_121629724.png)
Trong 10 năm, Amy học cách tha thứ, chữa lành và yêu thương bản thân nhiều hơn. Ảnh: Cao Sanh.
Amy Minh Hạnh Corey: Thiên nhiên chữa lành mọi tổn thương
Ngoài những vết sẹo đã cũ dọc từ vai xuống cổ tay, để lại sau những lần tự làm đau bản thân vì trầm cảm, trên mu bàn tay của Amy Minh Hạnh Corey còn xăm thêm hình một con rắn nhỏ. Với cô, hình xăm này không phải để khoe mà như một lời nhắc về tuổi thơ chẳng mấy dễ dàng.
Thời điểm được nhận nuôi từ Đà Nẵng sang Mỹ, không ai nghĩ một đứa trẻ đã thiệt thòi lại phải tiếp tục chịu thêm những “trận đòn roi tinh thần” ở tuổi lên 8. Ở trường, bọn trẻ gọi cô bằng nhiều cái tên chẳng ra gì, miệt thị ngoại hình và cô lập. Những lời nói và hành động đó không trực tiếp tổn thương cơ thể, nhưng sự u uất và bất lực mà nó gây ra có thể giày vò một người trong thời gian dài, đẩy họ vào nỗi đau tự hủy hoại chính mình. Amy là một trong số đó.
“Đấu tranh với trầm cảm là một cuộc chiến tàn bạo và không ngừng nghỉ giữa phần cơ thể đang muốn tận hưởng cuộc sống và phần tâm trí chỉ muốn bỏ cuộc”, cô gái 28 tuổi đã trở thành Đại sứ Văn hóa Hòa bình của Quỹ Hòa bình và Phát triển TP.HCM (HDPF) vào năm 2019, cho biết.
Ngày đó, những lúc ở một mình, cô hay đắm chìm vào chương trình “The Crocodile Hunter” của nhà động vật học nổi tiếng Steve Irwin. Khi thấy ông nâng niu con rắn, lòng cô dậy sóng: “Tôi cũng giống vậy - luôn bị hiểu sai, bị xa lánh và không được chào đón”.
Thực ra Amy không cô độc như cô nghĩ. Mẹ nuôi đã luôn ở bên cô như một người bạn thân và cố gắng cho cô một cuộc sống tốt hơn, như việc bà đã cho cô đi học thanh nhạc để thỏa đam mê ca hát. Và chính sự kiên cường của người mẹ nuôi, người đã phải chống chọi căn bệnh ung thư mà không khuất phục dù chỉ một ngày trong suốt hơn 5 năm, đã soi sáng đường đi cho Amy. Cô, nước mắt lưng tròng, nhớ lại mẹ từng khích lệ: “Nếu con không thể thấy được ánh sáng của lối ra, hãy tự tạo ánh sáng cho chính mình”.
![]() |
Năm Amy 16 tuổi, mẹ nuôi của cô qua đời và không thể chứng kiến việc cô bước chân vào ngành âm nhạc chỉ 2 năm sau khi cô đạt được sự trưởng thành hơn về mặt tâm lý. Ở tuổi 18, cô đã có thể bộc bạch về bản thân, chia sẻ hành trình vượt qua khó khăn tinh thần cho những người cùng cảnh ngộ. Kể từ đó, Amy đã ngừng có những hành động tự làm hại bản thân được hơn 11 năm, tính tới thời điểm gặp gỡ với NCĐT.
Cũng như loài rắn biết lột da để khoác lên lớp vảy mới kiên cường, hình xăm ngày hôm nay đã trở thành một biểu tượng nhắc nhở Amy về sự mạnh mẽ và khả năng chữa lành của chính bản thân. Cô nói: “Mẹ tôi đã cố gắng một cách kiên cường vì các con, nên giờ đây tôi cảm thấy mình nên tiếp tục mang theo sức mạnh đó”.
