Bác sĩ ngay cửa nhà
Từ khi COVID-19 bắt đầu bùng phát vào đầu năm 2020, ông Xuân Kỹ đã thay đổi địa điểm thăm khám định kỳ hằng tháng từ Bệnh viện Thành phố Thủ Đức sang một trong những phòng khám cũng của bệnh viện này. Đã 66 tuổi, có nhiều bệnh mãn tính, ông Xuân Kỹ sẵn sàng chi thêm khoản chênh lệch từ 100.000-200.000 đồng để đi lấy thuốc ở phòng khám thay vì ở bệnh viện, đổi lại, ông tránh được nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vì phòng khám vắng người hơn nhiều so với bệnh viện.
Trường hợp này có ghi nhận trong Báo cáo Triển vọng ngành Chăm sóc sức khỏe toàn cầu của Deloitte. Báo cáo này nhận định, COVID-19 đã thúc đẩy nhiều xu hướng chăm sóc sức khỏe mới, trong đó có thay đổi hành vi người tiêu dùng, tích hợp khoa học vào chăm sóc sức khỏe, công nghệ y tế kỹ thuật số phát triển nhanh chóng, các mô hình dịch vụ chăm sóc mới và đổi mới lâm sàng.
Khi các bên liên quan trong ngành, từ y bác sĩ đến bệnh nhân, trải qua những trải nghiệm mới mẻ với họ như làm việc từ xa, thăm khám bác sĩ ảo, thiếu nhân lực trong ngành, thì lĩnh vực này đang chuyển đổi để đáp ứng thách thức mới.
“Trước những tiền đề trên, phi tập trung hóa và số hóa là 2 xu hướng tất yếu đối với ngành chăm sóc sức khỏe Việt Nam”, ông Dilshaad Ali Bin Abas Ali, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, nhận định.
Với bệnh viện, phi tập trung là việc mở thêm phòng khám tại những vị trí thuận tiện cho người bệnh để họ đi thăm khám. Là một trong những bệnh viện nằm ở giữa các khu công nghiệp và khu chế xuất, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức tiếp nhận trung bình 8.000 lượt khám mỗi ngày. Việc thiết lập mạng lưới 5 phòng khám, phần lớn đặt gần nơi ở của người lao động hoặc ngay bên trong khu chế xuất vừa giúp giảm tải cho bệnh viện, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Việc mở phòng khám còn có ý nghĩa về mặt kinh tế đối với những bệnh viện tư nhân muốn mở rộng quy mô. Đầu tư phòng khám giảm rủi ro mất vốn lớn so với việc đầu tư bệnh viện, dễ dàng mở rộng quy mô khi lượng khách hàng tăng lên, đồng thời giúp tăng khả năng tiếp cận đến khách hàng. “Vẫn còn chỗ để đầu tư”, ông Dilshaad nói về việc Hoàn Mỹ sẽ tiếp tục mở thêm phòng khám từ con số 7 cơ sở trong thời gian tới, với ước tính những địa điểm này sẽ phục vụ 60-75% lượng bệnh nhân.
Ngoài ra, bác sĩ gia đình cũng là một giải pháp hữu hiệu cho việc không tập trung bệnh nhân ở bệnh viện. Với hệ thống y tế, việc phi tập trung thể hiện trong việc người bệnh thăm khám, chữa bệnh tại bệnh viện địa phương nơi họ sinh sống, tránh tình trạng các bệnh viện tuyến cuối làm thêm việc thăm khám ban đầu.
Trong xu hướng này, mHealth được PwC định nghĩa là việc cung cấp thông tin liên quan đến sức khỏe hoặc chăm sóc sức khỏe bằng thiết bị di động (điện thoại di động hoặc các thiết bị y tế chuyên dụng khác). mHealth bao gồm các ứng dụng và dịch vụ di động, theo dõi bệnh nhân từ xa, hội nghị và tư vấn trực tuyến...
Giãn cách trong 2 năm dịch bệnh đã đẩy nhanh việc phát triển mHealth trong toàn hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Các bệnh viện công lẫn tư ra mắt những dịch vụ thăm khám, tư vấn từ xa. Chỉ với chiếc smartphone có kết nối mạng, bệnh nhân có thể được chẩn đoán bệnh, nhận toa thuốc, thậm chí nhận thuốc mà không cần ra khỏi nhà. “Bệnh nhân sẽ có thể gặp bác sĩ ngay cửa nhà”, ông Dilshaad nói về xu hướng được củng cố mạnh mẽ hơn sau đại dịch. Khi bệnh viện được chia sẻ gánh nặng khám chữa bệnh ban đầu, họ có thể đầu tư nguồn lực cho việc nghiên cứu và phát triển những phương pháp chữa trị mới.
Telehealth (khám chữa bệnh từ xa) là một trong những thay đổi tích cực nhất. Chỉ trong một thời gian cực ngắn, toàn bộ bệnh viện tại Việt Nam, từ cấp huyện đến cấp trung ương, đã được kết nối với nhau bằng Telehealth. Câu chuyện điều trị một sản phụ đang mang thai 28 tuần bị ung thư cổ tử cung trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19 là một điển hình. Qua Telehealth, các bác sĩ Bệnh viện K đã hội chẩn trực tuyến với các giáo sư về ung thư sản phụ khoa tại Paris và chuyên gia sản khoa của Bệnh viện Phụ sản Trung ương để tìm ra phác đồ điều trị tối ưu cho người bệnh.
Với dân số khoảng 99 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á. Dân số đông, trọng tâm chăm sóc sức khỏe của Chính phủ cũng như nỗ lực đạt được Bảo hiểm y tế toàn dân vào năm 2030, sự hợp tác công tư trong đầu tư chăm sóc sức khỏe là những yếu tố PwC cho rằng sẽ mang lại tăng trưởng và thuận lợi cho lĩnh vực này. Các dự án như dự án bệnh viện vệ tinh và dự án phát triển y tế thông minh giai đoạn 2019-2025 sẽ làm thay đổi cục diện y tế của đất nước.
Tuy vậy, việc thay đổi thói quen của người bệnh, khiến họ chuyển hướng đi khám bác sĩ gia đình vẫn còn nhiều quan ngại về chuyên môn. Ngoài ra, việc bảo hiểm y tế toàn dân cho phép điều trị thông tuyến cũng là một trở ngại cho việc phát triển y tế gia đình. Tin vui là theo Phó Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế, ông Nguyễn Trọng Khoa, giải pháp bác sĩ gia đình sẽ được đưa vào Luật khám chữa bệnh trong thời gian tới. Việc phân quyền 3 cấp, trong đó bệnh viện vệ tinh chăm sóc ban đầu cho bệnh nhân và chuyển đổi số cũng dự kiến sẽ được luật hóa vào đầu năm 2023.