được những gì họ muốn nhanh hơn những người chỉ biết né tránh. Đó mới chính là những con người vĩ đại - những người tôi muốn có ở xung quanh mình.”
Hãy lấy ví dụ về bất kỳ vị tỷ phú tự thân thành đạt nào, hay những người đạt thành tích cao trong bất kỳ lĩnh vực nào, và bạn sẽ tìm thấy một số lượng lớn những người “yêu thích thất bại” (failure-loving).
Chẳng hạn, đây là lời trích dẫn từ tỷ phú Charlie Munger - đối tác kinh doanh lâu năm của “phù thủy xứ Omaha” Warren Buffett:
“Không có cách nào để bạn có thể sống một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa mà không mắc phải sai lầm. Thực tế là trong cuộc sống, bạn phải luôn đủ giỏi để xử lý những sai lầm. Tâm lý phủ nhận chính là cách thường khiến con người ta sụp đổ. ” (trích trong cuốn sách “Tao of Charlie Munger”)
Vì thế, sai lầm chính là thước đo của sự thành công.
Tỷ phú Charlie Munger, phó chủ tịch của Berkshire Hathaway. Ảnh: investopedia.com |
Vẫn chưa đủ thuyết phục ư? Đây là lời của tỷ phú George Soros – một trong những nhà giao dịch thành công nhất mọi thời đại:
“Trên bình diện cá nhân, tôi là một người rất hay chỉ trích. Tôi hay tìm kiếm các khuyết điểm của bản thân cũng như của những người khác. Nhưng, quan trọng nhất, tôi biết tha thứ. Tôi không thể nhận ra những sai lầm của bản thân nếu tôi không thể tự tha thứ cho chính mình. Đối với người khác, sai lầm là một sự hổ thẹn; nhưng với tôi, nhận ra những sai lầm của bản thân là cả một sự tự hào. Chúng ta nên chấp nhận sự thật rằng việc có hiểu biết không hoàn hảo là điều tất yếu của con người, sai lầm không có gì phải xấu hổ cả. Chúng ta chỉ nên xấu hổ khi biết bản thân mình sai mà không chịu sửa chữa.” (trích trong cuốn “Soros on Soros”)
Tất nhiên, nói thì lúc nào cũng dễ hơn làm.
Tỷ phú George Soros, nhà sáng lập quỹ Quantum Fund. Ảnh: osservatoriogender.it |
Vượt qua nỗi đau, phát triển bản thân
Có một lý do mà rất nhiều người trong chúng ta đầu hàng khi đối mặt với thất bại - đó là việc đối mặt với thất bại mang lại cảm giác rất khủng khiếp.
Dalio có một tên gọi cho cảm giác này:
“Tôi gọi sự đau đớn xuất phát từ việc nhìn vào sai lầm của bản thân và những người khác là “nỗi đau trưởng thành” (growing pain), bởi vì đó là nỗi đau đi kèm với sự phát triển cá nhân. Nếu bạn không dám chịu đau, thì bạn không thể lớn lên (no pain, no gain)”.
Hầu hết ai cũng thất bại một vài lần, bị tổn thương, và tự nhủ rằng: “Tôi không thể chịu đựng nổi việc này. Nó quá đau đớn. Tôi không thể làm được.”
Nói ra điều này chẳng giúp được gì cả. Thay vào đó, hãy chấp nhận rằng nỗi đau đó là hoàn toàn tự nhiên:
“... dường như bản chất của chúng ta là quá tập trung vào sự thỏa mãn ngắn hạn hơn là sự hài lòng lâu dài ... Sự kết nối giữa việc chấp nhận nỗi đau và phần thưởng mà nó mang lại không đến với chúng ta một cách tự nhiên” (Ray Dalio).
Gắn kết nỗi đau với lợi ích lâu dài không phải là một phản ứng tự nhiên của con người, nhưng chúng ta có thể học được điều này. Hơn thế nữa, nếu làm tốt, khi những cơn đau như thế xuất hiện thì chúng sẽ khiến chúng ta cảm thấy tốt hơn.
