“Phở bar” không vội vàng
Tôi biết anh nhiều năm, đầu tiên là giáo viên dạy ngoại ngữ, tiếp theo là nhà thiết kế thời trang, là cộng tác viên thường xuyên cho những tạp chí life style và bây giờ là chủ “phở bar”.
Anh có khá nhiều những ý tưởng mới về mỹ thuật, kinh doanh, quà tặng và thường cho không, biếu không cho bạn bè. Ý tưởng khác biệt nhưng rất thiết thực dựa vào những quan sát tinh tế nhu cầu của người tiêu dùng, xã hội và môi trường đang sống.
Hỏi vì sao lại có sự kết hợp “trái khuấy” Phở bar chứ không phải quán phở hay nhà hàng phở? Anh khẳng định: “Có một giới người tiêu dùng có nhu cầu thưởng thức những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống, họ ghét sự nhàm chán của các dịch vụ tiện dụng, những không gian hiện đại nhưng vẫn muốn hưởng thụ một dịch vụ đặc biệt và tinh tế”.
Vậy là đã rõ bởi ai cũng biết anh là người đam mê cái đẹp và luôn mang trong mình những cảm hứng sáng tạo và mang cái đẹp đến cho người khác. Anh thiết kế những trang phục đẹp cho phụ nữ, nấu những món ăn ngon lành cho bạn bè, người thân như một cách dẫn dắt người khác khám phá những hương vị tuyệt vời của cuộc sống. Chuyện anh chọn một không gian đẹp và biến nơi này thành “phở bar” không phải là quá ngạc nhiên.
Đối với ngành nhà hàng “gu” về decor và thức ăn quyết định hết 80% sự thành công của nhà hàng. Tôi thấy cách chọn mùi vị của phở cũng khác hẳn, không phải phở kiểu Bắc cũng chẳng phải phở kiểu Sài Gòn mà chính là phở Ru. Sau nhiều lần nghiên cứu và mày mò thử nghiệm thì anh bạn tôi tuyên bố “phở Việt bên Mỹ là phở ngon nhất!” (Riêng về nhận định này cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau, bản chất khi bàn về một món ăn truyền thống như phở đã là một sự phức tạp khó thống nhất).
Nhưng anh chủ phở bar có những lý giải riêng của mình khi quyết định kinh doanh kiểu phở này: “Người Sài Gòn mang món phở qua Mỹ trong những chuyến tha hương của mình nhưng giữ nguyên hương vị họ yêu thích cho đến nay, không lai tạp, không pha trộn. Hương vị đó sở dĩ không bị pha trộn là nhờ xa xứ, họ giữ nguyên những nguyên lý nấu phở theo kiểu truyền thống với đầy đủ nguyên liệu của phở từ rau ăn kèm, bánh phở và đặc biệt chỉ sử dụng những gia vị đúng của phở. Nghĩa là không có các loại bột ngọt hay hạt nêm.
Cũng từ sự lý giải này mà anh chọn không gian để xây dựng mô hình “phở bar” trong một căn biệt thự kiểu cũ nằm trong một ngõ hẻm chỉ có chừng mười căn nhà và một gallery đương đại rất nổi tiếng Sài Gòn với phong cách décor rất riêng.
Không gian lãng mạn.
Tuy hơi cường điệu khi trồng một vườn rau đủ các loại ở mảng sân phía trước nhưng anh vẫn khư khư bám lấy ý tưởng này và rất vui khi thực khách cảm nhận được thông điệp của Ru bar ở khu vườn nhỏ này.
Cách đây vài năm tôi có ngồi nói chuyện với một anh bạn sở hữu một chuỗi quán cà phê vườn nổi tiếng ở Sài Gòn về cái hồn riêng của các không gian quán, anh có kết luận một câu rất hay từ kinh nghiệm làm nghề của mình: Quán phải có sự hiểu biết của kiến trúc sư, vẻ đẹp của anh hoạ sĩ và tâm hồn của người chủ thì mới hoàn thiện cả phần hình thức lẫn nội dung.
Ở bar phở Ru tôi cảm nhận rõ ràng các yếu tố này và chắc rằng sự tinh tế của chủ nhân sẽ tạo cho mỗi người khách những cảm giác rất đặc biệt, không ai phải vội vàng như đi ăn phở.
Nguồn SGTT