Top 10 doanh nghiệp lớn năm nay chủ yếu đến từ các lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông và bất động sản.

 
Cẩm Tú Thứ Năm | 21/11/2024 08:53

Anphabe: Thị trường lao động có dấu hiệu ấm lên

Khảo sát mới nhất của Anphabe cho thấy, thị trường lao động đã có dấu hiệu ấm lên sau nhiều năm biến động.

Cuộc khảo sát năm 2024 của Anphabe thu thập ý kiến từ hơn 65.000 người lao động, 253 lãnh đạo và quản lý nhân sự tại hơn 700 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành. Dữ liệu khảo sát giúp doanh nghiệp đo lường điểm mạnh, điểm yếu trong chiến lược nhân sự, đồng thời đưa ra các giải pháp cải thiện nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.

Theo bà Thanh Nguyễn, Giám đốc Điều hành Anphabe, khảo sát năm nay cho thấy thị trường lao động đã có dấu hiệu ấm lên sau nhiều năm biến động. Tuy nhiên, hơn 50% người lao động được khảo sát cho biết, họ chưa thực sự hạnh phúc tại nơi làm việc, chủ yếu do mức thu nhập chưa đáp ứng kỳ vọng, thiếu động lực và niềm vui trong công việc.

Tính đến hết quý 3, chỉ có 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực.
Tính đến hết quý III, chỉ có 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực.

Theo Anphabe, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, 33% doanh nghiệp đã lên kế hoạch mở rộng nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất tăng cao. Nhờ sự khởi sắc của nền kinh tế, 60% người lao động được tăng lương trong năm nay, so với chỉ 15% trong năm ngoái. Tuy nhiên 74% nhân viên luôn cảm thấy thu nhập không đủ sống và có 65% người được hỏi tin rằng nguyên nhân đến từ việc doanh nghiệp trả lương thấp hơn năng lực bản thân.

Theo Anphabe, năm 2024, chỉ số hạnh phúc (được xác định dựa trên mức độ gắn kết, động lực cống hiến và cam kết gắn bó lâu dài) của nhân sự Việt xuống mức thấp nhất 5 năm qua. Tính đến hết quý III, chỉ có 49% người đi làm có các chỉ số hạnh phúc tích cực. Một trong những nguyên nhân là đến từ áp lực tài chính và vấn đề trở thành cực kỳ nghiêm trọng đối với nhóm lao động nhân viên.

Cụ thể, cứ ba nhân viên thì một người cảm thấy "có sức khỏe tài chính tích cực", tương đương 74% người tham gia khảo sát cảm thấy thu nhập hiện tại không đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Người lao động luôn trong trạng thái "tài chính yếu nên tuổi trẻ liêu xiêu", mong ngóng ngày nhận lương.

Đối với nhân viên, chỉ có 35% sống dựa vào lương, 65% còn lại luôn lo lắng và tìm kiếm nguồn tài chính khác như tìm kiếm việc làm thêm, bán buôn, tìm kiếm trợ cấp từ gia đình, đầu tư vào cổ phiếu, tiền số...

Cùng với kết quả khảo sát, Công ty Anphabe và Intage cũng công bố danh sách Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là năm thứ 11 danh sách này được công bố và năm thứ 2 áp dụng cách phân loại theo các nhóm Top 1, Top 10, Top 20 và Top 50. Việc chia top này, theo Anphabe, nhằm ghi nhận những nỗ lực của các doanh nghiệp trong xây dựng môi trường làm việc lý tưởng.

Unilever Việt Nam giữ vị trí số 1 trong khối doanh nghiệp lớn, nhờ triết lý "con người là cốt lõi của kinh doanh". Đơn vị khảo sát đánh giá Unilever Việt Nam là nơi có môi trường làm việc cởi mở, chú trọng các chương trình học tập suốt đời vì mục tiêu phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Top 10 doanh nghiệp lớn năm nay chủ yếu đến từ các lĩnh vực tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông và bất động sản. Bảng xếp hạng ghi nhận Vingroup dẫn đầu khối doanh nghiệp lớn ở 4 nhóm ngành, là bất động sản, dược-chăm sóc sức khỏe, kỹ thuật-cơ khí và dịch vụ tư vấn, giáo dục, truyền thông.

Ở khối doanh nghiệp vừa, PepsiCo Food Việt Nam duy trì vị trí số 1 trong hai năm liên tiếp. Đây là công ty được đánh giá có môi trường làm việc năng động, sáng tạo, khuyến khích phát triển cá nhân thông qua các chương trình đào tạo và chính sách phúc lợi hấp dẫn.

Năm nay, bảng xếp hạng cũng gồm các tên tuổi mới lần đầu góp mặt như Lego Manufacturing Việt Nam, Imexpharm và Capitaland Development Việt Nam; Công ty CP Dược Phẩm IMEXPHARM (dược/thiết bị y tế/chăm sóc sức khỏe)…