10 năm lăn lộn trong thị trường âm nhạc lại đẩy Amy đến một cuộc chiến khác. Dù miệt mài theo đuổi đam mê, định kiến về chủng tộc và việc bị phủ nhận nguồn gốc khiến cuộc sống của cô trở nên ngột ngạt. Ngay cả cái tên của mình cũng không được toàn vẹn - đội ngũ quản lý trong ngành âm nhạc áp đặt rằng cô chỉ được dùng “Amy Corey” thay vì “Amy Minh Hạnh Corey”.
Cũng trong 10 năm ấy, Amy học cách tha thứ, chữa lành và yêu thương bản thân nhiều hơn. Với sức mạnh từ nội lực mới này, cô quyết định viết lại câu chuyện đời mình, rời khỏi ngành công nghiệp âm nhạc - không phải bỏ cuộc, mà để tìm lại chính mình. “Họ nói với tôi rằng các hãng thu âm lớn sẽ không bao giờ ký hợp đồng với tôi vì tôi là người châu Á, vì tôi là người Việt Nam. Điều đó khiến tôi muốn chứng minh rằng người Việt Nam có thể tự vươn lên dù phải đối mặt với sự bất lợi bao nhiêu đi chăng nữa”, cô cương quyết nói.
Chọn Sài Gòn làm điểm dừng chân đầu tiên, từ đây, song song với ca hát, cô chuyển hướng theo đuổi việc diễn thuyết nâng cao nhận thức sức khỏe và hoạt động vì cộng đồng. Trong đó, chuyến đi cùng Hội Từ thiện Trẻ em Sài Gòn đến Đồng Nai để mở trường học đã trở thành cột mốc quan trọng. Khi cùng sinh hoạt với các em nhỏ tại địa phương, mặc cho cách biệt về ngôn ngữ hay xuất thân, sự hòa đồng, gần gũi của mọi người xung quanh đã khiến Amy nhận ra cảm giác gắn bó mà bấy lâu nay cô luôn khao khát. Và cô có một quyết định dứt khoát: rời nước Mỹ và quay về sống tại Việt Nam.
Trong một chuyến thăm đến Vườn quốc gia Cát Tiên cùng Quỹ Bảo tồn Động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam) và tận mắt chứng kiến những nỗ lực bảo tồn động vật hoang dã, Amy nhận ra rằng thiên nhiên không chỉ là nơi trú ẩn cho tâm hồn, mà còn là một phần không thể thiếu của cô. Tại đây, cô đánh thức giấc mơ thuở nhỏ: theo chân Steve Irwin khám phá thế giới hoang dã.
“Tôi nhìn thấy bản thân mình trong các loài động vật bị hiểu sai”, cô nhắc đến loài cá sấu Xiêm, một trong những loài nguy cấp mà Conservation Vietnam đang nỗ lực bảo vệ. Như cách cô từng khẳng định bản thân thời thơ ấu, giờ đây cô muốn chứng minh rằng loài cá sấu này không quá đáng sợ, chúng cũng đang phấn đấu để sinh tồn và cũng cần được bảo vệ.
Từ đó, Amy bắt đầu bước chân vào một sứ mệnh mới: bảo tồn thiên nhiên. Cô bắt tay cùng đội ngũ Conservation Vietnam để tìm hiểu về các hoạt động nghiên cứu, phục hồi động vật hoang dã với mục tiêu đánh thức mọi người về mối quan tâm dành cho môi trường.
Nhìn về tương lai, Amy không ngại chia sẻ những kế hoạch lớn của mình tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành du lịch đi kèm với bảo tồn. Cô mong muốn tạo ra những mô hình du lịch có trách nhiệm - nơi con người không chỉ đến tham quan mà còn có ý thức giữ gìn thiên nhiên.
Mặc dù vẫn chưa trở về nơi cô sinh ra tại Đà Nẵng, Amy tin rằng ngày đó sẽ đến khi thời điểm thích hợp. Trước mắt, cô mong muốn tiếp tục tham gia hỗ trợ truyền thông cho các dự án bảo tồn động thực vật hoang dã tại Việt Nam. “Đây là cách tôi trả ơn quê hương, không chỉ cho tôi sự sống, mà cho cả những sinh vật đang đấu tranh để tồn tại. Tôi muốn những thế hệ sau lớn lên trên một thế giới đầy màu xanh,” cô nói.