Ray Dalio gọi trạng thái tâm lý này là “niềm vui trưởng thành” (growing pleasure):
“Nếu bạn có thể nhận ra sự liên hệ giữa những nỗi đau nhất thời với những lợi ích dài hạn, những khoảnh khắc đó sẽ bắt đầu gợi lên niềm vui chứ không hẳn là nỗi đau. Nó tương tự như chuyện tập thể thao. Những ai kiên trì tập luyện sẽ trở nên vui vẻ khi nhận ra mối liên kết giữa việc tập thể dục và lợi ích của nó”.
Chìa khóa để đạt được trạng thái này là bạn cần đẩy lùi những ranh giới vây quanh mình:
“...Theo quy luật tự nhiên, việc đẩy lùi những ranh giới sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn, điều này sẽ tạo ra những kết quả tốt hơn để khuyến khích bản thân. Bạn càng thử thách bản thân càng nhiều, bạn sẽ càng dễ thích nghi và làm mọi việc dễ dàng hơn. Vì vậy, nếu bạn không đầu hàng, nghĩa là nếu bạn cứ tiến tới mặc cho ‘nỗi đau’ đang âm ỉ bên trong, bạn sẽ tự nhiên “tiến hóa” với tốc độ ngày một nhanh hơn. Tôi đặt niềm tin vào điều này, tôi tin rằng việc mình có đạt được mục tiêu hay không chính là phép thử đối với tính cách của tôi. Đó là một trò chơi mà tôi tham gia, nhưng trò chơi này là thật” (Ray Dalio).
Sơ đồ dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn:
Mở rộng các ranh giới → Đạt được thắng lợi nhỏ → Có động cơ → Mở rộng thêm ranh giới → Có thêm động lực khác → Giành được nhiều thắng lợi lớn hơn.
Thông thường, chúng ta chỉ trầm trồ điều kỳ diệu mà người khác làm được - nâng tạ ngàn cân, kiếm được 1 triệu USD trong một phi vụ thương mại, đi thăng bằng trên dây ở độ cao trăm mét - nhưng dường như chúng ta đã quên mất một điều, rằng ban đầu họ đã không bắt đầu như vậy, chẳng ai sinh ra là tự nhiên tài giỏi cả. Giống như mọi người khác, họ bắt đầu từ những bước tiến nhỏ.
Định nghĩa lại thất bại bằng Gamification
Hiểu một cách cơ bản thì gamification (trò chơi hóa) là việc ứng dụng các nguyên lý, thành tố trong thiết kế game vào các tình huống ngoài đời. Khi còn là một cậu bé, Charles Chu đã chơi game cả ngày, xem nó như một cách trốn tránh khỏi cuộc sống thực tế. Cho đến gần đây, anh cũng chưa bao giờ nghĩ rằng khoảng thời gian chơi game đó có thể hữu ích.
Tuy nhiên, Dalio cho rằng:
“Hãy đối xử với cuộc sống của bạn như một trò chơi hay một môn võ thuật. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra cách để vượt qua thách thức của chính bản thân để đạt được mục tiêu. Trong quá trình chơi hoặc thực hành võ thuật, bạn sẽ có kỹ năng cao hơn. Khi kỹ năng của bản thân ngày càng khá lên, bạn sẽ tiến đến cấp độ cao hơn (lên level) theo yêu cầu của trò chơi, và học được nhiều kỹ năng ở bậc cao hơn”.
Gamification không phải là xem cuộc sống chỉ tầm thường như một trò chơi, mà chính là cách để tư duy lại về cuộc sống và những thất bại, để thấy mọi thứ trở nên thú vị hơn. Và khi bạn thấy điều gì đó làm bạn thú vị, bạn sẽ theo đuổi nó mãi mãi.
Nếu bạn nhìn vào những người thực sự đam mê chơi game, bạn sẽ nhận thấy rằng sớm hay muộn thì các trò chơi đơn giản sẽ không còn làm họ hài lòng. Họ cần nhiều yếu tố phức tạp hơn, khó khăn hơn, mang tính nhiều thực tế hơn.
Vậy trò chơi nào mới đem lại cảm giác phức tạp, khó khăn và thực tế hơn? Đó chính là cuộc sống – thứ mà chúng ta vẫn đang đối diện hằng ngày.
Một khi nhận ra được điều đó, có lẽ chúng ta không cần phải chơi game nữa.
Ý Nhi
Nguồn Coach.me